Để giải quyết những vấn đề liên quan đến tài sản trong tố tụng hình sự, theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, việc định giá tài sản sẽ được tiến hành thông qua Hội đồng định giá tài sản.
Để giải quyết những vấn đề liên quan đến tài sản trong tố tụng hình sự, theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, việc định giá tài sản sẽ được tiến hành thông qua Hội đồng định giá tài sản. Nhằm đảm bảo sự khách quan, trung thực trong việc định giá tài sản, Nghị định 26/2005/NĐ-CP và Thông tư 55/2006/TT-BTC đã hướng dẫn Hội đồng định giá định giá tài sản dựa trên những nguyên tắc và căn cứ định giá như sau:
– Nguyên tắc định giá tài sản: Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; phải đảm bảo sự trung thực, khách quan, công khai và kịp thời, cụ thể như sau:
+) Giá thị trường của tài sản là giá mua, bán, giao dịch theo thỏa thuận của tài sản cùng loại hoặc tương đương trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.
Đối với tài sản bị xâm phạm là loại tài sản Nhà nước định giá, thì giá của tài sản cần xác định là giá do Nhà nước quy định tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.
Đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường (tài sản chuyên dùng, đơn chiếc), giá tài sản cần xác định phải bảo đảm được chi phí tái tạo lại tài sản hoặc chi phí nhập khẩu tài sản đó tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.
+) Mức giá tài sản được xác định để làm cơ sở cho việc định giá là mức giá bình quân của tháng. Thời gian để thu thập mức giá tài sản bị xâm phạm là một tháng (30 ngày) trước và một tháng (30 ngày) sau ngày tài sản bị xâm phạm; nếu trong thời gian trên mà không thu thập được đầy đủ thông tin làm cơ sở cho việc định giá thì mở rộng thời gian thu thập thông tin về giá thêm một tháng về trước và một tháng về sau.
Khi tiến hành điều tra thu thập thông tin về giá của tài sản bị xâm phạm phải được gắn với những yếu tố về cung, cầu, thị hiếu và sức mua trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường.
Điều kiện thương mại bình thường là việc mua bán được tiến hành khi các yếu tố cung, cầu, giá cả, sức mua không xẩy ra những đột biến do chịu tác động của thiên tai, địch họa…các thông tin cung, cầu, giá cả tài sản bị xâm phạm được thể hiện công khai trên thị trường.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+) Giá tài sản được xác định làm căn cứ khi định giá tài sản bị xâm phạm phải được thu thập tại nơi tài sản bị xâm phạm.
Nơi tài sản bị xâm phạm được tiến hành khảo sát là các trung tâm thương mại, các tổ chức và cá nhân có sản xuất các tài sản cùng loại hay tài sản tương đương với tài sản bị xâm phạm thuộc phạm vi đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện).
+) Tài sản cùng loại với tài sản bị xâm phạm là tài sản có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường. Tài sản cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.
+) Tài sản tương đương với tài sản bị xâm phạm là tài sản có đủ các đặc trưng cơ bản giống với tài sản bị xâm phạm, gồm:
-> Có đặc trưng vật chất của tài sản giống nhau;
-> Có thông số kỹ thuật tương đồng;
-> Có cùng chức năng mục đích sử dụng;
-> Có thể thay thế cho nhau trong sử dụng;
-> Chất lượng tương đương nhau.
– Căn cứ định giá tài sản:
+) Giá phổ biến trên thị trường của tài sản tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm. Giá phổ biến trên thị trường là giá mua, bán theo thỏa thuận đối với tài sản cùng loại hoặc tương đương và là mức giá có số lần xuất hiện nhiều nhất trên thị trường trong thời gian, địa điểm tài sản bị xâm phạm.
+) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đã được áp dụng tại địa phương nơi tài sản bị xâm phạm và tại thời điểm tài sản bị xâm phạm.
+) Giá của tài sản cần định giá được xác định trong tài liệu hồ sơ hợp pháp về loại tài sản đó của chủ sở hữu tài sản (nếu có).
+) Giá trị thực tế của tài sản cần định giá:
-> Đối với tài sản mới: Hội đồng định giá tài sản xác định giá tài sản theo tài sản cùng loại hoặc tài sản tương đương và còn mới 100%.
-> Đối với tài sản đã qua sử dụng: Hội đồng định giá tài sản phải kiểm định, đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, hàng hóa sau khi đã tính phần hao mòn đã qua sử dụng để xác định giá trị còn lại của tài sản đó.
-> Các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá là những căn cứ xác định giá trị thị trường của tài sản cần định giá như những thông tin, dữ liệu về mặt kỹ thuật và về mặt pháp lý của tài sản; giá chuyển nhượng tài sản thực tế có thể so sánh được trên thị trường; mức độ sử dụng tốt nhất có khả năng mang lại giá trị cao nhất, hiệu quả nhất của tài sản; quan hệ cung cầu về tài sản…