Khái quát về thành viên đoàn thanh tra thuế? Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra thuế?
Thanh tra thuế là hoạt động thanh tra chuyên ngành được thực hiện trực tiếp bởi đoàn thanh tra dựa trên quyết định thanh tra được thủ trưởng cơ quan thuế có thẩm quyền ban hành. Đoàn thanh tra được tổ chức bao gồm Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra, mỗi vị trí đều có các nhiệm vụ, quyền hạn nhất định. So với nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thì thành viên sẽ có nhiệm vụ, quyền hạn ít hơn.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Quản lý thuế năm 2019.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về thành viên đoàn thanh tra thuế:
Khái niệm về thanh tra thuế được Luật Dương Gia thống nhất là: Thanh tra thuế là hoạt động giám sát của cơ quan thuế đối với các hoạt động, giao dịch liên quan đến phát sinh nghĩa vụ thuế và tình hình thực hiện thủ tục hành chính thuế, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, nhằm bảo đảm pháp luật thuế được thực thi nghiêm chỉnh trong đời sống kinh tế – xã hội.
Xuất phát từ nguyên tắc được quy định tại Luật Thanh tra: “Hoạt động thanh tra do Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện.” Do vậy, Đoàn thanh tra có thể được coi là chủ thể không thể thiếu trong phần lớn các hoạt động thanh tra.
Đoàn thanh tra thuế bao gồm trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra thuế được ghi nhận trong quyết định thanh tra thuế do thủ trưởng cơ quan thuế có thẩm quyền ban hành. Người trong đoàn thanh tra thường là người có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng các yêu cầu nhất định và phải không có hành vi vi phạm pháp luật; không có liên quan đến đối tượng thanh tra hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Thành viên đoàn thanh tra có vai trò quan trọng, là những người trực tiếp thực hiện thanh tra và tác động trực tiếp vào đối tượng thanh tra. Thành viên đoàn thanh tra chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.
2. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra thuế:
Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh viên đoàn thanh tra được quy định tại Khoản 2, Điều 117 Luật Quản lý thuế, cụ thể:
– Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn thanh tra thuế;
Trưởng đoàn thanh tra là người đứng đầu đoàn thanh tra, được người ra quyết định thanh tra chỉ định. Trưởng đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền hạn được ghi nhận tại Khoản 1, điều 117, trong đó, trưởng đoàn thanh tra có quyền chỉ đạo, tổ chức thanh tra theo quyết định thanh tra, theo đó việc chỉ đạo, hướng dẫn, phân công được thực hiện bởi thành viên đoàn thanh tra, thành viên có nhiệm vụ thực hiện theo sự phân công đó để đảm bảo hoạt động thanh tra được diễn ra đúng đắn, hiệu quả, tránh tình trạng tùy ý thực hiện, thiếu thống nhất và logic. Sự phân công phải dựa trên quyết định thanh tra và thành viên đoàn thanh tra có thể đề xuất ý kiến nếu thấy cần thiết.
– Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;
Đối tượng thanh tra là người nộp thuế được xác định trong quyết định thanh tra thuế, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác là những cơ quan hữu quan, có mối quan hệ với đối tượng thanh tra và có khả năng có một số các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra.
Đây là quyền cơ bản mà người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra hay thành viên đoàn thanh tra đều có, đây là quyền quan trọng để thực hiện hoạt động thanh tra nhanh chóng, hiệu quả, thể hiện tính chủ động trong việc thực hiện hoạt động thanh tra của đối tượng thanh tra. Nếu như yêu cầu là quyền thì chấp nhận yêu cầu là nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức cá nhân có thông tin, tài liệu. Điều quan trọng cần chú ý là các thông tin, tài liệu chỉ được liên quan đến nội dung thanh tra chứ không phải bất kỳ thông tin, tài liệu nào.
– Kiến nghị trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;
Việc kiến nghị ở đây là hợp lý để tập trung quyền vào trưởng đoàn thanh tra, các biện pháp thường được kiến nghị như: Kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra; Quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật; Tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế. Cần chú ý, việc kiến nghị các biện pháp chỉ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 117 Luật Quản lý thuế.
– Kiến nghị xử lý những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
Những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế nếu cần xử lý thì thanh viên đoàn thanh tra không được tự ý thực hiện mà phải kiến nghị với người ra quyết định thanh tra thuế hoặc trưởng đoàn thanh tra, đây vừa là quyền vừa là nghĩa vụ để đảm bảo được sự thống nhất trong việc ra quyết định xử lý. Việc xử lý thường do xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra của đối tượng nộp thuế.
– Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với trưởng đoàn thanh tra thuế, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trưởng đoàn thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.
Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của thành viên đoàn thanh tra, là kết quả của quá trình thanh tra và bắt buộc phải có trong mọi trường hợp thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra là căn cứ để xây dựng kết luận thanh tra, do vậy, báo cáo kết quả phải chính xác, trung thực, khách quan, đảm bảo các nội dung đúng đắn và đầy đủ. Báo cáo kết quả cũng chính là cơ sở để trưởng đoàn thanh tra gửi tới người ra quyết định thanh tra, báo cáo này cũng gắn trách nhiệm với trưởng đoàn thanh tra.
Trước đây, nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra thuế được quy định tại Khoản 2, Điều 85 Luật Thanh tra thuế năm 2006, cụ thể:
“2. Thành viên đoàn thanh tra thuế có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn thanh tra thuế;
b) Kiến nghị xử lý những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
c) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với trưởng đoàn thanh tra thuế.“
Như vậy so với quy định trước đây, thì Luật Quản lý thuế năm 2019 đã mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra, theo đó bổ sung thêm 2 nhiệm vụ, quyền hạn là: Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó; Kiến nghị trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao. Sự thay đổi này cho thấy được cần nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn của nhà làm luật, giúp thành viên đoàn thanh tra chủ động hơn trong việc thực hiện chức năng của mình.
Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra được ghi nhận tại Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng là sự tương thích về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra được ghi nhận tại Điều 47 Luật Thanh tra, cụ thể, Luật Thanh tra cũng quy định rằng:
“Điều 47. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra hành chính
1. Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra.
2. Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó.
3. Kiến nghị Trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra quy định tại Điều 46 của Luật này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Kiến nghị việc xử lý về vấn đề khác liên quan đến nội dung thanh tra.
5. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn thanh tra và trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.“
Như vậy, có thể thấy rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra được cho là đẩy đủ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu về quá trình thực hiện chức năng, vai trò của họ. Điều quan trọng là trong thực tế, thành viên đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó ra sao, có thực sự hiệu quả hay không.