Mổ tử thi Y pháp là một khâu rất quan trọng trong quá trình giám định Y pháp; được coi là nền tảng cơ bản của Y pháp hình sự trong các vụ án xâm hại đến tính mạng giám định mổ tử thi của người khác, nếu không thì không bao giờ có thể kết luận khẳng định được nguyên nhân chết một cách rõ ràng.
Mục lục bài viết
1. Ý nghĩa, mục đích của việc khám nghiệm mổ tử thi y pháp:
Trong điều tra xét xử theo luật định, muốn kết tội một con người phải có những chứng cứ cụ thể, rõ ràng. Cũng như vậy, trong giám định Y pháp tử thi để kết luận nguyên nhân chết của một nạn nhân, người giám định viên cũng phải có những căn cứ minh bạch, cụ thể cả về lâm sàng và cận lâm sàng; ví dụ một vết thương tim bởi lưỡi lê tác động vào ngực trái khiến nạn nhân chết tại chỗ, ai cũng có thể nghĩ đến (chẩn đoán) chết do thủng tim, nhưng thực sự có thủng tim không?, thủng vùng nào của tim?, ở tâm thất phải? tâm thất trái?; độ sâu, kích thước vết thương bao nhiêu phân?, hướng của vết thương như thế nào? tổn thương tim gây mất máu cấp?, lượng máu mất bao nhiêu?. Muốn trả lời được một loạt vấn đề mà cơ quan tố tụng đặt ra không thể thiếu khâu mổ tử thi y pháp và làm các xét nghiệm cần thiết.
Mổ tử thi Y pháp không chỉ tìm nguyên nhân chết mà còn dựa vào những thương tích trên tử thi để dựng lại hoàn cảnh chết, chết tự nhiên?, tự tử, tai nạn hay án mạng? Xác định thời gian chết qua mức độ tiêu hoá sinh lý của thức ăn trong dạ dày, đồng thời lấy vật phẩm tìm chất độc trong lương thực, thực phẩm mà nạn nhân đã ăn trong ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị đầu độc. Mổ tử thi Y pháp còn giúp cho cơ quan xét xử có cơ sở để vận dụng tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mức án phạt đối với bị can trong những trường hợp chết do bạo lực, nhưng trong cơ thể nạn nhân có sẵn một bệnh trầm trọng tiềm ẩn chưa thể hiện trên lâm sàng như bệnh ung thư, xơ gan, AIDS v.v… Mổ tử thi Y pháp còn giúp ta xác minh tông tích, lai lịch nạn nhân, nhưng đôi khi khó nếu thi thể bị chặt mất đầu cắt mất ngón tay, bàn tay (để huỷ vân tay), hoặc xác bị thiêu cháy hoàn toàn.
Có thể nói người giám định viên Y pháp khi mổ tử thi có trước mặt mình một “nhân chứng câm” mang trên người những dấu vết của sự việc có trước hoặc có sau khi chết, hoặc những dấu tích gây nên tử vong. Nói một cách khác, khám nghiệm mổ tử thi Y pháp “phải làm cho nạn nhân chết nói được sự thật vì sao mà chết?, chết trong hoàn cảnh nào?, chết từ bao giờ?, ai sát hại?”.
Tất cả nhằm mục đích giúp cơ quan hành pháp truy lùng thủ phạm nếu là án mạng và giải quyết tiếp những thủ tục hành chính về quyền lợi của công dân nếu là tai nạn lao động, tai nạn rủi ro hay tự tử góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Mổ tử thi Y pháp khác với mổ tử thi ở khoa Giải phẫu bệnh của các bệnh viện nhằm mục đích đơn thuần là tìm nguyên nhân chết bệnh lý, xác minh chẩn đoán lâm sàng, bệnh chính, bệnh phụ, bệnh tiềm ẩn, tìm các sai sót kỹ thuật phẫu thuật thăm dò chức năng để rút kinh nghiệm thực tế, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân khác sau này. Bởi vậy yêu cầu đối với các thầy thuốc giải phẫu bệnh là “phải làm cho người chết nói lên vì lợi ích của người sống”.
Mổ tử thi Y pháp tiến hành theo yêu cầu của cơ quan tố tụng nên được pháp luật bảo vệ; Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự nêu rõ “Trong trường hợp xuất hiện khả năng giám định viên và hoạt động giám định bị đe dọa sự an toàn (bị cưỡng bức, tấn công bằng mua chuộc, đe doạ tính mạng, bị đánh cắp tiêu huỷ tài liệu giám định v.v.) cơ quan điều tra phải lập tức tiến hành tổ chức việc phong tỏa bảo vệ giám định viên và hoạt động giám định, phối hợp với các lực lượng khác để ngăn chặn, phòng ngừa sự tấn công đó”.
Để đạt được những mục đích ý nghĩa nêu trên, khám nghiệm mổ tử thi Y pháp phải thực hiện tốt 5 yêu cầu sau:
- Trung thực, khách quan.
- Toàn diện
- Tỉ mỉ, chính xác.
- Tuân theo những nguyên tắc khám nghiệm mổ tử thi.
- Phải mô tả, ghi chép đầy đủ các dữ liệu cần thiết liên quan đến vụ giám định.
2. Các nguyên tắc khám nghiệm mổ tử thi y pháp:
2.1. Thu lượm các thông tin xung quanh vụ việc:
Vụ việc diễn ra như thế nào?, phương tiện hung khí gây bạo lực? Nạn nhân được cấp cứu ra sao?, nếu tử vong trong bệnh viện hoặc giám định lại (tái giám định) sự cần thiết phải nghiên cứu kỹ hồ sơ bệnh án, bản giám định Y pháp lần trước để biết các thầy thuốc đã can thiệp như thế nào, nhằm phân biệt những thương tích do hung thủ gây nên với những nơi phải phẫu thuật điều trị hoặc giám định viên lần trước đã can thiệp và sự cần thiết phải tìm hiểu diễn biến của nạn nhân trước và sau khi chết.
“Để có được những thông tin này cơ quan trưng cầu có nghĩa vụ phải cung cấp theo luật định. Điều 44 Bộ luật tố tụng hình sự khoản 2 quy định …’ Người giám định viên có quyền tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng giám định, yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc kết luận, tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định”.
2.2. Khám nghiệm bên ngoài:
* Nhận dạng tử thi: Nhận dạng tử thi đặc biệt quan trọng nhất là trường hợp nạn nhân không rõ căn cước. Nhận dạng cũng cần phải theo một thứ tự: xác định họ tên, địa chỉ, giới tính nam, nữ; độ tuổi; chiều cao; đặc điểm trang phục quần áo tư trang, các sẹo và vị trí của nó. Nhận dạng càng cụ thể, chi tiết và nêu được các đặc điểm cá thể đặc trưng của nạn nhân càng tốt, đặc biệt là các dị tật bẩm sinh như nốt ruồi, các khuyết tật thừa, thiếu ngón chân tay v.v…Trên cơ sở nhận dạng, qua phương tiện thông tin đại chúng để bạn bè, gia đình tử thi xác nhận đúng người thân của mình; qua đó giúp cơ quan điều tra tiếp tục giải quyết vụ việc.
* Tử thi phải được bộc lộ hoàn toàn: Loại bỏ các thứ che phủ nạn nhân như chăn màn, chiếu v.v… và cởi bỏ hết quần áo, đồ lót, nịt vú để quan sát được toàn diện, tránh bỏ sót các dấu tích trên cơ thể nạn nhân.
* Đánh giá tình trạng tư thế tử thi: Tử thi cứng, mềm? đặc điểm màu sắc, vị trí, các vết hoen tử thi, mức độ thối rữa tử thi. Tử thi nằm ngửa, nghiêng, sấp, nằm duỗi thẳng hay co quắp v.v…
* Thương tích dấu vết tử thi: Vị trí đặc điểm của thương tích về hình thái, kích thước từ vết xây xát, bầm tím, tụ máu, rách da, độ nông sâu, vết thương há miệng, khép kín? Và các dạng tổn thương xương. Tìm các dấu vết sinh học như máu, vết tinh dịch, phân, nước tiểu v.v… và vị trí của nó trên thi thể nạn nhân.
* Khám các vùng Y pháp: Các vùng Y pháp là những nơi nguy hiểm hung thủ thường tấn công sát hại nạn nhân nhanh chóng, hoặc nơi kín đáo ngõ hầu, cơ quan điều tra khó phát hiện các thương tích, ngoài ra còn là những nơi thể hiện những dấu vết chống đỡ của nạn nhân. Những vùng đó được biết đến như cổ, gáy, đầu, mồm, mũi, tai, hai bên mạn sườn, hai cổ tay, lòng bàn tay, móng tay, hậu môn, âm hộ, màng trinh, tinh hoàn và dương vật.
