Khi nhặt được tài sản do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên, không ít người đã chọn cách "tạm thời bỏ túi". Vậy câu hỏi đặt ra: Khi nhặt được của rơi hoặc tiền rơi mà không trả lại liệu có bị làm sao không?
Mục lục bài viết
1. Nhặt được của rơi, tiền rơi không trả lại có bị làm sao không?
Trong xã hội hiện nay có thể thấy, những tình huống nhặt được của rơi hoặc nhặt được tiền rơi đã không hề hiếm gặp. Vấn đề này xảy ra rất phổ biến, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau mà người ta có thể đánh rơi tài sản hoặc bỏ quên tài sản bất cứ lúc nào. Những người khác vô tình nhặt được tài sản đó, trong đó bao gồm cả tiền bạc và các tài sản có giá trị quý giá. Căn cứ theo quy định tại Điều 230 của bộ luật dân sự năm 2015 thì có thể thấy, khi nhặt được tài sản của người khác làm rơi hoặc người khác bỏ quên thì người nhặt được phải có trách nhiệm trả lại cho người bị mất. Vì thế đối với hành vi nhặt được của rơi hoặc tiền rơi của người khác mà không trả lại cho chủ sở hữu thực sự của nó sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu như nhặt được tài sản của người khác mà tạm thời “bỏ túi” thì người nhặt được tài sản đó có thể đối mặt với rất nhiều rủi ro khác nhau, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh tương ứng. Cụ thể như sau:
1.1. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi nhặt được của rơi, tiền rơi không trả lại:
Căn cứ theo Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có ghi nhận về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nhặt được của rơi hoặc nhặt được tiền rơi của người khác mà không trả lại, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các chủ thể khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của các chủ thể khác trong xã hội;
– Dùng mọi thủ đoạn khác nhau hoặc bất kỳ cách thức nào nhằm tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền hoặc đưa tài sản của họ cho mình;
– Sử dụng các thủ đoạn gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới hoặc hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua hoặc bán nhà đất hoặc các tài sản khác trái với quy định của pháp luật;
– Thực hiện hành vi mua bán hoặc cất giữ trái phép tài sản hoặc sử dụng tài sản của người khác khi biết rõ đó là tài sản do hành vi vi phạm pháp luật mà có;
Sử dụng hoặc mua bán, thực hiện hành vi thế chấp hoặc cầm cố trái phép, chiếm giữ tài sản của người khác trái quy định của pháp luật;
– Cưỡng đoạt tài sản của người khác trái quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy thì có thể thấy, Đối với trường hợp nhặt được tài sản của người khác nhưng không trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp mà chiếm giữ tài sản đó thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo như quy định đã phân tích ở trên.
1.2. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi nhặt được của rơi, tiền rơi không trả lại:
Khi nhặt được tài sản của người khác mà không trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các cấu thành tội phạm căn cứ theo quy định tại Điều 176 của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu là hành vi cố tình không trả lại hoặc không giao nộp tài sản bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được … Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản đã thoát li khỏi sự chiếm hữu của chủ tài sản (chủ sở hữu hoặc người quản lí hợp pháp) vì những lí do khác nhau như tài sản bị bỏ quên, bị đánh rơi, bị giao nhầm … hoặc là những tài sản chưa được phát hiện như kim khí quý, những vật báu còn trong lòng đất. Tài sản là đối tượng của tội chiếm giữ trái phép tài sản có đặc điểm giống như ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở chỗ, tài sản đó đã ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội một cách hợp pháp trước khi họ có hành vi phạm. Đồng thời, điều luật quy định 02 khung hình phạt chính. Khung hình phạt cơ bản mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm được áp cho trường hợp phạm tội thoả mãn một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
– Tài sản bị chiếm giữ trái phép trị giá 200 triệu đồng trở lên;
– Tài sản bị chiếm giữ trái phép là bảo vật quốc gia.
