Nhà hàng, quán ăn, quán cafe có phải xin giấy phép PCCC? Thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép PCCC cho nhà hàng, quán ăn, quán cafe? Ý nghĩa của những quy định liên quan đến PCCC mà Nhà nước đưa ra?
Hiện nay, số lượng các loại hình dịch vụ kinh doanh xuất hiện tại nước ta ngày càng nhiều. Đứng trước các loại hình kinh doanh này, Nhà nước đã đưa ra nguyên tắc, yêu cầu nhất định về điều kiện và cơ cấu vận hành Theo đó, các loại hình kinh doanh này phải tuân thủ nghiêm chỉnh, đầy đủ quy định mà Nhà nước đưa ra. Một trong số đó là vấn đề về PCCC. Một câu hỏi được đặt ra là nhà hàng, quán ăn, quán cafe có phải xin giấy phép PCCC hay không? Bài viết dưới đây sẽ phân tích làm rõ vấn đề này:
Căn cứ pháp lý:
– Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013;
– Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi;
Mục lục bài viết
1. Nhà hàng, quán ăn, quán cafe có phải xin giấy phép PCCC?
– Theo quy định tại Phụ lục I Nghị định Nghị định 136/2020/NĐ-CP, nhà hàng quán ăn, quán cafe thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy.
– Khoản 1 Điều 5 Nghị định Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở như sau:
Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
+ Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
+ Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định này;
+ Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
+ Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
+ Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
Như vậy, theo quy định tại điều luật trên, nhà hàng, quán ăn, quán cafe thuộc diện bắt buộc phải xin giấy phép PCCC. Việc xin giấy phép phòng cháy chữa cháy giúp Nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh của nhà hàng, quán ăn, quán cafe một cách đầy đủ và cụ thể nhất. Đồng thời, nó giúp hoạt động PCCC đạt kết quả cao, giúp đất nước phát triển một cách ổn định và rõ ràng nhất.
2. Hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng, quán ăn, quán cafe:
2.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy:
Cá nhân, tổ chức muốn xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng, quán ăn, quán cafe của mình cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ như sau:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy.
– Bản sao chứng thực giấy chứng nhận thẩm quyền về phòng cháy và chữa cháy; văn bản nghiệm thi về việc phòng cháy, chữa cháy đối với những cơ sở mới cải tạo hay mới xây dựng, các phương tiện giao thông cơ giới cần phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy khi hoán cải hay đóng mới; bản sao chứng thực biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở và phương tiện giao thông cơ giới khác.
– Bản thống kê toàn bộ những phương tiện phòng cháy, chữa cháy và các phương tiện cứu người đã trang bị.
– Quyết định về việc thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở.
– Danh sách cá nhân đã qua đợt huấn luyện về việc phòng cháy, chữa cháy.
Như vậy, chỉ khi đảm bảo đầy đủ các giấy tờ nêu trên, hồ sơ xin giấy phép PCCC mới được thụ lý và phê duyệt. Bởi, hồ sơ này là căn cứ, cơ sở quan trọng để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa ra quyết định cấp giấy phép PCCC cho cá nhân, tổ chức đó hay không.
2.2. Thủ tục xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy:
Để có thể xin giấy phép phòng cháy chữa, cá nhân, tổ chức cần tuân thủ thực hiện theo các bước cụ thể như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy.
Người có nhu cầu sẽ tiến hành nộp hồ sơ xin cấp xin cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháytại Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc nộp hồ sơ do cá nhân, tổ chức (chủ quan cafe, quán ăn) trực tiếp thực hiện. Ngoài ra, trong trường hợp ủy quyền cho một cá nhân, đơn vị khác thực hiện thì phải cung cấp văn bản ủy quyền kèm theo.
Bước 2: Cán bộ tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
– Nếu hồ sơ hợp lệ , đủ thành phần thì tiếp nhận hồ sơ: cán bộ tiếp nhận sẽ viết phiếu biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ
– Nếu hồ sơ không hợp lệ, thiếu thành phần thì trả lại: cán bộ tiếp nhận sẽ viết phiếu hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung hoàn chỉnh.
Bước 3: Nộp phí thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy.
Sau khi hoàn thành việc nộp hồ sơ và được kiểm duyệt tính hợp lệ, cá nhân, tổ chức nộp phí thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo thông báo nộp phí của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Bước 4: Nhận kết quả.
Sau khi cá nhân hoàn thành việc nộp lệ phí, cá nhân, tổ chức sẽ căn cứ theo ngày hẹn trên phiếu biên nhận hồ sơ, cá nhân, tổ chức đến nơi nộp hồ sơ để nhận kết quả. Thời hạn giải quyết đơn xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy từ lúc nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả là từ 5 – 15 ngày.
3. Ý nghĩa của những quy định liên quan đến PCCC mà Nhà nước đưa ra:
– Xác định được những hậu quả mà cháy nổ mang đến, hiện nay, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng về việc PCCC. Theo đó, Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy đã quy định một cách cụ thể và rõ ràng về vấn đề phòng cháy chữa cháy của hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
– Những quy định liên quan đến PCCC mà Nhà nước đưa ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng:
+ Thứ nhất, nó được xem là cơ sở căn cứ, mang tính khuôn mẫu về định hướng hoạt động liên quan đến PCCC mà người dân phải nghiêm túc thực hiện.
+ Thứ hai, nó là căn cứ để cơ quan chức năng có thẩm quyền dựa vào, đựa đến biện pháp xử lý khách quan, phù hợp đối với hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức. Có thể thấy, Nghị định quy định về việc phòng cháy chữa cháy là sự liên kết nhất định chặt chẽ với các quy định khác của Luật hành chính là Bộ luật hình sự. Theo đó, người dân phải nghiêm túc tuân thủ về việc phòng cháy chữa cháy theo quy định của Nghị định này. Nếu vi phạm bất kỳ quy định về phòng cháy chữa cháy của Nghị định này, cá nhân sẽ bị xử phạt theo các quy định của bộ luật liên quan.
+ Thứ ba, những quy định liên quan đến PCCC mà Nhà nước đưa ra hướng tới mục tiêu lớn nhất là hạn chế đến mức tối đa những rủi ro về cháy nổ có thể xảy ra. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích liên quan đến sức khỏe, mạng sống và tài sản của người dân. Thực tế, mỗi vụ cháy nổ xảy ra gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của các cá nhân, tổ chức. Điều này tác động nghiêm trọng đến sự phát triển chung của kinh tế nước nhà. Khi quy định về PCCC được đảm bảo, kinh tế nước nhà sẽ được phát triển một cách bền vững và ổn định.
Như vậy, có thể thấy những quy định liên đến PCCC mà Nhà nước đưa ra có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lợi của người dân, sự phát triển kinh tế đất nước cũng như khâu quản lý trật tự xã hội của cơ quan chức năng có thẩm quyền.