Nguyên tắc của hòa giải, đối thoại tại Tòa án? Một số ý nghĩa của hòa giải, đối thoại tại Tòa án?
Trong suốt quá trình phát triển của đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng góp những vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Khi hòa giải thành, đối thoại thành sẽ giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, tránh gây ra nhiều thủ tục và giúp các chủ thể tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cũng như hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về nguyên tắc và ý nghĩa của hòa giải, đối thoại tại
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Nguyên tắc của hòa giải, đối thoại tại Tòa án :
Ngày nay, với Tòa án, việc đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả của việc hòa giải, đối thoại là những giải pháp quan trọng giúp Toà án nhanh chóng giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh khi hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp. Tuy nhiên, việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng cần đáp ứng các nguyên tắc do pháp luật quy định.
Theo Điều 3 Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020 quy định về nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án với nội dung cụ thể như sau:
– Nguyên tắc đầu tiên đó là các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.
– Cần tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên và không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.
– Cần phải bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
– Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
– Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020.
– Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.
– Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.
– Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.
Các chủ thể là người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.
– Một nguyên tắc nữa đó là phải bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại.
Như vậy, ta nhận thấy, với cách thức thân thiện, đồng thuận dựa trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại đã góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đất nước ta.
2. Một số ý nghĩa của hòa giải, đối thoại tại Tòa án:
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có một số vai trò và ý nghĩa cơ bản sau đây:
– Giúp tiết kiệm công sức và thời gian cho các bên.
Khi các bên lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại thì việc hòa giải, đối thoại sẽ được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc. Đây cũng là một nguyên tắc được ghi nhận trong Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Sự linh hoạt trong thủ tục hòa giải, đối thoại sẽ là nguyên nhân cơ bản giúp tiết kiệm công sức và thời gian cho các bên.
– Hòa giải, đối thoại tại Tòa án giúp các bên tiết kiệm chi phí.
Nhà nước ta khuyến khích hòa giải, đối thoại nên rất tiết kiệm chi phí cho các bên. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây:
+ Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch. Mức thu cho việc chi thù lao của Hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch tại Tòa án là 2.000.000 đồng trên một vụ việc.
+ Các chi phí khác, bao gồm: chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Các chi phí này phát sinh trong một số ít trường hợp theo thực tế và lựa chọn của các bên.
Như vậy, trong phần lớn các vụ việc được hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các bên tham gia hoà giải hay đối thoại sẽ không phải chịu chi phí thủ tục. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm thời gian, công sức cũng là tiết kiệm chi phí cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại.
Trong tố tụng thì các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đều phải chịu án phí, lệ phí từ 300.000 đồng trở lên, án phí kinh doanh, thương mại là từ 3 triệu đồng trở lên. Tùy giá trị tranh chấp mà án phí có thể được cộng thêm với 0,1 đến 5% giá trị tranh chấp. Chính bởi vì vậy, án phí dân sự, kinh doanh thương mại có thể lên tới hàng tỉ đồng nếu giá trị tranh chấp lớn.
Có thể thấy, lựa chọn hòa giải, đối thoại sẽ giúp các bên tiết kiệm được đa số các chi phí so với tố tụng. Điều này xuất phát từ cơ chế linh hoạt, nhanh gọn của hòa giải, đối thoại, cũng như sự khuyến khích của Nhà nước để phát huy vai trò, ý nghĩa của hòa giải, đối thoại đối với các bên tham gia hòa giải, đối thoại và xã hội nói chung.
– Hòa giải, đối thoại tại Tòa án giúp bảo mật thông tin cho các bên.
Về nguyên tắc do pháp luật quy định thì các thông tin trong hòa giải, đối thoại được bảo mật: Các hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của các bên. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi
Nguyên tắc bảo mật thông tin trong hòa giải, đối thoại cũng rất được quan tâm và nó xuất phát từ bản chất của hòa giải, đối thoại là dành quyền tự quyết, tự định đoạt việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Hòa giải viên đóng vai trò trợ giúp cho các bên như phân tích tính hiệu quả, khả thi của từng phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; hỗ trợ các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất. Cũng từ sự bảo mật thông tin giúp các bên có thể cởi mở, bày tỏ tất cả những tâm tư, nguyện vọng để cảm thông, chia sẻ với nhau từ đó tránh gây ra những tranh chấp không cần thiết. Đây là một ý nghĩa quan trọng cho hòa giải thành, đối thoại thành và là ưu điểm lớn nhất của việc hòa giải, đối thoại so với phương thức giải quyết công khai theo tố tụng dân sự, hành chính.
– Hòa giải, đối thoại tại Tòa án giúp hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên.
Với sự hỗ trợ của các Hòa giải viên thì các bên có tranh chấp có thể giãi bày những tâm tư, nguyện vọng của mình và dần tháo gỡ các mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên, hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, bạn bè, tình làng nghĩa xóm, quan hệ đối tác. Đây là ý nghĩa rất lớn của hòa giải, đối thoại mà phương thức giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường tố tụng không có được.
Ngay cả trong trường hợp hòa giải, đối thoại không thành thì thông qua hòa giải, đối thoại, các bên đã được Hòa giải viên giải thích quyền và nghĩa vụ, các bên đã hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình để tham gia tố tụng một cách tích cực và hiệu quả hơn.
– Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được Tòa án công nhận và có hiệu quả thi hành cao.
Kết quả của việc hòa giải thành, đối thoại thành sẽ được Tòa án công nhận bằng thủ tục nhanh gọn và có giá trị thi hành như bản án khi có yêu cầu của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Các bên sẽ không cần phải trả lệ phí cho thủ tục xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Trong thực tiễn, đa phần kết quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại thường được các bên tự nguyện thi hành, thậm chí là thi hành ngay tại phiên hòa giải do các bên tự thỏa thuận, thống nhất phương án giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
Trên thực tế, trong hoạt động tố tụng, bên phải thi hành án thường không tự nguyện thi hành bản án. Như vậy, việc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thường nhanh chóng và hiệu quả cao hơn so với việc thi hành bản án của Tòa án.
Thông qua những phân tích được nêu trên, ta nhận thấy, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang lại nhiều lợi ích hơn cho các bên so với giải quyết bằng con đường tố tụng. Các bên khi có tranh chấp xảy ra nên lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tạo điều kiện cho mình cũng như các bên trong tranh chấp, khiếu kiện để có thể cùng nhau tìm kiếm cơ hội thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện để có được kết quả hài hòa lợi ích giữa các bên.