Trong nhiều năm nay gần đây, hoạt động đầu tư xây dựng đã ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Để đảm bảo vai trò của hoạt động đầu tư xây dựng, pháp luật nước ta đã có các quy định cụ thể về vấn đề này. Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc tìm hiểu về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Mục lục bài viết
1. Dự án đầu tư xây dựng là gì?
Theo quy định của Điều 3
“Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.”
Như vậy, ta nhận thấy, dự án đầu tư xây dựng là: tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm mục đich phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định.
Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Qua đó, ta nhận thấy, đầu tư xây dựng có thể xem là tiền đề quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nền kinh tế nói chung và của các cơ sở sản xuất kinh doanh nói riêng. Việc đầu tư xây dựng cơ bản không chỉ đơn giản là xây mới, mà còn bao gồm nhiều hình thức khác như cải tạo, mở rộng, hiện đại hoá hoặc khôi phục tài sản cố định cho nền kinh tế.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực xây dựng:
Theo Điều 12
– Nghiêm cấm quyết định đầu tư xây dựng không đúng với quy định của Luật xây dựng 2014.
– Nghiêm cấm thực hiện khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật xây dựng 2014.
– Nghiêm cấm việc xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử – văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này.
– Nghiêm cấm việc xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.
– Nghiêm cấm lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước trái với quy định của Luật xây dựng 2014.
– Nghiêm cấm các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.
– Nghiêm cấm việc chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.
– Nghiêm cấm hoạt động xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình.
– Nghiêm cấm việc sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường.
– Nghiêm cấm các hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, tài sản, phòng, chống cháy, nổ, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường trong xây dựng.
– Nghiêm cấm việc sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
– Nghiêm cấm hành vi đưa, nhận hối lộ trong hoạt động đầu tư xây dựng; lợi dụng pháp nhân khác để tham gia hoạt động xây dựng; dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng công trình.
– Nghiêm cấm các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về xây dựng; bao che, chậm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng.
– Nghiêm cấm hoạt động gây cản trở hoạt động đầu tư xây dựng đúng pháp luật.
3. Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng:
Pháp luật xây dựng đã đưa ra chín nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm:
– Nguyên tắc thứ nhất: Hoạt động đầu tư xây dựng phải được bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Nguyên tắc thứ hai: Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên tại khu vực có dự án, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng.
– Nguyên tắc thứ ba: Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em ở các công trình công cộng, nhà cao tầng; ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng.
– Nguyên tắc thứ tư: Hoạt động đầu tư xây dựng phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường.
– Nguyên tắc thứ năm: Hoạt động đầu tư xây dựng phải bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
– Nguyên tắc thứ sáu: Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định; chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Nguyên tắc thứ bảy: Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát và tiêu cực khác trong hoạt động đầu tư xây dựng.
– Nguyên tắc thứ tám: Cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn sử dụng.
– Nguyên tắc cuối cùng cũng rất quan trọng đó là khi lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng phải có giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.
4. Trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng:
theo Khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng 2014 thì các bước lập và quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng bao gồm ba giai đoạn cụ thể như sau:
– Giai đoạn 1: Chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng:
Các nội dung dự án đầu tư xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị gồm có:
+ Tổ chức lập, thẩm định và tiến hành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có).
+ Lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi hay Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét và quyết định đầu tư xây dựng.
+ Thực hiện những công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án.
Cụ thể giai đoạn này gồm các công việc: xin chủ trương đầu tư, giao đất, thuê đất và giải phóng mặt bằng, quy hoạch. Các công việc này cần được thực hiện thao đúng các quy định của pháp luật về xây dựng và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
– Giai đoạn 2: Thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình:
Đối với giai đoạn này các nội dung của dự án đầu tư xây dựng công trình cần thực hiện bao gồm:
+ Bàn giao và chuẩn bị mặt bằng dự án: Bàn giao đất hoặc thuê đất, chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có).
+ Thực hiện việc khảo sát và đầu tư xây dựng.
+ Thi công xây dựng công trình.
Giai đoạn thi công dự án đầu tư xây dựng gồm có các hoạt động sau đây: Chọn nhà thầu thi công và giám sát, tiến hành thi công, trong quá trình thi công có thể được xin điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình phù hợp với thực tế và thực hiện nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành, bàn giao công trình hoàn thành, vận hành và chạy thử, cũng như thực hiện các công việc cần thiết khác.
– Giai đoạn 3: Kết thúc xây dựng và đưa dự án vào sử dụng:
Nội dung cơ bản của một dự án đầu tư trong giai đoạn kết thúc gồm các công việc cụ thể như sau:
+ Hoàn công công trình dự án xây dựng.
+ Quyết toán và kiểm toán hạch toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
+ Chứng nhận sở hữu công trình.
+ Bảo hành công trình xây dựng, đồng thời đưa vào sử dụng.
Cần lưu ý, tuỳ thuộc vào những điều kiện cụ thể, những yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng về kỹ thuật có thể thực hiện đúng trình tự hay kết hợp đồng thời những nội dung công việc của các giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng.