Như vậy Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã chọn cách thức liệt kê cụ thể các trường hợp Nhà nước phải bồi thường, các trường hợp Nhà nước không phải bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.
Như vậy Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã chọn cách thức liệt kê cụ thể các trường hợp Nhà nước phải bồi thường, các trường hợp Nhà nước không phải bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Với cách quy định này đảm bảo cho việc bồi thường được diễn ra nhanh chóng, chính xác, rõ ràng. Đảm bảo tính khả thi và tạo cơ chế hữu hiệu cho người bị thiệt hại có thể thực hiện được quyền bồi thường của mình đối với những thiệt hại do người tiến hành tố tụng gây ra. Đã góp phần khắc phục về mặt trách nhiệm luật pháp tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm mà bấy lâu nay, trong thực tế giải quyết bồi thường thiệt hại, đặc biệt trên lĩnh vực tố tụng chúng ta thường gặp, đã vô tình kéo dài thời gian khiếu kiện mệt mỏi cho công dân và tổ chức bị thiệt hại.
Luật đã Mở rộng thêm phạm vi, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự. Điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về các trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong tố tụng hình sự, theo đó ngoài 04 trường hợp được giữ nguyên như quy định tại Điều 1 của Nghị quyết 388, Điều 26 còn quy đinh thêm 03 trường hợp Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường trong tố tụng hình sự, đó là:
– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội đó lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá mức so với hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.
– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá mức so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành.
– Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Tòa án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó, mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá mức so với hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.
Quy định bổ sung và sửa đổi một số trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 27 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định 05 trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự. So với quy định về các trường hợp không được bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 2 Nghị quyết 388, Điều 27 bổ sung thêm hai trường hợp không được bồi thường trong tố tụng hình sự, đó là:
– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án hoặc Tòa án quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, đã bị tạm giữ, bị tạm giam, đã chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng xác định người đó không phạm tội hoặc một số tội nhưng không thuộc ba trường hợp nói trên.
– Người bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, trừ trường hợp hành vi vi phạm pháp luật của họ chưa cấu thành tội phạm;
Ngoài ra, để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, khoản 5 Điều 27 quy định lại trường hợp người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà theo văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử họ không phải chịu trách nhiệm hình sự thì cũng thuộc trường hợp không được bồi thường thiệt hại. Điều này thực tế là sự kế thừa của điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 388, nhưng quy định một cách khái quát, không quy định văn bản cụ thể đã hết hiệu lực là Bộ luật Hình sự năm 1985, sửa đổi năm 1989, 1991, 1997 và văn bản luật đang có hiệu lực là Bộ luật Hình sự năm 1999. Việc sửa đổi như vậy vừa đảm bảo xác định phạm vi áp dụng, vừa đảm bảo tính khoa học trong kỹ thuật xây dựng văn bản pháp luật.
Tuy nhiên, với cách quy định liệt kê như thế này sẽ dẫn đến việc thiếu sót, do nhà làm luật không phải lúc nào cũng lường trước được tất cả các trường hợp, cụ thể, Điều 27 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có qui định 5 trường hợp không được bồi thường thiệt hại, mà quên qui định trường hợp do chuyển biến của tình hình kinh tế hoặc thời cuộc, hành vi phạm tội của người bị khởi tố tạm giam trước đó không còn chịu trách nhiệm hình sự nữa, vụ án bị đình chỉ, thì người bị can được giải tỏa trách nhiệm đó có quyền được đòi bồi thường không?.