2. Cần phải làm gì khi nhặt được của rơi, tiền rơi của người khác?
Căn cứ theo quy định tại Điều 230 của Bộ luật dân sự năm 2015 có ghi nhận về trường hợp, nếu như phát hiện tài sản do người khác đánh rơi hoặc bị bỏ quên thì cần phải xử lý theo các phương hướng như sau:
– Đối với trường hợp biết được địa chỉ của chủ sở hữu hợp pháp, tức là biết được thông tin của chủ nhân bị đánh rơi hoặc bỏ quên, thì cần phải tiến hành hoạt động thông báo và trả lại tài sản cho người đánh rơi đó;
– Nếu trong trường hợp không biết được địa chỉ và không biết được thông tin của người đánh rơi hoặc bỏ quên tài sản, thì người nhặt được tài sản cần phải tiến hành hoạt động thông báo và giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã phường hoặc Công an xã nơi gần nhất để các cơ quan nhà nước này tiến hành hoạt động thông báo công khai cho chủ sở hữu hợp pháp biết để người đó đến nhận lại tài sản mà mình đã đánh rơi hoặc bỏ quên.
Như vậy thì có thể thấy, trong bất kỳ trường hợp nào, dù biết hoặc không biết địa chỉ của người đã đánh rơi hoặc bỏ quên tài sản, mặc dù giá trị của tài sản bị đánh rơi hoặc bị bỏ quên lớn hay nhỏ, thì người nhặt được tài sản đó cũng đều phải thực hiện các biện pháp cần thiết để trao trả lại tài sản đó cho người bị mất. Và cần phải lưu ý rằng, tuyệt đối không được chiếm giữ trái phép khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi hoặc bỏ quên, bởi đó sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật theo như phân tích ở trên, sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Trình tự và thủ tục xác lập quyền sở hữu với tài sản và tiền nhặt được do người khác đánh rơi:
Theo như phân tích ở trên thì có thể thấy, khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi hoặc bỏ quên thì sẽ phải trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp thông qua nhiều cách thức khác nhau, người nhặt được sẽ không được phép chiếm giữ trái phép tài sản đó. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những ngoại lệ nhất định, tức là trong khoảng thời gian 01 năm được tính kể từ ngày thông báo công khai về thông tin của tài sản bị đánh rơi hoặc bỏ quên, kể từ khi tìm kiếm chủ sở hữu hợp pháp của chúng nhưng chủ sở hữu không đến nhận hoặc không tìm được chủ sở hữu thực sự, thì sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật dân sự năm 2015, người nhặt được tài sản bị đánh rơi và bỏ quên đó sẽ được xác lập quyền sở hữu, cụ thể như sau:
– Giá trị tài sản bị đánh rơi hoặc bị bỏ quên nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở thì khi đó, chủ thể nhặt được tài sản đó sẽ trở thành chủ sở hữu hợp pháp;
– Đối với trường hợp tài sản bị đánh rơi hoặc bị bỏ quên có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở theo quy định của pháp luật, thì khi đó người nhặt được tài sản bị đánh rơi hoặc bị bỏ quên trong trường hợp này sẽ được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở và 50% số phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở, còn đối với phần còn lại sẽ thuộc về nhà nước sau khi đã trừ đi tổng chi phí bảo quản hợp lý tài sản đó trong khoảng thời gian tìm chủ sở hữu hợp pháp của chúng.
Như vậy thì có thể thấy, hiện nay mức lương cơ sở đang được xác định là 1.800.000 đồng, vậy thì vấn đề này được áp dụng cụ thể như sau:
– Giá trị tài sản đánh rơi, bỏ quên nhỏ hơn hoặc bằng 18 triệu đồng, thì khi đó người nhặt được tài sản đánh rơi, bỏ quên được sở hữu tài sản bị đánh rơi, bỏ quên.
– Giá trị tài sản đánh rơi, bỏ quên lớn hơn 18 triệu đồng, thì khi đó người nhặt được tài sản đánh rơi, bỏ quên được hưởng giá trị là 18 triệu đồng và 50% số tiền vượt 18 triệu đồng còn lại sẽ thuộc về Nhà nước.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.