Thời gian qua, để từng bước chấn chỉnh công tác dược, thực hiện mục tiêu chính sách quốc gia về thuốc, pháp luật đã có những quy định cụ thể về nguyên tắc và các biện pháp quản lý nhà nước về giá thuốc hiện nay.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc quản lý nhà nước về giá thuốc:
1.1. Quy định pháp luật về trách nhiệm niêm yết giá thuốc:
Hiện nay có thể thấy, giá thuốc niêm yết đóng vai trò vô cùng quan trọng, vì thuốc là một trong những hàng hóa phục vụ cho quá trình chữa bệnh và sức khỏe của con người. Vì thế cho nên pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về trách nhiệm niêm yết giá thuốc của các chủ thể có thẩm quyền. Căn cứ theo quy định tại Luật Dược năm 2018 hiện hành, thì trách nhiệm niêm yết giá thuốc được ghi nhận như sau:
– Các cơ sở tiến hành các hoạt động buôn bán thuốc sẽ phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về việc niêm yết giá bán buôn đối với từng loại thuốc tại nơi giao dịch hoặc niêm yết giá bán buôn các loại thuốc tại nơi bán thuốc của các cơ sở buôn bán;
– Các cơ sở kinh doanh bán lẻ các loại thuốc phải tiến hành thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở bán lẻ theo đúng quy định của pháp luật;
– Đối với các cơ sở thực hiện hoạt động buôn bán lẻ thuốc không được phép bán giá cao hơn giá do cơ sỏ đã niêm yết, hành vi bán thuốc cao hơn giá đã niêm yết bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra thì trong quá trình niêm yết giá thuốc cần phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản như sau:
– Quá trình niêm yết giá thuốc của các chủ thể có thẩm quyền bán buôn phải được thực hiện bằng hình thức thông báo công khai trên các phương tiện tại cơ sở buôn bán, có thể công khai trên bảng giá hoặc trên giấy hoặc các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật, các cơ sở buôn bán phải công khai giá thuốc một cách thuận tiện cho khách hàng trong việc quan sát và nhận biết, công khai giá thuốc thuận lợi cho quá trình quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Việc niêm yết giá bán lẻ thuốc được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, đó có thể là hình thức in ấn hoặc quy hoặc dán nhãn trên các bao bì chứa đựng sản phẩm, hoặc thậm chí là có thể in giá trực tiếp trên vỏ ngoài của thuốc, hoặc các cơ sở buôn bán lẻ thuốc có thể thông báo công khai bằng những hình thức khác phù hợp và thuận tiện cho quá trình quan sát cũng như nhận biết của khách hàng, thuận lợi cho quá trình quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không chịu khuất nội dung bắt buộc của nhãn thuốc theo quy định của pháp luật;
– Giá niêm yết phải được thực hiện dưới đơn vị là đồng Việt Nam;
– Ngoài ra thì giá thuốc niêm yết phải là giá đã bao gồm các loại thuế, phí, và lệ phí của thuốc phù hợp với quy định của pháp luật.
1.2. Quy định về các nguyên tắc quản lý nhà nước về giá thuốc:
Thuốc được coi là một trong những loại chế phẩm có chứa đựng dược chất và dược liệu phục vụ cho con người với mục đích phòng chữa bệnh và điều trị các loại bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể con người, thuốc bao gồm nhiều loại, có thể là thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và các loại thuốc sinh phẩm. Vì thế thuốc được coi là mặt hàng thiết yếu cho nên cần phải có những nguyên tắc quản lý về giá thuốc một cách cụ thể. Nhìn chung thì theo quy định của pháp luật hiện nay, cụ thể là căn cứ tại Luật Dược năm 2018 hiện hành, tại Điều 106, pháp luật đã quy định một số các nguyên tắc trong quá trình quản lý nhà nước về giá thuốc, cơ bản như sau:
– Giá thuốc phải được quản lý dựa theo cơ chế thị trường và phù hợp với nhu cầu thực tế, quá trình quản lý giá thuốc phải tôn trọng quyền tự định đoạt giá cả và khả năng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường về giá của các chủ thể là tổ chức và cá nhân kinh doanh thuốc phù hợp với quy định của pháp luật;
– Quá trình quản lý giá thuốc phải đảm bảo tính công khai và minh bạch khi lưu thông thuốc trên thị trường;
– Quá trình quản lý giá thuốc phải bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân kinh doanh cũng như người tiêu dùng, phải bảo vệ lợi ích của nhà nước trên thực tế;
– Trong quá trình quản lý về giá thuốc thì phải thực hiện các biện pháp bình ổn giá và sử dụng các biện pháp khác nhầm mục đích quản lý giá thuốc phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế xã hội trong từng thời kỳ nhất định của đất nước.
2. Quy định về các biện pháp quản lý nhà nước về giá thuốc:
Căn cứ theo Điều 107 Luật dược 2018, các biện pháp quản lý nhà nước về giá thuốc được ghi nhận như sau:
– Đấu thầu dự trữ quốc gia sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia, Đấu thầu thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc quỹ bảo hiểm xã hội, thuốc mua từ nguồn thu của dịch vụ khám chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở ý tế được thành lập theo đúng quy định của pháp luật sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, trừ trường hợp thuốc thông qua hoạt động đấu thầu với mục đích phục vụ cho các chương trình và mục tiêu quốc gia, an ninh, quốc phòng và dịch bệnh thiên tai …;
– Đấu thầu hoặc đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với các loại thuốc nhằm phục vụ cho các chương trình bình ổn quốc gia, phục vụ cho các mục tiêu về quốc phòng và an ninh, phục vụ cho quá trình phòng chống dịch bệnh trên thực tế, hoặc để khắc phục hậu quả thiên tai và các thảm họa sẽ cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật về cung ứng dịch vụ và các sản phẩm công ích;
– Tiến hành hoạt động kê khai giá thuốc trước khi lưu hành và bán buôn thuốc trên thị trường, và kê khai lại khi thay đổi giá thuốc đã kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban đầu;
– Tiến hành hoạt động niêm yết giá bán buôn bán lẻ thuốc dưới đơn vị bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của các cơ sở kinh doanh dược theo đúng quy định của pháp luật, tiến hành hoạt động in ấn và ghi giá cả cũng như dán giá bán lẻ của thuốc trên các sản phẩm bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc, thậm chí là các cơ sở bán buôn thuốc có thể công khai giá trên bảng, hoặc trên giấy, hoặc các hình thức khác để đảm bảo cho quá trình quản lý giá thuốc của nhà nước;
– Thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật Giá đối với các loại thuốc thuộc danh mục niêm yết theo quy định của Chính phủ khi có các biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước;
– Thực hiện hình thức đàm phán giá đối với các gói thầu mua thuốc và các gói thầu mua dược liệu chỉ có từ 1 đến 2 nhà sản xuất, tiến hành hình thức đàm phán đối với các loại thuốc biệt dược gốc hoặc các loại thuốc quý hiếm, các loại thuốc trong thời gian còn bản quyền theo quy định của pháp luật hoặc các loại thuốc có hàm lượng không phổ biến trên thị trường … ngoài ra có thể bao gồm một số loại thuốc đặc thù khác;
– Quy định về thẳng số bán lẻ tối đa đối với giá thuốc bán tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong phạm vi khuôn viên của các cơ sở khám chữa bệnh được thành lập theo đúng quy định của pháp luật.
3. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá thuốc:
Căn cứ theo Nghị định 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thứ nhất, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không có văn bản đề nghị bổ sung, thay đổi thông tin của thuốc đã kê khai, kê khai lại giá thuốc trong trường hợp có thay đổi so với thông tin đã công bố nhưng giá thuốc không thay đổi.
Thứ hai, phạt tiền đối với hành vi bán buôn thuốc mà thuốc đó chưa được cơ sở sản xuất, cơ sở đặt gia công thuốc hoặc cơ sở nhập khẩu thuốc kê khai hoặc giá bán thuốc cao hơn so với giá đã được kê khai, kê khai lại đang có hiệu lực theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều này theo một trong các mức sau đây:
– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với thuốc có giá bán tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1 nghìn đồng;
– Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với thuốc có giá bán tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1 nghìn đồng đến 5 nghìn đồng;
– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với thuốc có giá bán tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng;
– Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với thuốc có giá bán tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng;
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với thuốc có giá bán tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1 triệu đồng.
Thứ ba, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Thực hiện hành vi vi phạm trong việc không thực hiện kê khai giá thuốc hoặc không kê khai lại giá thuốc khi thay đổi giá thuốc đã kê khai trước khi lưu hành trên thị trường;
– Thực hiện hành vi vi phạm trong việc không điều chỉnh giá nhưng không có báo cáo theo văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc đối với hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc;
– Thực hiện hành vi vi phạm trong việc báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, biện pháp khắc phục hậu quả có thể áp dụng là: Buộc hoàn trả toàn bộ số tiền chênh lệch đối với hành vi vi phạm, trường hợp không hoàn trả được cho khách hàng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Dược năm 2018;
– Nghị định 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.