Nhóm tôn giáo thiểu số là gì? Nhóm tôn giáo thiểu số bao gồm một loạt các cộng đồng tôn giáo, được Nhà nước công nhận hoặc không công nhận, thường có quy mô nhỏ, có sự yếu thế hơn về quyền trong xã hội, dễ phải chịu sự phân biệt đối xử và phụ thuộc. Những cách gọi khác nhau về nhóm tôn giáo thiểu số?
Mục lục bài viết
1. Nhóm tôn giáo thiểu số là gì?
Trong tờ thông tin số 18 (Rev.1) được xuất bản năm 1998, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tuyên bố: “Không có câu trả lời chắc chắn nào được tìm thấy và không có định nghĩa phổ quát thỏa đáng nào về thuật ngữ “thiểu số” được chứng minh là có thể chấp nhận được”. Từ năm 1995 đến 2006, một Nhóm công tác đặc biệt của Liên hợp quốc về Người thiểu số thuộc Tiểu ban Phòng chống Phân biệt đối xử và Bảo vệ Người thiểu số đã đi vào hoạt động, nghiên cứu và báo cáo các kết quả về “nhóm thiểu số” trong thực tế.
Không chỉ Liên Hợp Quốc, những nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cũng nỗ lực đưa ra nhiều cách hiểu về “nhóm thiểu số”. Ở góc độ của xã hội học, thiểu số có nghĩa là “cấp dưới”, còn đa số thường được nhắc đến với hàm nghĩa “thống trị”. Nhóm thiểu số là những “nhóm cấp dưới” mà các thành viên trong nhóm có quyền kiểm soát hoặc quyền lực ít hơn đáng kể so với các thành viên của “nhóm thống trị” (hay nhóm đa số) trong xã hội.
Đến năm 1977, Báo cáo viên đặc biệt của Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số của Liên Hợp Quốc – Francesco Capotorti đã nêu ra định nghĩa “nhóm thiểu số” trong Báo cáo nghiên cứu của mình.
Từ những tài liệu nghiên cứu và quan điểm của các chuyên gia, có thể xác định “nhóm thiểu số” có những đặc trưng sau:
(1) Nhóm thiểu số” được hiểu là những nhóm người thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ. Những nhóm người này do có những đặc điểm về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, và các yếu tố khác nên được công nhận là người thiểu số;
(2)Về mặt số lượng: Có số lượng ít hơn so với nhóm đa số cùng sinh sống xét trên một lãnh thổ, quốc gia;
(3)Về vị thế xã hội: Là nhóm yếu thế trong xã hội (chính trị, kinh tế, xã hội ở lãnh thổ nơi họ sinh sống) mà quyền của họ dễ bị xâm phạm hoặc bị bỏ quên;
(4)Về bản sắc: Có những đặc điểm riêng về mặt chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ, phong tục tập quán,… mà vì thế có thể phân biệt họ với nhóm đa số;
(5)Về địa vị pháp lý: Có thể là công dân hoặc người nước ngoài đang sinh sống, cư trú tại một quốc gia;
(6)Về đặc điểm chủ quan: Thành viên của cộng đồng ấy phải có ý thứ tự giác bảo tồn những đặc trưng văn hóa của mình, có ý thức mình là thành viên của cộng đồng ấy.
“Nhóm tôn giáo thiểu số” trong lịch sử – một khái niệm từng bị lãng quên
Ngược dòng lịch sử, chính các nhóm tôn giáo thiểu số đã mở đầu cho những cuộc thảo luận về quyền của các nhóm thiểu số ở cấp độ quốc gia, khu vực và sau đó là cấp độ quốc tế. Dẫu được quan tâm từ lâu, các vấn đề liên quan tới nhóm tôn giáo thiểu số bị coi là yếu tố không thể thương lượng của các hiệp ước hòa bình (đặc biệt là các hiệp ước hòa bình mới nổi) do sự nhạy cảm về chính trị.
