Nguyên tắc hoạt động và quản lý tài chính của quỹ từ thiện là gì? Nguyên tắc hoạt động và quản lý tài chính của quỹ từ thiện?
Bên cạnh các quỹ từ thiện, hoạt động từ thiện do các tổ chức xã hội thuộc cơ quan nhà nước …. thì còn có rất nhiều quỹ từ thiện do các cá nhân, tổ chức có điều kiện thành lập và hoạt động. Các quỹ từ thiện này đóng vai trò quan trọng, cùng với quỹ từ thiện do các cơ quan nhà nước thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn. Trong mỗi quỹ từ thiện đều có tài sản, tài chính nhất định. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về nguyên tắc hoạt động và quản lý tài chính của quỹ từ thiện.
Luật sư
1. Nguyên tắc hoạt động và quản lý tài chính của quỹ từ thiện là gì?
Theo các giải thích từng từ ngữ, thì “Nguyên tắc” là những điều cơ bản do tổ chức đặt ra dựa trên những quan điểm tư tưởng nhất định đòi hỏi các tổ chức và cá nhân phải tuân theo. Nguyên tắc chính là kim chỉ nam, là định hướng hoạt động, và từ đó để xây dựng nên các quy định chi tiết hơn.
“Quản lý” là xây dựng và duy trì một môi trường tốt giúp con người hoàn thành một cách hiệu quả mục tiêu đã định.
Quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục đích lợi nhuận.
Như vậy, có thể hiểu nguyên tắc hoạt động và quản lý tài chính của quỹ từ thiện chính là những điều cơ bản do quỹ từ thiện đặt ra, bắt buộc phải thực hiện khi thực hiện các hoạt động từ thiện. Những nguyên tắc này được đặt ra để đảm bảo cho hoạt động từ thiện được thực hiện một cách hiệu quả, cũng như đảm bảo cho sự ổn định của tài chính trong quỹ từ thiện
2. Nguyên tắc hoạt động và quản lý tài chính của quỹ từ thiện
Mặc dù quỹ từ thiện hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phải hoạt động theo những nguyên tắc nhất định mà pháp luật cho phép.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định về nguyên tắc hoạt động và quản lý tài chính của quỹ từ thiện.
“Điều 5. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quỹ
1. Thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
2. Tự nguyện, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình.
3. Tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
4. Công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ.
5 . Không phân chia tài sản.”
Theo đó, quỹ được thành lập và hoạt động không vì lợi nhuận. Không được lợi dụng mô hình hoạt động của quỹ từ thiện để mang lại lợi nhuận. Như trên đã nói, quỹ từ thiện được thành lập ra để nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn cần sự trợ giúp của xã hội. Quỹ từ thiện mang tính chất xã hội, nhân đạo mà tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm là rách của người dân Việt Nam. Trong đời sống thường ngày có rất nhiều những mảnh đời, những hoàn cảnh vô cùng khó khăn như những cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng chạy chữa, trẻ em mồ côi, người già neo đơn,… hoặc khi có những thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Khi đó các quỹ từ thiện giúp các cá nhân có chi phí đảm bảo cuộc sống, khắc phục những khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống. Vì mục đích đó mà các quỹ từ thiện luôn vì mục đích xã hội đặt lên hàng đầu và không được có mục đích lợi nhuận. Nếu có mục đích lợi nhuận thì nó không còn mang bản chất “từ thiện” nữa.
Nguyên tắc thứ hai đó là tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình. Cá nhân, cơ quan, tổ chức muốn thành lập tổ chức từ thiện thì phải bỏ kinh phí để trang trải cho hoạt động này, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước bằng tài sản của mình. Vì mang bản chất là quỹ từ thiện, xuất phát từ ý chí của mỗi cá nhân, nên tự nguyện được coi là nguyên tắc của quỹ từ thiện là hoàn toàn hợp lý. Các cá nhân tự nguyện thành lập quỹ từ thiện hoặc tự nguyện tham gia vào quỹ từ thiện. Tự nguyện đóng góp tài sản vào quỹ từ thiện theo điều kiện cho phép của mình. Khi quỹ từ thiện được thành lập và hoạt động thì phải tự tạo vốn, tự trang trải, tức quỹ từ thiện sẽ không nhận được hỗ trợ về tài sản từ cơ quan nhà nước, vốn của quỹ từ thiện do các cá nhân tự tạo nên bằng cách góp vốn hoặc bằng phương thức vốn. Quỹ từ thiện do các cá nhân tự trang trải, tính toán về chi tiêu, chi phí hoạt động của quỹ từ thiện. Các quỹ từ thiện có thể sử dụng vốn đã có thực hiện các hoạt động mà pháp luật không cấm để trang trải chi phí hoạt động của quỹ từ thiện. Và quỹ từ thiện phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước bằng tài sản của mình. Do quỹ từ thiện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng nên quỹ từ thiện phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình bằng tài sản của quỹ trước cơ quan nhà nước.
