Nhận biết về quyền con người trong cưỡng chế thi hành án dân sự: Khái niệm, đặc điểm của bảo đảm quyền con người trong việc áp dụng cưỡng chế thi hành án dân sự nói riêng.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm quyền con người trong cưỡng chế thi hành án dân sự:
Thi hành án dân sự được coi như là khâu cuối cùng trong hoạt động tố tụng. Từ điều tra, truy tố, xét xử và cuối cùng là thi hành án (bao gồm thi hành án hình sự và thi hành án dân sự). Thi hành án dân sự là việc cơ quan có thẩm quyền dùng các nguyên tắc, thủ tục và biện pháp theo quy định pháp luật thực thi phần quyết định về dân sự trong các bản án, quyết định của
Để bảo đảm tính thực thi pháp luật trong một bản án đã có hiệu lực pháp luật, ngoài phương thức giáo dục, thuyết phục mọi chủ thể tự giác tuân thủ, thì Nhà nước cũng thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, qua đó thể hiện tính răn đe, tính nghiêm minh và tính thượng tôn pháp luật. Khái quát chung, Cưỡng chế thi hành án dân sự là việc chủ thể có thẩm quyền dùng quyền lực nhà nước thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm thi hành trên thực tế quyền, nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
Để bảo đảm thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự thì Nhà nước quy định bằng pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự, trong đó có quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự và cách thức thực hiện. Trong thi hành án dân sự có nhiều bản án, quyết định được thi hành, với nhiều loại nghĩa vụ thi hành án, vì thế quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự phải có cách thức tiến hành cụ thể tương thích với loại nghĩa vụ đó, như: Cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định, cưỡng chế buộc không được thực hiện công việc nhất định, cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền, cưỡng chế giao vật, chuyển quyền sử dụng đất, giao nhà, trả nhà, trừ vào thu nhập hoặc khai thác tài sản để thi hành án. Cưỡng chế thi hành án dân sự được đặt ra và tiến hành với mục đích cụ thể là thi hành việc thi hành án dân sự nhưng mục đích chung là thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự, bảo đảm hiệu lực thi hành của bản án, quyết định đó.
Trong quá trình cưỡng chế thi hành án có 4 đối tượng tham gia:
– Người được thi hành án: là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.
– Người phải thi hành án: cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
(Ba nhóm trên sau đây gọi tắt là đương sự) Chấp hành viên và những cán bộ, công chức được phân công xử lý: là người thay mặt, đại diện Nhà nước thực hiện quyền lực Nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm bản án được thi hành nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cả bốn nhóm đối tượng này đều có quyền riêng được quy định cụ thể trong
Trong pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia, khái niệm quyền con người là giá trị chung cho mọi cá nhân. Tất cả các cá nhân đều là chủ thể bình đẳng của các quyền con người, tuy nhiên, trong những hoàn cảnh nhất định, chẳng hạn như khi trong quá trình áp dụng biện pháp cưỡng chế của cơ quan thi hành án, người bị thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể bị Nhà nước hạn chế một số quyền tài sản, hoặc bị ảnh hưởng nhất định đến các quyền nhà ở, quyền điều kiện sinh sống tối thiểu, người được thi hành án có thể bị ảnh hưởng quyền tài sản của bản thân khi thời gian thi hành án quá lâu hoặc không thi hành án được, kể cả Chấp hành viên cũng có thể bị thương tích trong quá trình cưỡng chế huy động lực lượng…. Việc hạn chế quyền của người phải thi hành án, nếu tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế về tính cần thiết, tính cân xứng và tính pháp lý thì không bị xem là vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong các vụ cưỡng chế thi hành án, đương sự và chấp hành viên luôn phải đối mặt với những rủi ro lớn bị ảnh hưởng đến quyền con người vốn có, hoặc nặng hơn nữa là vi phạm nhân quyền. Chính vì vậy, luật nhân quyền quốc tế và pháp luật của các quốc gia đều có cố gắng quy định về các quyền của đương sự và các chủ thể đại diện Nhà nước thực hiện cưỡng chế thi hành án.
Như vậy, có thể định nghĩa Quyền con người trong cưỡng chế thi hành án dân sự là các quyền lợi, nhu cầu, lợi ích của các chủ thể tham gia quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự, được Nhà nước, mà trực tiếp là các cơ quan thi hành án dân sự tôn trọng, bảo vệ và thực hiện trong suốt quá trình áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.
