Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng?
Tình hình tội phạm ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng và nguy hiểm hơn về hành vi. Chính vì điều đó, vai trò của cơ quan điều tra cũng được đề cao và trách nhiệm của họ cũng ngày càng nặng nề. Để đảm bảo tránh việc quá tải trong công tác tiếp nhận và xử lý tội phạm, hệ thống cơ quan điều tra được tổ chức khá đa dạng và nhiệm vụ, quyền hạn của họ cũng có những nét đặc trưng riêng biệt có thể được đưa ra phân tích và bình luận. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung vào quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng là gì?
Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng là cơ quan thuộc cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, bên cạnh Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực. Có thể nói, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng là “cấp cao nhất’ trong 3 cơ quan điều tra hình sự kể trên.
So với cơ quan an ninh điều tra Bộ Quốc phòng, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cũng thuộc cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân nhưng ở một “nhánh khác” và có nhiệm vụ, quyền hạn cũng có sự khác biệt so với cơ quan an ninh điều tra, mặc dù họ vẫn có các nhiệm vụ, quyền hạn chung của một cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng?
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng được quy định tại Điều 26 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, với 6 nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản:
Thứ nhất, tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Đây là nhiệm vụ mà hầu hết các cơ quan điều tra đều phải thực hiện, là nhiệm vụ được thực hiện nhằm đáp ứng trước hết là giải quyết các vấn đề về tội phạm trước mắt, trong đó có tiếp nhận, phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, việc giải quyết chỉ mang tính chất xác nhận và bước đầu thực hiện một số nghiệp vụ cơ bản mà chưa có sự điều tra thực sự và cụ thể. Kiến nghị khởi tố là quyền và cũng là nhiệm vụ của Điều tra viên thuộc cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, có ý nghĩa quan trọng và thường được chấp nhận để chủ thể có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, là giai đoạn mở đầu cho tố tụng hình sự, tiến hành điều tra và đề nghị truy tố.
Thứ hai, tiến hành Điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Điều tra hình sự quân khu và tương đương về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu và tương đương, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.
Ở nhiệm vụ quyền hạn này, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng được điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, cụ thể: “các tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự quân khu và tương đương hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Điều tra hình sự khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra.” (Khoản 2, Điều 27 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự).
Dẫn chiếu đến Khoản 2, Điều 28: “vụ án hình sự về tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cùng cấp, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương và Cơ quan An ninh Điều tra trong Quân đội nhân dân.“
Như vậy, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng được điều ta các vụ án hình sự về tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự quân khu và tương đương hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Điều tra hình sự khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra.
Đồng thời đó phải là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu và tương đương, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra. Tính đặc biệt nghiêm trọng dựa trên hành vi và hậu quả của hành vi đối với xã hội, đặc biệt là dựa trên căn cứ pháp lý về phân loại tội phạm được ghi nhận trong Bộ luật hình sự: “Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.” (Điểm d, Khoản 1, Điều 9,
Đối vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại. Trường hợp này thì thông thường vụ án bị hủy đó cũng thuộc chính thẩm quyền của cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
Thứ ba, thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ Điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác Điều tra, xử lý tội phạm đối với các Cơ quan Điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan Điều tra hình sự khu vực; hướng dẫn Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra thực hiện hoạt động Điều tra theo thẩm quyền.
Nhiệm vụ, quyền hạn này của Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xuất phát từ địa vị pháp lý mà cơ quan này đang có, như đã nói ở Mục 1, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, được xem là “cấp trên” so với cơ quan điều tra hình sự quân khu hoặc tương đương và cơ quan điều tra hình sự khu vực. Do vậy, việc thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệm vụ điều tra là điều hoàn toàn cần thiết và hợp lý nhằm đảm bảo hoạt động điều tra trong hệ thống cơ quan điều tra hình sự Bộ quốc phòng phải đáp ứng được yêu cầu chuyên môn và thực tế. Việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật là công tác để kiện toàn hệ thống cơ quan, đảm bảo mọi hoạt động tiếp nhận, giải quyết tin báo tội phạm phải hợp pháp, tôn trọng và đảm bảo quyền cho công dân trong xã hội.
Đối với các lực lượng được giao nhiệm vụ một số hoạt động điều tra, đây là các lực lượng phát sinh nhiệm vụ điều tra trong một số trường hợp nhất định và sự góp mặt của các lực lượng này nhằm giải quyết nhanh chóng, hiệu quả trong hoạt động điều tra, vì vậy, việc cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, hướng dẫn là để cho hoạt động của lực lượng này được đi đúng hướng và đúng nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ tư, kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, Điều kiện làm phát sinh tội phạm. Đây là quyền của hầu hết cơ quan điều tra, thực hiện nhằm phối với với cơ quan, tổ chức khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm đã xảy ra hoặc ngăn chặn tội phạm mới trong tương lai.
Thứ năm, tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác Điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân. Sơ kết, tổng kết là hoạt động mang tính điển hình của tất cả cơ quan nhà nước để nhìn lại chặng đường hoạt động đã qua trong một khoảng thời gian nhất định, đưa ra được kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn động và đưa ra phương án xử lý hiệu quả trong tương lại; hơn nữa việc tổ chức sơ kết, tổng kết cũng là tư liệu để cơ quan điều tra hình sự Bộ quốc phòng lưu trữ và cung cấp khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cao hơn.
Thứ sáu, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo đặt ra đối với cơ quan điều tra hình sự Bộ quốc phòng khi cơ quan này có quyết định hoặc người của cơ quan này có quyết định, hành vi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được cho là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi ích của chính cá nhân, tổ chức, cơ quan khiếu nại hoặc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cộng đồng, xã hội (đối với tố cáo).