2.3. Khám bên trong:
Mổ tử thi là một khâu bắt buộc trong giám định Y pháp tử thi. Trường hợp không mổ được hoặc chỉ mổ giới hạn phải ghi rõ lý do. Mô tả, ghi nhận đầy đủ các loại thương tích cũng như các tổn thương bệnh lý quan sát được khi mổ tử thi. Mổ tử thi Y pháp được tiến hành theo một trình tự kỹ thuật như sau:
* Mổ đầu: Đặt đầu nạn nhân lên gối gỗ cao, rạch da đầu: rạch da sau vành tai từ phải qua đỉnh đầu tới sau vành tai trái, tách da đầu khỏi xương sọ, lật vạt da ra phía trước và phía sau. Tìm tổn thương dưới da đầu như bầm tím, tụ máu, rạn vỡ xương sọ.
Cưa hộp sọ: Cắt cơ thái dương hai bên, để lộ hoàn toàn xương sọ; cưa vòng quanh hộp sọ vào tới màng cứng, dùng móc kéo phần chóp xương sọ ra ngoài xem có máu tụ ngoài màng cứng không, nếu có phải đo kích thước chiều dày của nó. Kiểm tra chóp xương sọ có vỡ, rạn nứt không. Dùng kéo giải phóng màng cứng theo đường của hộp sọ lấy màng cứng ra ngoài, hai bán cầu đại não lộ rõ, nếu có bánh máu tụ hoặc ổ giập não cũng phải đo kích thước độ dày của chúng.
Lấy não: Dùng bàn tay trái đỡ và nâng kéo nhẹ ra phía sau để lộ chéo thị giác và cuống tuyến yên, dùng kéo cong cắt đứt chéo thị giác và cuống tuyến yên. Tiếp tục hạ thấp tay trái kéo não ra phía sau để lộ lều tiểu não; dùng mũi dao hoặc mũi kéo nhọn giải phóng lều tiểu não theo bờ sau xương đá và kéo nó ra phía sau thấy tiểu não lộ rõ. Nâng và kéo nhẹ tiểu não về phía sau rời khỏi nền sọ để lộ bờ trước lỗ chẩm dùng mũi dao hoặc mũi kéo cong lách sâu qua lỗ chẩm cắt rời tuỷ sống lấy não và tiểu não ra khỏi hộp sọ. Bóc tách hết phần màng cứng nền sọ, kiểm tra xương nền sọ có vỡ, rạn nứt ?
Tìm tổn thương ở não: Ngoài các ổ máu tụ ngoài màng cứng hoặc dưới màng cứng còn gặp khá phổ biến hình ảnh phù não khiến các khe cuốn não bị lấp đầy, bề mặt các cuốn não phẳng và thường thấy tụt hạnh nhân tiểu não (cực dưới tiểu não có ngấn rõ). Kiểm tra hệ thống mạch máu nền não có xơ vữa, dị dạng không. Dùng dao dài mảnh hai lưỡi hoặc một lưỡi cắt não, tiểu não, cầu não, hành tuỷ thành nhiều lát mỏng tìm các ổ chảy máu, giập não, áp xe não, nhũn não v.v… ở sâu trong nhu mô não.
* Mổ cổ ngực: Rạch một đường thẳng từ giữa dưới cằm cổ qua giữa xương ức, đường trắng giữa đến gò mu. Lọc tách da rộng sang hai bên; phẫu tích kỹ từ dưới da đến cơ, mạch máu, cơ ức đòn chũm. Cắt cơ ức đòn chũm lật ngược phía cổ kiểm tra tuyến giáp trạng và tuyến nước bọt dưới hàm và bó mạch cảnh.
Lóc rộng da cơ ngực đến tận đường nách hai bên, để lộ toàn bộ xương
Dùng mũi dao hoặc kéo đi vào phần tiếp nối giữa sụn và xương sườn cắt từ xương sườn 1 đến xương sườn 10. Cắt khớp ức sườn đòn hai bên rồi nâng mảng xương ức lên cao dùng dao lớn lùa cắt sát mặt dưới xương ức để không làm rách màng ngoài tim và tuyến ức, bỏ xương ức ra ngoài, tìm tổn thương xương ức như bầm máu, dập gãy. Kiểm tra hố ngực hai bên xem có máu hoặc dịch, nếu có cần phải xác định xem số lượng bao nhiêu.
Lấy tim, phổi, thực quản, khí quản. Phẫu tích hai bên cổ lên tới cằm, lùa lưỡi dao ra sau sát cột sống cổ, cắt hai bó mạch cảnh, dùng tay kéo lưỡi, thanh khí quản, thực quản xuống phía dưới lấy ra được một khối gồm lưỡi, thực quản, khí quản, phổi tim.
Tách thực quản khỏi khối tim, phổi và giải phóng cơ hoành. Lấy toàn bộ tim phổi ra ngoài; hổ phổi rỗng dễ dàng kiểm tra xem xương sườn có gãy không?
– Mở phổi: mở mặt sau khí quản tới hai phế quản gốc, tìm tổn thương khí phế quản, hoặc tìm dị vật. Kiểm tra sụn nhẫn, sụn giáp, sụn thanh thiệt và xương móng có tổn thương không?, tìm tổn thương viêm phổi, phù phổi, chảy máu, áp xe phổi v.v… Cắt phổi thành từng lát để kiểm tra tổn thương sâu trong nhu mô phổi.
– Mở bao tim: dùng kéo mở bao tim xem có máu, mủ, có nhiều nước không. Nếu kiểm tra tắc khí trong tim mạch, trước hết mở dọc ngoại tâm mạc, dùng panh kéo hai mép cắt lên trên, đổ đầy nước vào xoang ngoại tâm mạc cho đến khi tim hoàn toàn chìm trong nước; dùng dao mổ rạch một lỗ thủng ở tâm thất phải, nếu có khí trong buồng tim sẽ thấy bong bóng sủi lên mặt nước, nhưng chỉ có giá trị khi xác còn tươi.
– Mở tim: quan sát thượng tâm mạc có các chấm chảy máu? dùng kéo vào tâm nhĩ phải kiểm tra lỗ van ba lá hẹp, hở? cắt tiếp xuống bờ tâm thất phải tới mỏm tim, kiểm tra van ba lá xem có xơ hoá, loét sùi? và cắt ngược lên sát vách liên thất tới động mạch phổi, kiểm tra tổn thương hệ thống van động mạch phổi, buồng tim có huyết khối, có dị dạng lỗ thông nhĩ, thông liên thất không? Dùng kéo mở tâm nhĩ trái, kiểm tra lỗ van hai lá hẹp, hở? mở tiếp xuống bờ tâm thất trái đến mỏm tim; sau đó đường cắt đi ngược lên sát vách liên thất trái tới động mạch chủ. Kiểm tra van động mạch chủ, van hai lá mềm mại? xơ trai? loét sùi? Buồng tim có huyết khối?. Từ chân van động mạch chủ thấy lỗ động mạch vành, dùng mũi kéo nhỏ mở rộng tìm chỗ xơ vữa, hẹp, tắc? Cắt ngang cơ tim từng lát mỏng tìm ổ nhồi máu mới, sẹo cũ trong thành cơ tim.
* Mở ổ bụng: Kiểm tra ổ bụng xem có tràn máu, mủ, dịch không; nếu có phải mô tả đặc điểm, đo số lượng của chúng.
– Lấy ruột non: vén mạc nối lớn, kẹp panh dưới góc Treizt, cắt ngang qua gốc mạc treo, kéo tuột ra và tiếp tục lấy nốt ruột già cùng một khối với ruột non; dùng kéo đầu tù mở ruột qua bờ tự do tìm tổn thương bệnh lý hay chấn thương ruột.
– Lấy thực quản, dạ dày thành một khối với gan, tuy, tá tràng, lách, dùng kéo đầu tù mở thực quản xem có giãn tĩnh mạch, hẹp thực quản?; mở tiếp đến dạ dày theo bờ cong lớn, quan sát độ nhuyễn hoá của chất ăn để ước lượng thời gian chết, nếu nghi ngộ độc lấy chất chứa dạ dày gửi xét nghiệm tìm độc chất. Kiểm tra xem có viêm loét, thủng, chảy máu dạ dày?. Kiểm tra đường mật, gan, tụy lách tìm tổn thương dập vỡ, tụ máu v.v…
– Lấy thận liền với niệu quản bàng quang và tuyến thượng thận, tìm tổn thương do sang chấn và tổn thương bệnh lý.
– Kiểm tra cơ quan sinh dục, đối với phụ nữ cần kiểm tra tổn thương màng trinh, thành âm đạo, đo kích thước tử cung. Dùng kéo thẳng lỗ tử cung cắt thành trước tới đáy tử cung, kiểm tra niêm mạc tử cung viêm, chảy máu, tụ máu, sót rau, phôi thai hoặc thai nhi v.v… cắt ngang tử cung nhiều lát tìm ổ nhồi máu, u xơ và xem có viêm tắc vòi trứng, u nang buồng trứng? Đối với nam giới cần lưu ý đến tinh hoàn, đây cũng là vùng Y pháp, chấn thương tinh hoàn cũng gây chết người.
* Mở tuỷ sống: Mở tuỷ sống là một khâu mổ tử thi khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên trong thực tế đôi khi cũng phải thực hiện để xác định tuỷ sống có tổn thương không? Kỹ thuật lấy tuỷ sống như sau:
Để tử thi nằm sấp. Rạch da từ gáy dọc theo gai các đốt sống đến xương cùng. Phẫu tích da, cơ bộc lộ gai sống và ngành ngang đốt sống, dùng cưa hoặc đục làm đứt các ngành ngang, sau đó dùng kìm kẹp lấy các mẩu xương ra ngoài, màng cứng tủy lộ rõ, mở màng cứng lấy tuỷ sống ra ngoài tìm các tổn thương bầm máu, dập, đứt tủy v.v… Cắt ngang tùy từng lát tìm tổn thương sâu trong nhu mô tuỷ.
* Kiểm tra hệ thống xương xem có rạn, gãy? (nếu có nghi ngờ)
2.4. Vẽ sơ đồ thương tích:
Sơ đồ thương tích phải ghi đúng với vị trí tổn thương, kích thước vết thương, nếu nhiều vết thương phải đánh số thứ tự để tránh nhầm lẫn và dễ hiểu, đồng thời phải chụp ảnh lưu lại.
2.5. Xét nghiệm bổ sung:
Mổ tử thi đánh giá các tổn thương qua đại thể là chưa đủ, cần phải lấy các mẫu bệnh phẩm làm các xét nghiệm cần thiết có liên quan đến vụ việc:
– Xét nghiệm mô bệnh học (Giải phẫu bệnh ).
– Xét nghiệm máu: phân loại nhóm máu, tìm rượu chất độc trong máu.
– Xét nghiệm tìm chất độc trong các phủ tạng
– Xét nghiệm tìm Diatome trong tuỷ xương, gan thận để xác định chết dưới nước.
– Xét nghiệm các dấu vết nghi ngờ tinh dịch tìm tinh trùng v.v…
3. Các dụng cụ mổ tử thi y pháp:
Một bộ đồ khám nghiệm mổ tử thi Y pháp tối thiểu gồm:
1. Dao mổ (bistouris) | : 1 chiếc |
2. Dao to dài mũi nhọn | : 1 chiếc |
3. Dao to dài mỏng, hai lưỡi đầu tù | : 1 chiếc |
4. Kéo thẳng đầu tù | : 1 chiếc |
5. Kéo thẳng nhỏ đầu nhọn | : 1 chiếc |
6. Kéo cong đầu tù | : 1 chiếc |
7. Kéo thẳng đầu tù tròn | : 1 chiếc |
8. Kìm cắt xương sườn | : 1 chiếc |
9. Panh Koscher có mấu | : 2 chiếc |
10. Panh Koscher không có mấu | : 2 chiếc |
11. Panh phẫu tích có mấu | : 1 chiếc |
12. Panh phẫu tích không mấu | : 1 chiếc |
13. Sonde sắt tròn | : 1 chiếc |
14. Sonde sắt có máng | : 1 chiếc |
15. Kim cong khâu da | : 3 chiếc |
16. Chỉ gai | : 1 cuộn |
17. Ống nghiệm sạch có tăm bông | : 2 chiếc |
18. Ống nghiệm sạch có nút | : 2 chiếc |
19. Lọ thuỷ tinh rộng miệng đựng formci 10% | : 1 chiếc |
20. Lọ thuỷ tinh rộng miệng sạch có nắn (500ml) | : 1 chiếc (100ml) |
21. Thước sắt (20) | : 2 chiếc |
22. Thước sắt (2,5m) | : 1 chiếc |
23. Gáo sắt 50 ml | : 1 chiếc |
24. Lo con 200 ml | : 1 chiếc |
25. Túi nylon nhỏ, sạch | : 5 chiếc |
26. Hộp sắt không gỉ đựng dụng cụ | : 1 chiếc |
4. Lấy vật phẩm xét nghiệm y pháp:
Để bổ sung cho nhận xét đại thể khi mổ tử thi và các giám định khác giúp cho kết luận giám định Y pháp được chuẩn xác, việc lấy bệnh phẩm xét nghiệm thường được chỉ định trong nhiều trường hợp khác nhau:
1. Xét nghiệm máu:
Tìm nhóm máu: lấy 1m máu tươi cho vào ống nghiệm, hoặc thấm máu vào mảnh vải trắng sạch để khô trong bóng dâm, và mọi dấu vết máu, nghi máu sau khi thu lượm phải được làm khô nơi thoáng mát. Không được phơi nắng, sấy nhiệt, bảo quản trong túi nylon.