Thông qua việc rà soát hệ thống pháp luật các cơ quan của Liên Hợp Quốc như Ủy ban Nhân quyền và các thủ tục xử lý vi phạm (Thủ tục 1235 và 1503), chúng tôi nhận ra rằng trong khi, các nhóm tôn giáo thiểu số thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và ngược đãi với tư cách nhóm, thì hầu hết các trường hợp sẽ được giải quyết dưới dạng quyền cá nhân (“cái ô” quyền “tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng” theo cách gọi của Nazila Ghanea – Giáo sư Luật Nhân quyền quốc tế tại Đại học Oxford) thay vì theo quyền của nhóm thiểu số.
Sự xuất hiện trở lại của thuật ngữ “nhóm tôn giáo thiểu số”
Hơn 30 năm sau khi thành lập, Liên Hợp Quốc đã dần quan tâm trở lại khái niệm “nhóm tôn giáo thiểu số”. Năm 1967, Tiểu ban Phòng chống Phân biệt đối xử và Bảo vệ người thiểu số đã thông qua Nghị quyết n. 9 (XX) về bảo vệ các dân tộc thiểu số, trong đó có nhắc tới tôn giáo thiểu số.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) đã sử dụng thuật ngữ “tôn giáo thiểu số” trong tài liệu “Quyền của Người thiểu số: Các tiêu chuẩn và hướng dẫn thực hiện quốc tế, (HR/PUB/10/3 2010)”. Tại Phiên thứ bảy mươi lăm của Liên Hợp Quốc ngày 21 tháng 7 năm 2020, trong Mục 72 (b) chương trình nghị sự tạm thời (A/75/150): Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người: các câu hỏi về quyền con người, bao gồm các phương pháp tiếp cận thay thế để cải thiện việc thụ hưởng hiệu quả các quyền con người và các quyền tự do cơ bản có đề cập tới “nhóm tôn giáo thiểu số”.
Trong Báo cáo của Báo cáo viên Đặc biệt về các vấn đề thiểu số, Fernand de Varennes cũng nhắc tới khái niệm “tôn giáo thiểu số”. Nghiên cứu chuyên đề về tầm quan trọng và phạm vi của bốn loại thiểu số (quốc gia hoặc dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ), Báo cáo viên đặc biệt xem xét lịch sử, cách tiếp cận và luật học về “tôn giáo thiểu số”. Quá trình soạn thảo Công ước Châu Âu về Bảo vệ Người thiểu số, Ủy ban Dân chủ Châu Âu thông qua luật đã đưa ra nhiều đề cập đến khái niệm tôn giáo thiểu số tại Điều 10. Vào ngày 27 tháng 4 năm 2017, Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Châu Âu đã thông qua
văn bản tạm thời của Nghị quyết Bảo vệ quyền của cha mẹ và trẻ em thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số. Hiến chương Ả Rập về Nhân quyền có nhắc tới nhóm tôn giáo thiểu số tại Điều 37. Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington, DC đã công bố số liệu về số lượng người tị nạn đến Hoa Kỳ trong năm 2016. Hơn một phần ba số người tị nạn được gắn nhãn “tôn giáo thiểu số ở nước họ”, trong đó 61% là người theo Cơ Đốc giáo.
Các cách hiểu về “nhóm tôn giáo thiểu số” đã có và đề xuất khái niệm “nhóm tôn giáo thiểu số”
Cho tới nay, khái niệm “nhóm tôn giáo thiểu số” vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng trong các văn kiện quốc tế. Việc xác định đâu là “nhóm tôn giáo thiểu số” trở nên quan trọng để có thể nghiên cứu, đánh giá thế giới tôn giáo đầy phức tạp và đa dạng như hiện nay. Sự cần thiết đó đã được nhấn mạnh trong “Đề xuất cụ thể về các tiêu chuẩn tối thiểu cho người thiểu số ở EU” cho Nghị viện Châu Âu do Ủy ban về Tự do Dân sự, Tư pháp và Nội vụ của Ủy ban Châu Âu thực hiện.
Báo cáo viên đặc biệt Francesco Capotorti là người đầu tiên xem xét khái niệm “thiểu số”. Năm 1979, ông đã cho ra đời một báo cáo mở rộng có tựa đề “Nghiên cứu về Quyền của những người thuộc dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ”. Theo định nghĩa của Capotorti, tôn giáo thiểu số “là một nhóm nhỏ hơn về số lượng so với phần còn lại của dân số trong quốc gia mà nhóm đó đang tồn tại và sở hữu các đặc điểm tôn giáo, khác với những nhóm dân số còn lại” .
Năm 1985, nhiệm vụ nghiên cứu về định nghĩa của người thiểu số được giao cho Jules Deschenes. Ông giải thích rằng nhóm tôn giáo thiểu số “là một nhóm công dân chiếm ít hơn một nửa dân số của một quốc gia và ở vị trí không thống trị trong quốc gia đó, có đặc điểm dân tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ khác với phần lớn dân số, có ý thức đoàn kết chặt chẽ với nhau bởi ý chí tập thể để tồn tại và mục đích của họ là đạt được sự bình đẳng với nhóm đa số trên thực tế và trên luật pháp”.
Năm 1994, trong Nhận xét chung nu 23, Ủy ban Nhân quyền đã nêu: “Các thuật ngữ được sử dụng trong Điều 27 chỉ ra rằng những người được bảo vệ là những người thuộc một nhóm và có chung một tôn giáo” . Ủy ban Nhân quyền đã thể hiện quan điểm khác với Jules Deschenes ở chỗ: không yêu cầu thành viên của nhóm phải là công dân tại quốc gia đó. Đồng thời, “sự tồn tại của một nhóm thiểu số về dân tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ trong một quốc gia thành viên nào đó không phụ thuộc vào quyết định của quốc gia đó mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan” .
Trong tài liệu “Quyền của Người thiểu số: Các tiêu chuẩn và hướng dẫn thực hiện quốc tế, (HR/PUB/10/3 2010)”, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đã sử dụng khái niệm “nhóm tôn giáo thiểu số” bao gồm một loạt các cộng đồng tôn giáo hoặc tín ngưỡng, truyền thống và phi truyền thống, cho dù có được Nhà nước công nhận hay không, bao gồm cả những nhóm tôn giáo, tín ngưỡng mới được thành lập; có quy mô lớn hay nhỏ; đang tìm kiếm sự bảo vệ các quyền của họ theo tiêu chuẩn về quyền của thiểu số. Những người không theo một tín ngưỡng nào, người vô thần cũng có thể thuộc nhóm khi họ phải đối mặt với những thách thức, sự phân biệt đối xử và cần được bảo vệ quyền của mình.
Vào năm 2017, Ủy ban Nghị viện Châu Âu về quyền tự do Dân sự, Tư pháp và Nội vụ đã giao cho một nhóm chuyên gia thực hiện một nghiên cứu luật Châu Âu về thiểu số. Ở cấp độ khu vực, các chuyên gia đã tiến hành đánh giá, so sánh các quốc gia và đưa ra kết luận: rất khó phân biệt giữa phân biệt đối xử dựa trên lý do dân tộc thiểu số, ngôn ngữ thiểu số với phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo thiểu số. Đôi khi, chúng bao hàm lẫn nhau (như việc bài Do Thái và Hồi giáo). Mặt khác, luật pháp các quốc gia có truyền thống ủng hộ “tôn giáo đa số”.
Năm 2018,
Báo cáo viên đặc biệt Heiner Bielefeldt, trong báo cáo năm 2019 của mình trước Đại hội đồng, đã chỉ ra rằng dân tộc thiểu số, tôn giáo hoặc ngôn ngữ là bất kỳ nhóm người nào chiếm dưới một nửa dân số trong toàn bộ lãnh thổ của một Quốc gia, có các thành viên chia sẻ các đặc điểm chung về văn hóa, tôn giáo hoặc ngôn ngữ, hoặc sự kết hợp của bất kỳ điều nào trong số này và không có bất kỳ yêu cầu nào về quốc tịch, cư trú, công nhận chính thức hoặc bất kỳ địa vị nào khác. Khái niệm đó công nhận sự tồn tại của các nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo hoặc ngôn ngữ là một thực tế khách quan và không phụ thuộc vào sự công nhận tới từ Nhà nước.
Diễn đàn về các vấn đề thiểu số đã gọi loại “tôn giáo thiểu số” là bao gồm một loạt các ““cộng đồng tôn giáo hoặc tín ngưỡng”, bao gồm cả những người không theo đạo (non-believers), người vô thần (atheists), hay người theo thuyết bất khả trị (agnostics)”.
Bằng cách so sánh các quan điểm, có thể rút ra điểm chung trong những định nghĩa “nhóm tôn giáo thiểu số” đã được đề xuất. Hầu như tất cả đều xác định nhóm tôn giáo thiểu số trên cơ sở tiêu chí khách quan (số lượng) và tiêu chí chủ quan (sự yếu thế trong thực hiện quyền; mong muốn gìn giữ, bảo tồn tôn giáo của mình). Các nhóm tôn giáo thiểu số hoặc tín ngưỡng được hiểu theo nghĩa rộng, bao trùm nhiều hệ thống tôn giáo hoặc tín ngưỡng, bao gồm các tôn giáo mới thành lập và các tín ngưỡng phi truyền thống, các thực hành tâm linh khác nhau, cũng như các cá nhân phi tôn giáo.
Thuật ngữ “nhóm tôn giáo thiểu số” bao gồm một loạt các cộng đồng tôn giáo, được Nhà nước công nhận hoặc không công nhận, thường có quy mô nhỏ, có sự yếu thế hơn về quyền trong xã hội, dễ phải chịu sự phân biệt đối xử và phụ thuộc. Do những đặc điểm riêng về tôn giáo, tín ngưỡng khiến nhóm có thể bị tách biệt so với xã hội, các thành viên của nhóm có thể mong muốn bảo vệ quyền của họ theo các tiêu chuẩn về quyền của thiểu số. Các nhóm tôn giáo thiểu số cũng có thể là dân tộc thiểu số hoặc ngôn ngữ thiểu số.
2. Những cách gọi khác nhau về nhóm tôn giáo thiểu số:
Thực tiễn nghiên cứu cho thấy “tôn giáo thiểu số” thường được gọi bằng nhiều thuật ngữ khác nhau: “tôn giáo mới”, “đạo lạ”, “tà đạo”,… Cụ thể:
Tôn giáo phi truyền thống/không chính thức
Đây là cách gọi được nhiều học giả Trung Quốc sử dụng. Với các học giả Trung Quốc, có sự phân biệt rõ ràng giữa các nhóm tôn giáo được công nhận chính thức từ Nhà nước (tôn giáo truyền thống) và các nhóm không chính thức (tôn giáo phi truyền thống). Thuật ngữ “xiejiao” (“giáo huấn dị đoan và tà ác”) đã được sử dụng để phân biệt giữa các nhóm “không mong muốn” với “zongjiao” (“tôn giáo”).
Nhóm bất tuân phục/Nhóm ngoài lề/Nhóm tôn giáo “bồng bềnh”,…
Nhà nghiên cứu người Pháp Franoise Champion đã chỉ ra trong bài tham luận của mình: những thuật ngữ như nhóm “bất tuân phục”, nhóm “ngoài lề”, nhóm hỗn hợp “tạp chủng”,… đều được dùng để chỉ tôn giáo thiểu số. Điểm chung mà các khái niệm này đều chỉ ra các tôn giáo đó là những “mảnh rời của những tôn giáo truyền thống đã bị phân ra, không còn thể hiện một nội dung tôn giáo, hay ít ra là thứ tôn giáo được định nghĩa một cách cổ điển ở Châu Âu”. Nếu theo khung phân loại Weber – Troeltsch thì chúng sẽ được xếp vào phần loại hình giáo phái.