2. Khái niệm, đặc điểm của bảo đảm quyền con người trong việc áp dụng cưỡng chế thi hành án dân sự nói riêng:
Bảo đảm có nghĩa là tạo điều kiện để chắc chắn giữ gìn được, hoặc thực hiện được, hoặc có những gì cần thiết. Các quyền con người sẽ chỉ ở dạng tiềm năng mà không thành hiện thực nếu không có cơ chế bảo đảm thực thi. Việc bảo đảm thực thi các quyền con người không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của mỗi người mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác như điều kiện kinh tế, văn hóa giáo dục và chính trị… của quốc gia. Trong vấn đề này, đòi hỏi Nhà nước phải đóng vai trò tạo lập và vận hành cơ chế bảo đảm quyền con người, bởi chỉ có Nhà nước mới có vị thế và các nguồn lực thích đáng để xây dựng và vận hành cơ chế đó. Như vậy, hiểu một cách khái quát, bảo đảm quyền con người là việc Nhà nước của một quốc gia tạo ra các tiền đề, điều kiện về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý và tổ chức để cá nhân có thể thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Bảo đảm có sự gắn kết nhưng không hoàn toàn đồng nghĩa với “bảo vệ”. Khái niệm “bảo vệ” được định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt có là “…chống lại mọi sự xâm phạm để giữ cho luôn luôn được nguyên vẹn”. Như vậy, có thể thấy, khái niệm bảo đảm có nội hàm rộng hơn khái niệm bảo vệ. Bảo đảm bao hàm bảo vệ, còn bảo vệ là một hình thức bảo đảm khi có hành vi xâm phạm xảy ra. Khi quyền con người bị vi phạm hoặc có nguy cơ bị vi phạm thì Nhà nước phải có biện pháp để bảo vệ cho nó được nguyên vẹn, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của nó, nhưng đối với bảo đảm thì ngoài việc bảo vệ các quyền đó thì Nhà nước phải tiến hành nhiều biện pháp khác để các quyền con người chắc chắn thực hiện được… .
Bảo đảm quyền con người nói chung, quyền con người trong áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự sự nói riêng, được thể hiện qua nhiều phương diện như: bảo đảm kinh tế, bảo đảm chính trị, bảo đảm xã hội, bảo đảm pháp lý. Tuy nhiên, trong phạm vi của luận án này, do những giới hạn về thời gian và để phù hợp với chuyên ngành nghiên cứu, tác giả chỉ tập trung phân tích phương diện quan trọng nhất, đó là bảo đảm pháp lý với quyền con người, cụ thể ở đây bảo đảm pháp lý trong áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.
Theo nghĩa rộng, bảo đảm pháp lý chính là bảo đảm thực hiện quyền con người bằng pháp luật, trên phương diện pháp luật. Pháp luật có thuộc tính bắt buộc chung, được thực hiện bằng giáo dục thuyết phục, cưỡng chế khi cần thiết và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước. Nếu không được ghi nhận trong pháp luật thì những quyền tự nhiên vốn có của con người chưa trở thành ý chí và mục tiêu hành động chung, có giá trị bắt buộc chung đối với mọi người. Chính vì vậy, bảo đảm pháp lý được đánh giá là phương thức hiệu quả nhất, có quy mô trên toàn xã hội. Đồng thời, bảo đảm pháp lý chính là sự thể chế các bảo đảm về chính trị, kinh tế, xã hội, tổ chức thành các chuẩn mực có tính bắt buộc với mọi chủ thể trong xã hội phải tuân thủ và thực hiện.
Nhà nước là chủ thể có nghĩa vụ hàng đầu trong việc bảo đảm quyền con người, với vai trò và chức năng của mình tạo ra cơ chế bảo đảm, tạo dựng hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức trực tiếp có liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động cưỡng chế thi hành án. Từ đó có thể hiểu: bảo đảm quyền con người trong cưỡng chế thi hành án là việc Nhà nước tạo ra các điều kiện cần thiết, đặc biệt là về mặt pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật, để bảo vệ người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và chính các cán bộ, công chức thực hiện cưỡng chế khỏi những hành vi vi phạm các quyền của họ, đồng thời để họ có thể thực hiện, hưởng thụ các quyền con người của mình một cách cao nhất có thể.
Quyền của người trong quá trình áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự có các đặc trưng cơ bản sau:
(i) Tính hạn chế về phạm vi các quyền được hưởng: thể hiện ở một số trường hợp như việc người phải thi hành án không được hưởng một số quyền tài sản khi bị cưỡng chế kê biên tài sản, hoặc bị giới hạn về mức hưởng thụ về quyền nhà ở trong trường hợp cưỡng chế kê biên, cưỡng chế giao tài sản là nhà đất là tài sản duy nhất…
(ii) Tính thụ động trong thực hiện của chủ thể quyền và tính phụ thuộc vào nghĩa vụ/trách nhiệm bảo đảm của nhà nước: là hai vấn đề có mối liên quan chặt chẽ với nhau, thể hiện ở việc hầu hết các quyền của người phải thi hành án, người được thi hành án phụ thuộc và việc bảo đảm của nhà nước, mà cụ thể là cơ quan thi hành án.