Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc là một nguồn quỹ lớn luôn luôn có các hoạt động đóng góp và chi trả, việc quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc một cách tập trung, dân chủ, công khai và minh bạch là yêu cầu tất yếu.
Mục lục bài viết
- 1 1. Nguyên tắc thứ nhất là quỹ BHXHBB được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích và hạch toán theo các quỹ thành phần:
- 2 2. Nguyên tắc thứ hai là quỹ BHXHBB là một quỹ độc lập, phải luôn bảo đảm cân đối thu chi, bảo toàn và phát triển để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia:
- 3 3. Nguyên tắc thứ ba là thu chi quỹ BHXHBB phải đảm bảo đúng nguyên tắc “đóng-hưởng” của BHXH và bảo đảm quyền lợi của NLĐ tương ứng với đóng góp của họ:
- 4 4. Nguyên tắc thứ tư là quỹ BHXHBB không mang tính chất thương mại mà mang tính chất của quỹ tương hỗ bảo hiểm:
- 5 5. Nguyên tắc thứ năm là cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế tạo và sử dụng quỹ BHXHBB trên cơ sở thực trạng phát triển kinh tế – xã hội và cơ chế quản lý kinh tế xã hội của đất nước:
1. Nguyên tắc thứ nhất là quỹ BHXHBB được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích và hạch toán theo các quỹ thành phần:
Quỹ BHXHBB được hình thành từ sự đóng góp của nhiều NLĐ và NSDLĐ trong thời gian dài, là một quỹ phúc lợi chung với mục đích tương trợ cộng đồng. Là một nguồn quỹ lớn luôn luôn có các hoạt động đóng góp và chi trả, việc quản lý quỹ BHXHBB một cách tập trung, dân chủ, công khai và minh bạch là yêu cầu tất yếu. Nguyên tắc này giúp cho quỹ được vận hành hiệu quả và giảm thiểu các rủi ro thất thoát cũng như bảo vệ quỹ khỏi các nguy cơ mất cân đối giữa đóng góp và chi trả. Ngoài ra, với số lượng người tham gia lao động trong phạm vi cả nước, nguyên tắc quản lý quỹ nêu trên góp phần bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của người tham gia BHXHBB.
Quỹ BHXHBB cần được quản lý tập trung nhằm vừa đảm bảo việc thu chi phù hợp với chính sách BHXH, vừa tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý và đầu tư quỹ nhằm điều chỉnh các chính sách BHXH nói chung. Các chế độ BHXH có các đặc trưng riêng về mức đóng, mức hưởng và thời gian thụ hưởng. Do vậy, để có thể được vận hành một cách linh hoạt, quỹ BHXHBB được hạch toán theo các quỹ thành phần. Việc phân chia các quỹ thành phần phụ thuộc vào đặc điểm của các chế độ BHXH cũng như điều kiện cụ thể tại từng quốc gia. Theo pháp luật hiện hành, quỹ BHXHBB bao gồm các quỹ thành phần là quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và quỹ hưu trí và tử tuất [31, Điều 83]. Quỹ BHXHBB được hạch toán theo các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định. Việc đảm bảo nguyên tắc này là cơ sở để việc sử dụng quỹ BHXH được tiến hành một cách hiệu quả, vừa phát triển vừa đảm bảo duy trì nguồn vốn để đảm bảo khả năng chi trả của quỹ về cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
2. Nguyên tắc thứ hai là quỹ BHXHBB là một quỹ độc lập, phải luôn bảo đảm cân đối thu chi, bảo toàn và phát triển để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia:
Quỹ BHXHBB được quy định là một quỹ độc lập, hình thành từ sự đóng góp của NLĐ và NSDLĐ. Tuy nhiên, quỹ này do nhà nước quản lý, được điều hành bởi tổ chức độc lập trong phạm vi cả nước trên cơ sở các quy định pháp luật và chịu sự kiểm tra, giám sát, quản lý của nhà nước. Tổ chức BHXH cần có các hoạt động độc lập nhằm kiểm tra, giám sát công việc thu, chi của quỹ, tăng cường công tác quản lý quỹ, quản lý sử dụng vốn nhàn rỗi nhằm tạo ra các nguồn thu hợp pháp cho quỹ cũng như giảm các chi phí hành chính trong quản lý quỹ BHXH.
Trong quá trình quản lý quỹ BHXH, yêu cầu cơ bản là cân đối thu chi để đảm bảo duy trì quỹ và thực hiện các chính sách BHXHBB. Để thực hiện nhiệm vụ này, cơ quan quản lý quỹ BHXH phải tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra quá trình sử dụng quỹ BHXHBB, nhằm đảm bảo các hoạt động trên diễn ra đúng pháp luật và có hiệu quả, từ đó phát triển quỹ để bảo đảm quyền lợi của người tham gia ΒΗΧΗ.
3. Nguyên tắc thứ ba là thu chi quỹ BHXHBB phải đảm bảo đúng nguyên tắc “đóng-hưởng” của BHXH và bảo đảm quyền lợi của NLĐ tương ứng với đóng góp của họ:
Mức hưởng BHXHBB được tính trên cơ sở mức đóng góp, thời gian đóng góp và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Mức đóng góp và thời gian đóng góp được sử dụng làm căn cứ để đối tượng đóng bảo hiểm được hưởng chế độ, tức đóng góp đến đâu thì mức thụ hưởng tới đó. BHXHBB là một hình thức phân phối phổ biến tổng thu nhập quốc dân. BHXHBB phải dựa trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ (nguyên tắc phân phối theo lao động). Những NLĐ có thời gian và phí đóng như nhau thì được hưởng bảo hiểm như nhau. Mức trợ cấp và độ dài thời gian hưởng trợ cấp tương ứng với sự đóng góp của NLĐ, căn cứ vào mức đóng góp của NLĐ cho xã hội, thể hiện thông qua mức đóng, thời gian đóng góp vào quỹ. Một mặt, NLĐ có thời gian đóng BHXHBB ngắn và mức đóng thấp thì không thể hưởng các chế độ ở mức cao và trong thời gian dài. Mặt khác, nguyên tắc này thể hiện sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, điều này có nghĩa là không phải bất kỳ NLĐ nào tham gia đóng BHXH đều nhận lại tiền từ tất cả các chế độ BHXH. NLĐ cùng với NSDLĐ và Nhà nước cùng đóng góp và tạo lập một quỹ BHXHBB độc lập và tập trung. Trong đó đa số những người đóng góp BHXHBB sẽ hỗ trợ cho số ít những người gặp rủi ro mất thu nhập từ việc mất hoặc suy giảm sức lao động và có đủ điều kiện để hưởng trợ cấp BHXH theo nguyên tắc “lấy số đông bù số ít”. Nghĩa là chỉ những người gặp phải những rủi ro đáp ứng đủ điều kiện mới được hưởng BHXHBB, thường là khi gặp phải những rủi ro được xác định cụ thể theo từng chế độ BHXHBB. Những rủi ro đó dẫn đến khó khăn lớn vượt xa so với khả năng tự phục hồi của NLĐ. Do đó, khoản tiền hưởng từ BHXHBB là nguồn chia sẻ rủi ro của tất cả những người cùng tham gia đóng BHXHBB đối với những người phải đối mặt với rủi ro. Ngoài ra, mức đóng BHXHBB được tính trên cơ sở tiền lương tháng của NLĐ. Nguyên tắc này thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa quan hệ lao động và quan hệ BHXHBB. NLĐ với các mức thu nhập khác nhau sẽ tham gia vào các chế độ BHXHBB với định mức đóng khác nhau. NLĐ có thu nhập cao sẽ tham gia BHXHBB với mức đóng cao và NLĐ có thu nhập thấp vẫn có thể tham gia BHXHBB mà không gặp phải trở ngại về việc đóng khoản tiền BHXHBB lớn so với thu nhập của mình. Việc áp dụng nguyên tắc này một mặt đảm bảo tính ổn định của quỹ BHXHBB, mặt khác thể hiện sự linh hoạt trong cách áp dụng đối với mọi đối tượng NLĐ.
Ba là, NLĐ vừa có thời gian đóng BHXHBB vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH. Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH. Nguyên tắc này thể hiện sự kết nối giữa BHXHBB và BHXH tự nguyện. NLĐ tham gia BHXHBB và tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cộng dồn tổng thời gian tham gia BHXH làm cơ sở xác định quyền lợi hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, từ đó có cơ hội hưởng các chế độ này một cách ưu đãi hơn. Nguyên tắc này thể hiện sự ghi nhận của pháp luật về quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện và khuyến khích người không phải là đối tượng tham gia BHXHBB tham gia BHXH tự nguyện, góp phần tạo nên tính ổn định bền vững của hệ thống BHXH.
4. Nguyên tắc thứ tư là quỹ BHXHBB không mang tính chất thương mại mà mang tính chất của quỹ tương hỗ bảo hiểm:
Nguyên tắc này nhằm nhấn mạnh về yêu cầu đảm bảo cân đối thu chi của quỹ trong quá trình vận hành và phát triển. Xuất phát từ mục đích của quỹ BHXHBB là bù đắp thu nhập cho NLĐ trong các trường hợp gặp rủi ro, từ đó góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, quỹ BHXHBB cần đặt việc bảo toàn quỹ thành ưu tiên hàng đầu. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý quỹ BHXHBB là đảm bảo mức thu bù đủ mức chi, giảm thiểu nguy cơ thất thoát hoặc mất cân đối quỹ. Để đảm bảo được việc này, các cơ quan quản lý quỹ cần thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng quỹ, đồng thời tiến hành các hoạt động đầu tư quỹ một cách cẩn trọng nhằm giảm thiểu rủi ro.
5. Nguyên tắc thứ năm là cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế tạo và sử dụng quỹ BHXHBB trên cơ sở thực trạng phát triển kinh tế – xã hội và cơ chế quản lý kinh tế xã hội của đất nước:
Mỗi quốc gia có quá trình phát triển kinh tế xã hội trong các điều kiện khác nhau, từ đó hình thành các hệ thống an sinh xã hội đa dạng nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể khác nhau. Trong mỗi giai đoạn, sự phát triển của thị trường lao động cũng có nhiều yếu tố mới phát sinh, đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội cần thay đổi và điều chỉnh nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới để có thể thực hiện tốt hơn chức năng của mình. Với cách tiếp cận đó, các hệ thống BHXH nói chung và quỹ BHXHBB nói riêng cần có sự chủ động đổi mới trong chính sách, chế độ, đa dạng linh hoạt về hình thức, mục tiêu và cơ chế thực hiện nhằm đảm bảo tính công bằng minh bạch. Thực tế đó đặt ra yêu cầu đối với quá trình hình thành, quản lý và sử dụng quỹ BHXH trong việc hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tế, nhằm thực hiện hiệu quả vai trò của mình trong các điều kiện kinh tế xã hội mới.