Tôn giáo mới/Hiện tượng tôn giáo mới/Phong trào tôn giáo mới/Tân giáo/Tân tôn giáo
“Tôn giáo mới” (New religion) là cách gọi được sử dụng phổ biến với các học giả phương Tây. Những nghiên cứu công phu về tôn giáo mới đã được thực hiện: “New religious movements: Challenge and response” của BR. Wilson, J. Cresswell, “New Religions and the Theological Imagination in America” của Mary Farrell, “The Old Believers and the New Religion” của Michael Cherniavsky, “Perspective: Toward a Definition of “New Religion” của Gordon Melton,… “Tôn giáo mới” nhằm để chỉ những nhóm tôn giáo, tín ngưỡng có sự khác biệt so với tôn giáo đã có từ trước. Từ “mới” trong “tôn giáo mới” đã tạo nên không ít tranh luận với nhiều cách hiểu khác nhau. “Mới” có thể do thời điểm xuất hiện của các nhóm tôn giáo muộn hơn so với các tôn giáo lớn, lâu đời như Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo,… Một số học giả khác lại cho rằng “mới” cần hiểu là thời gian xuất hiện gần đây.
Về thời điểm nào được xác định ra thời điểm “mới” cho ra đời các “tôn giáo mới” cũng xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau. Bryan Wilson cho rằng “tôn giáo mới” là tôn giáo xuất hiện trong ba, bốn thập kỷ trở lại đây; Barker xác định “tôn giáo mới” xuất hiện khoảng những năm 1950 khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1945; George Chryssides thì cho rằng từ giữa thế kỷ 19 mới là thời điểm xác định đúng; Oliver và Elijah Siegler thì cho rằng sự thành lập của Phong trào Thánh ngày sau (Latter Day Saint movement) vào năm 1830 là dấu mốc; Tenrikyo thì cho rằng từ năm 1838 mới bắt đầu nảy sinh các “tôn giáo mới”,… Ở khu vực Đông Á, ngoài “tôn giáo mới”, cách gọi là “tân giáo”, “tân tôn giáo” cũng khá phổ biến tại Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Tại Việt Nam, các tác giả khác như Trương Văn Chung, Đỗ Quang Hưng, Võ Minh Tuấn,… đều sử dụng cách gọi “tôn giáo mới” trong nghiên cứu.
Tà giáo/Tà đạo/Ma giáo/Cuồng giáo (Cult)
Từ “Đạo lạ” có nguồn gốc từ từ “tao” trong tiếng Trung Quốc, có nghĩa là con đường. Ở Trung Quốc, nhà nghiên cứu Hy Văn giải thích: “Tà giáo cũng là một loại của hiện tượng tôn giáo mới, nhưng nó là cực đoan, tàn ác”.
Ở Việt Nam, theo nhóm tác giả của Ban Dân vận Trung ương, thì khái niệm “hiện tượng tôn giáo mới” được hiểu đồng nghĩa với các tên gọi “đạo lạ”, “giáo phái”, “tạp giáo”, “tà giáo”. Năm 2014, Bộ Nội vụ từng đưa khái niệm về “tà đạo” trong dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo. Tuy nhiên, dự thảo này đã không được ban hành. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Đoài, Hiệu trưởng trường Đại học An ninh Nhân dân, cho rằng “tà đạo là một loại đạo lạ (so với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống nhưng khuynh hướng hoạt động mê tín dị đoan, phản văn hóa, vi phạm pháp luật”.