Tìm rượu, oxyt carbon (CO) trong máu, cần lấy 10 – 20ml máu cho vào ống nghiệm đậy kín.
2. Xét nghiệm nước bọt:
Xét nghiệm nước bọt trong giám định dấu vết hình sự bao giờ cũng là dấu vết nghi ngờ dính trên đồ dùng như khăn mùi xoa, các mẩu thuốc lá.v.v… Để kết quả có độ tin cậy cao cần phải lấy các mẫu nước bọt, mẫu máu của các đối tượng nghi vấn.
Lấy mẫu nước bọt bằng giấy thấm nước sạch khô; giấy được cắt thành băng chiều dài 15cm rộng 2,5cm. Một đầu giấy đánh số giám định, đầu kia để cho người lấy ngậm vào miệng cho nước bọt thấm vào. Cũng có thể để người đó nhổ nước bọt vào gạc sạch, tất cả các mẫu đều hong khô bảo quản gửi xét nghiệm (người được lấy nước bọt phải súc miệng sạch trước).
3. Xét nghiệm tinh dịch:
Xét nghiệm tinh dịch trong Y pháp có thể được tiến hành trên mẫu tinh dịch còn tươi lấy từ đối tượng có liên quan, nghi ngờ có dính líu tới vụ việc. Tuy nhiên phần lớn xét nghiệm tinh dịch là các dấu vết nghi ngờ trên các tang vật. Đây là xét nghiệm phức tạp. Cách lấy, thu mẫu tinh dịch:
Với các vết tinh dịch, hoặc nghi tinh dịch trên cơ thể dùng bông sạch thấm lấy toàn bộ dấu vết.
Với các đồ vật nghi có tinh dịch thì thu cả vật mang dấu vết. Trường hợp không thu được vật mang dấu vết thì dùng dao cạo nhẹ để lấy mẫu dấu vết cho vào ống nghiệm hoặc giấy sạch; cũng có thể dùng bông thấm ẩm nước muối sinh lý 9%% lau lấy toàn bộ dấu vết.
Các dấu vết tinh dịch hoặc nghi ngờ tinh dịch, sau khi thu phải được làm khô ngay như mẫu máu và nước bọt rồi bảo quản gửi đi xét nghiệm.
4. Xét nghiệm dịch âm đạo:
Trong án mạng nghi ngờ trước khi chết nạn nhân còn bị hiếp, hoặc các vụ án hiếp dâm đơn thuần, sự cần thiết phải lấy dịch âm đạo để xét nghiệm tìm tinh trùng.
Dùng tăm bông quệt sâu trong túi cùng âm đạo hong khô để vào ống nghiệm, hoặc phết lên lam kính sạch hong khô hay cố định bằng cồn.
5. Xét nghiệm độc chất:
Khi có nghi ngờ chết do chất độc, lấy các mảnh tạng khoảng 500gam, kể cả chất chứa dạ dày, máu, nước tiểu đựng vào lọ thủy tinh màu, rộng miệng có nắp đậy kín. Không cho bất kỳ một chất nào khác để bảo quản mẫu vật. Niêm phong và giao cho cán bộ điều tra gửi xét nghiệm.
6. Xét nghiệm mô bệnh học (Vi thể – Giải phẫu bệnh):
Lấy các mẫu vật hình vuông hoặc chữ nhật mỗi chiều khoảng 2-3cm trong đó 1/2 là chỗ nghi tổn thương, phần liền kề là mô lành. Vật phẩm cho ngay vào lọ rộng miệng đã có sẵn dung dịch formol hoặc Boin 10-12%, đậy nút niêm phong gửi đi xét nghiệm.
7. Xét nghiệm lông tóc:
Khi phát hiện thấy lông, tóc, hoặc vật nghi là lông tóc, dùng tay hoặc panh để thu, đựng vào dụng cụ thích hợp sao cho không làm mất dấu vết, không làm thay đổi hình dạng tự nhiên của nó. Lông tóc thu được ở các vị trí khác nhau phải được bao gói riêng, ghi chú, niêm phong. Nhất thiết phải lấy mẫu lông tóc từ nạn nhân, các đối tượng nghi vấn để giám định so sánh.
Trong các vụ hiếp dâm, nghi là lông sinh dục, thì phải thu lông sinh dục của nạn nhân và các đối tượng nghi vấn, trên phương tiện gây án có tóc thì phải thu tóc ở vị trí vết thương của nạn nhân để so sánh. Nếu lông tóc chưa xác định được vị trí, thì lấy tóc ở đỉnh đầu, hai bên đầu, phía sau đầu (chẩm), mỗi nơi lấy 15 sợi gói riêng từng mẫu. Dùng tay nhổ từng sợi tóc, lông thu cả gốc tóc, lông. Để xác định nhóm máu của lông tóc, cần lấy cả mẫu máu gửi kèm theo.
Dấu vết mẫu vật có nguồn gốc sinh vật là vật chất sống khi tách khỏi cơ thể mẫu vật nhanh chóng bị phân hủy bởi tác động của môi trường, nhiệt độ, nắng, mưa, vi khuẩn, v.v… Bởi vậy, việc phát hiện sớm dấu vết, thu lượm mẫu vật, dấu vết đúng kỹ thuật và bảo quản đúng quy định là điều rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với khả năng và chất lượng giám định sau này. Mặt khác, dấu vết sinh vật thường tồn tại dưới dạng vi vết, nên dễ bị hòa lẫn vào môi trường nên rất khó phát hiện và thủ phạm luôn có ý thức tìm mọi cách xóa dấu vết. Do vậy, việc tìm dấu vết phải được tiến hành một cách tỷ mỉ, thận trọng với sự giúp đỡ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại.
5. Mẫu Bản giám định:
BỘ Y TẾ VIỆN Y HỌC TƯ PHÁP TW Số:………../GĐYP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc *** Hà Nội, ngày..tháng…năm 20… |
BẢN GIÁM ĐỊNH Y – PHÁP
Chúng tôi: ……….
Chức vụ: ……….
Thuộc viện Y học Tư pháp trung ương – Bộ Y tế, theo quyết định trưng cầu
Của: ………. Số: ………. ký ngày: ………. / ………. / 20…
Đã giám định tử thi: ………. Tuổi: ………. nam/ nữ ……….
Căn cước: ……….
Tử vong: Hồi ………. giờ …. phút …. ngày … tháng … năm 20…
Cuộc khám nghiệm được tiến hành Hồi ………. giờ …. phút …. ngày … tháng … năm 20…
Tại: ……….
Trong điều kiện thời tiết, ánh sáng: ……….
Chứng kiến cuộc khám nghiệm có:
– Đại diện
– Đại diện cơ quan kiểm sát: ……….
– Đại diện cơ quan liên quan: ……….
– Đại diện: ……….
Tóm tắt sự việc:
– Theo
KHÁM NGHIỆM BÊN NGOÀI
– Tình trạng tử thi:
Dấu vết thương tích:
KHÁM NGHIỆM BÊN TRONG ……….
CÁC XÉT NGHIỆM BỔ SUNG ……….
CHẨN ĐOÁN Y PHÁP ……….
KẾT LUẬN ……….
CƠ QUAN GIÁM ĐỊNH (Ký tên, đóng dấu) | GIÁM ĐỊNH VIÊN (Ký tên) |