Ví dụ Ông Nguyễn Văn A là giám đốc công ty may đồng phục muốn hoạt động tổ chức từ thiện để giúp đỡ các trẻ em nghèo gặp nhiều khó khăn để các em được đến trường đến lớp nên ông Nguyễn Văn A đã tự bỏ các chi phí của mình ra để hoạt động được mô hình này.
Thứ tư, Quỹ từ thiện hoạt động theo điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, theo quy định của Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các quy định khác của pháp luật liên quan. Tại chương II, chương III của Nghị định 93/2019/NĐ- CP quy định rất chi tiết về điều kiện thành lập của quỹ từ thiện. Theo đó cần phải đảm các điều kiện về mục tiêu hoạt động, chủ thể thành lập, sáng lập quỹ từ thiện; điều kiện về tài sản đóng góp để thành lập quỹ và hồ sơ thành lập quỹ từ thiện. Các điều kiện về thành lập quỹ từ thiện được quy định rất chi tiết để đảm bảo tối thiểu cho việc hoạt động của quỹ từ thiện hoạt động ổn định. Thủ tục thành lập quỹ cũng được quy định rất chặt chẽ, do chủ thể có thẩm quyền quyết định đó chính là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Sau khi được quyết định thành lập quỹ từ thiện thì có hoạt động công bố quỹ từ thiện. Tuy nhiên, để được hoạt động thì quỹ từ thiện cũng cần đảm bảo các điều kiện hoạt động theo luật định.
Quỹ từ thiện được tổ chức với cơ cấu bao gồm: Hội đồng quản lý quỹ, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ và Giáo đốc quản lý quỹ; Phụ trách kế toán của quỹ và Ban kiểm soát quỹ. Các bộ phận trên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo luật định.
Nguyên tắc thứ ba, đó chính là công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ. Quy định này là hoàn toàn hợp lý, vì nếu không có sự công khai, minh bạch thì sẽ dẫn đến tình trạng tham ô, tẩu tán tài sản. Về tài sản của quỹ, thì tài sản của quỹ được hình thành từ hoạt động góp tài sản vào quỹ của các cá nhân, tổ chức; các khoản sinh lời từ tài sản, tài chính của quỹ và tài sản, tài chính hợp pháp khác. Tài sản của quỹ có thể là tiền đồng Việt Nam, có thể là ngoại tệ, vàng, trụ sở, trang thiết bị, công nghệ, quyền tài sản, hoặc giấy tờ có giá khác theo quy định của Bộ luật Dân sự. Các khoản chi của quỹ từ thiện cần được thể hiện rõ ràng, do ai đóng góp, đóng góp tại thời điểm nào, đóng góp loại tài sản nào, giá trị tài sản là bao nhiêu,… Và việc chi hoạt động của quỹ cũng cần tuân theo quy định của luật., đó chính là những khoản chi hợp lý để đảm bảo hoạt động của quỹ, như chi để trả lương cho cá nhân quản lý quỹ, chi thuê trụ sở, chi khi thực hiện hoạt động thực hiện nhiệm vụ,… Hoạt động thu, chi của quỹ từ thiện được kế toán, kiểm toán, thống kê rõ ràng và công khai, minh bạch.
Nguyên tắc cuối cùng là không phân chia tài sản của quỹ từ thiện. Tức tài sản của quỹ từ thiện là quỹ chung hợp nhất, không thuộc về bất kì chủ thể nào. Khác với loại hình doanh nghiệp, khi các cá nhân góp vốn vào thì tỷ lệ sở hữu của cá nhân được thể hiện, sở hữu bao nhiêu phần trăm vốn của công ty. Còn trong quỹ từ thiện thì vốn góp vào của các cá nhân sẽ hợp nhất, không thể hiện là sở hữu vốn bao nhiêu. Tương tự đối với các tài sản được ủng hộ tiếp theo cũng vậy.
Quỹ từ thiện đóng vai trò quan trọng trong xã hội, góp phần to lớn để giảm những khó khăn cho rất nhiều gia đình, cá nhân trong xã hội. Nhà nước luôn dành những sự quan tâm nhất định đối với hoạt động của quỹ từ thiện đồng thời cổ vũ để hoạt động của quỹ từ thiện được phát triển ngày một mạnh mẽ hơn.