Một số cách gọi khác:
Thứ nhất, sử dụng thuật ngữ “tôn giáo mới” hay “tôn giáo phi truyền thống” dễ dẫn tới những ác cảm tới từ dư luận xã hội đối với các nhóm tôn giáo thiểu số. Sử dụng cách gọi “tôn giáo mới” tiện hình dung song không rành mạch và mơ hồ, bởi nó trộn lẫn hai yếu tố: một bên là tập hợp các đặc điểm của những phong trào nổi trội, những tôn giáo đang nảy sinh; còn một bên là các nhóm tôn giáo chưa từng thấy xuất hiện trong lịch sử và cũng khó mà xếp chúng vào phần loại hình giáo phái nào. Cùng với thời gian, sự lẫn lộn giữa “tính nổi trội” và tính “chưa từng thấy” được thể hiện rõ ràng càng khiến việc phân chia theo “tôn giáo mới” trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, vẫn còn nhiều tranh cãi về thời điểm để một tôn giáo ra đời được coi là “mới”. Bản thân George Chryssides cũng đã thừa nhận về sự “mơ hồ” này trong nghiên cứu của mình.
Thứ hai, khi gọi nhóm là “tà giáo”, “cuồng giáo” (Cult) hay “giáo phái” (Les sects), nội hàm và ngoại diện thuật ngữ này là chưa hợp lý, còn chung chung và chưa phản ánh hết những đặc điểm. Cách gọi này cũng dễ tạo điều kiện cho sự phân biệt đối xử. Từ “cult” mang sắc thái mỉa mai, châm biếm trong tiếng Anh. Các nhà xã hội học sử dụng thuật ngữ này nhằm biểu thị rằng một nhóm tôn giáo có sự căng thẳng với phần còn lại của xã hội. Thật khó để nói một tôn giáo là đúng hay sai. Người Nga nhìn nhà thờ Công giáo như là biểu hiện của “tà giáo”; trong khi tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, các tín đồ Công giáo được tự do thực hiện quyền tôn giáo, tín ngưỡng của mình.
Từ thế kỷ XVII – XVIII, sử sách nước ta gọi đạo Datô (một trong những tên gọi đạo Công giáo hay Thiên Chúa giáo) là “tà đạo Tây Dương” rất nguy hiểm, làm “sai lạc lòng người” vì nó đối chọi với đạo Nho (chính đạo). Nhưng đến nay, điều đó không còn đúng. Mặt khác, việc gắn tên “cuồng tín” cho các nhóm tôn giáo thiểu số khiến dư luận xã hội dễ hình dung tiêu cực, dẫn đến những định kiến xã hội, căng thẳng, nghi ngờ, soi xét với niềm tin chân thành của các tín đồ tôn giáo thiểu số.
Thứ ba, cách gọi “nhóm ngoài lề”, “nhóm bồng bềnh”, “các tôn giáo hỗn tạp”, “tôn giáo dung hợp”,… chủ yếu nhấn mạnh và sự khác biệt trong tổ chức và nội dung thực hành tôn giáo của tôn giáo thiểu số so với tôn giáo đa số. Cách gọi này chưa thấy được những sáng tạo riêng của các nhóm tôn giáo thiểu số, ưu điểm của các nhóm tôn giáo thiểu số so với các tôn giáo đã ra đời trước đó.
Có thể thấy, mỗi cách gọi đều làm nổi bật những khía cạnh khác nhau của nhóm tôn giáo nhỏ trong xã hội, nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Cách gọi nhóm tôn giáo thiểu số mang lại sự khách quan, tránh dẫn đến ác cảm, tạo thiên kiến trong quá trình nghiên cứu. Nhà nghiên cứu tôn giáo người Pháp Francise Champion cũng cho rằng nên sử dụng thuận ngữ “nhóm tôn giáo thiểu số” bởi đó là nhóm từ đúng chủng loại, cho phép người nghiên cứu hình dung được toàn bộ các tôn giáo nảy sinh trong thời gian gần đây trên thế giới.