Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân đối với đất nước Việt Nam, phát sinh quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước. Hiện nay, để chứng mình một người có quốc tịch Việt Nam được thể hiện qua rất nhiều giấy tờ khác nhau. Vậy những loại giấy tờ nào sẽ chứng minh một người có quốc tịch Việt Nam?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là người có quốc tịch Việt Nam?
Theo quy định tại Điều 13 Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-VPQH quy định người có quốc tịch Việt Nam bao gồm:
– Đối tượng có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày 01/7/2009.
– Người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
– Đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày 01/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Lưu ý: Đối với những người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam nhưng không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì thực hiện đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để có cơ sở xác định quốc tịch Việt Nam, đồng thời cấp Hộ chiếu Việt Nam.
2. Những loại giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam:
Căn cứ Điều 11 Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-VPQH 2014 hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam quy định giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam bao gồm:
– Giấy khai sinh (Lưu ý: Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ).
– Hộ chiếu Việt Nam.
– Giấy chứng minh nhân dân.
– Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
– Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
– Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài.
– Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
3. Căn cứ nào xác định người có quốc tịch Việt Nam?
Theo quy định tại Điều 14 Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-VPQH 2014 hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam thì căn cứ để xác định người có quốc tịch Việt Nam gồm:
– Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam, khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam.
– Trường hợp trẻ em sinh ra chỉ có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam:
+ Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.
+ Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài khi có thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con.
Trường hợp nếu trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, cha mẹ không có thỏa thuận việc lựa chọn quốc tịch: đứa trẻ đó sẽ có quốc tịch Việt Nam.
– Trường hợp trẻ em sinh ra mà cha mẹ không có quốc tịch:
+ Trẻ em sinh ra trong lãnh thổ Việt Nam, cha mẹ là người không có quốc tịch, tuy nhiên có nơi thường trú tại Việt Nam.
+ Trẻ em sinh ra trong lãnh thổ Việt Nam, có mẹ là người không quốc tịch khi sinh ra tuy nhiên có nơi thường trú tại Việt Nam; không rõ cha là ai: đứa trẻ đó mang quốc tịch Việt Nam.
– Công dân được nhập quốc tịch Việt Nam.
– Công dân được trở lại quốc tịch Việt Nam.
– Đối với trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam:
+ Đứa trẻ bị bỏ rơi, được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không rõ cha mẹ là ai.
– Đối với con nuôi chưa thành niên:
+ Trẻ em là công dân Việt Nam, được nhận nuôi bởi người nước ngoài: vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
+ Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi.
+ Trẻ em là người nước ngoài được cha mẹ mà một người là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài nhận làm con nuôi: sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam.
– Căn cứ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Muốn được nhập quốc tịch Việt Nam cần điều kiện gì?
Theo quy định tại Điều 19 Văn bản hợp nhất sô 05/VBHN-VPQH quy định điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam bao gồm:
– Phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định.
– Đáp ứng tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
– Phải tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam.
– Phải biết nói tiếng Việt đủ để hòa nhập được cộng đồng.
– Có thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam.
– Phải đảm bảo khả năng đảm bảo được cuộc sống tại Việt Nam.
Đối với đối tượng là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; đối tượng có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; đối tượng có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì không cần phải có điều kiện sau:
– Phải biết nói tiếng Việt đủ để hòa nhập được cộng đồng.
– Có thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam.
– Phải đảm bảo khả năng đảm bảo được cuộc sống tại Việt Nam.
Quy trình xin nhập quốc tịch tajiu Việt Nam được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam.
– Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế (bản sao).
– Bản khai lý lịch;
– Đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam cần có Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì cần có Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
(Lưu ý: phiếu lý lịch tư pháp phải được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ).
– Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.
– Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam.
– Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ như trên, người muốn xin nhập quốc tịch sẽ nộp hồ sơ đến Sở tư pháp tại nơi cư trú.
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết:
Sau khi nhận được đủ hồ sơ, Sở tư pháp sẽ kiểm tra hồ sơ:
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam trong vòng 05 ngày làm việc.
– Cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp trong vòng 30 ngày tính từ ngày nhận được đề nghị của Sở tư pháp. Khi đó, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.
– Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp.
– Sau đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
+ Trường hợp đủ điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam: Bộ tư pháp gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài.
+ Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-VPQH 2014 hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam
THAM KHẢO THÊM: