Để tiến hành có hiệu quả các hoạt động quản lí hành chính nhà nước, các chủ thể quản lí phải dựa trên một số nguyên tắc cơ bản nhất định.
Để tiến hành có hiệu quả các hoạt động quản lí hành chính nhà nước, các chủ thể quản lí phải dựa trên một số nguyên tắc cơ bản nhất định. Một trong số đó là nguyên tắc tập trung – dân chủ, thuộc nhóm các nguyên tắc chính trị – xã hội trong quản lí hành chính nhà nước. Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin phân tích một số biểu hiện của nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước để nhìn nhận, đánh giá khách quan hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Nguyên tắc tập trung dân chủ vừa tập trung quyền lực cho chủ thể quản lý, mở rộng dân chủ cho đối tượng quản lý lại vừa dung hòa được cả hai yếu tố tập trung và dân chủ. Trong quản lý hành chính nhà nước, nguyên tắc này có năm biểu hiện sau:
Thứ nhất là sự phụ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp. Trước hết, về yếu tố tập trung, cơ quan quyền lực nhà nước có những quyền hạn nhất định trong việc thành lập, sáp nhập hay giải thể các cơ quan hành chính cùng cấp. Như ở địa phương, “Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên” . Trong hoạt động, các cơ quan hành chính nhà nước luôn chịu sự chỉ đạo, giám sát của hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước và chịu trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình trước cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp. Về yếu tố dân chủ, cơ quan quyền lực nhà nước trao quyền chủ động sáng tạo cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chỉ đạo thực hiện hiến pháp, luật và các văn bản khác của cơ quan quyền lực nhà nước. Chẳng hạn, Ủy ban nhân dân tỉnh X ra quyết định thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Hội đồng nhân dân tỉnh X chỉ quyết định chủ trương, biện pháp phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo,… mà không can thiệp sâu vào hoạt động quản lý của ủy ban nhân dân nhưng vẫn có quyền giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân.
Thứ hai là sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, địa phương đối với trung ương. Sự phục tùng này biểu hiện ở hai phương diện: tổ chức và hoạt động. Cấp dưới và địa phương có nghĩa vụ phải thực hiện tất cả các yêu cầu, mệnh lệnh do cấp trên và trung ương đưa ra. Điều này thể hiện được tính tập trung trong quản lí hành chính nhà nước. Tuy nhiên, để những mệnh lệnh này được phục tùng thì chúng phải được ban hành hợp pháp dựa trên quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, những ý kiến của cấp dưới và địa phương về công tác tổ chức, hoạt động và các vấn đề khác của quản lí hành chính nhà nước cũng phải được cấp trên và trung ương tôn trọng và tạo mọi điều kiện để có thể huy động mọi khả năng về trí tuệ, lao động… hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba là việc phân cấp quản lý. Đó là sự chuyển giao thẩm quyền từ cấp trên xuống cấp dưới nhằm đạt được một cách có hiệu quả mục tiêu chung của hoạt động quản lý nhà nước. Trong phạm vi thẩm quyền được giao, mỗi cấp quản lí được phép tiến hành những hoạt động nhất định nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của mình. Để việc phân cấp quản lý trở thành một biểu hiện của nguyên tắc tập trung – dân chủ thì phải đáp ứng được những yêu cầu như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
• Việc phân cấp quản lý phải đảm bảo cho trung ương có quyền quyết định trong những lĩnh vực then chốt, những vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Điều này có ý nghĩa trong việc đảm bảo sự phát triển cân đối và hài hòa của toàn xã hội, bảo đảm sự quản lý tập trung và thống nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc.
• Mạnh dạn giao quyền cho các địa phương, các đơn vị cơ sở. Đây được coi là biện pháp đảm bảo tập trung, tránh cho trung ương và cấp trên phải ôm đồm công việc mang tính sự vụ thuộc về chức trách của địa phương và cơ sở.
• Việc phân cấp quản lý phải thật cụ thể, hợp lý trên những quy định của pháp luật. Việc ban hành các quyết định về phân cấp quản lý cần phải có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, hợp lí, tránh đưa ra những quyết định mang tính chung chung, tùy tiện. Tất cả các nội dung của việc phân cấp quản lí bao giờ cũng phải thể hiện trong các văn bản pháp luật của các cấp có thẩm quyền.
Thứ tư là hướng về cơ sở. Đây là việc các cơ quan hành chính nhà nước mở rộng dân chủ trên cơ sở pháp lí tập trung đối với hoạt động của toàn bộ hệ thống các đơn vị kinh tế, văn hóa – xã hội trực thuộc. Các đơn vị này trực tiếp tạo ra của cải vật chất, trực tiếp phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của người dân lao động.
• Các đơn vị đó được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu các tài sản hợp pháp và có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Nhà nước quan tâm, cung cấp những trang thiết bị cần thiết giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần để các đơn vị này có điều kiện tốt hoạt động có hiệu quả.
• Nhà nước cũng có những chính sách và biện pháp quản lí một cách thống nhất và chặt chẽ tổ chức và hoạt động của hệ thống các đơn vị cơ sở.
Trong mỗi lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội lại có những đơn vị cơ sở khác nhau của bộ máy hành chính nhà nước: trong lĩnh vực kinh tế như công ty, tổng công ty, nhà máy, xí nghiệp nhà nước; trong lĩnh vực y tế có bệnh viện,… Các đơn vị này được coi là tế bào của nền kinh tế quốc dân, được Nhà nước ưu tiên đầu tư, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm thúc đẩy hoạt động của các đơn vị này phát triển một cách mạnh mẽ theo đúng định hướng của Nhà nước.
Thứ năm là sự phụ thuộc hai chiều của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Đây còn được gọi là nguyên tắc song trùng trực thuộc. Sự phụ thuộc này thể hiện ở cả hai mặt tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và được pháp luật quy định một cách cụ thể.
Với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chung, một mặt phụ thuộc vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, mặt khác phụ thuộc vào cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Ví dụ: Ủy ban nhân dân huyện Y (thuộc tỉnh Z) một mặt chịu sự chỉ đạo của Hội đồng nhân dân huyện Y theo mối phụ thuộc ngang, mặt khác chịu sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Z theo mối phụ thuộc dọc.
Biểu hiện này của nguyên tắc tập trung – dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước đảm bảo sự thống nhất giữa lợi ích của cả nước với lợi ích của địa phương, giữa lợi ích ngành với lợi ích vùng lãnh thổ.
Việc thực hiện tốt nguyên tắc tập trung – dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước có thể tạo điều kiện phát huy quyền tự chủ của tất cả các chủ thể trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, các biểu hiện của nguyên tắc này không phải bao giờ cũng được thực hiện một cách đầy đủ. Do đó, các chủ thể quản lý cần có những biện pháp thiết thực hơn để thực hiện nguyên tắc này một cách có hiệu quả nhất.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Ý nghĩa của nguyên tắc tập trung dân chủ
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực
– Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại