Nếu như các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là những nguyên tắc bắt buộc ở mọi ngành luật thì ở mỗi ngành luật còn có những nguyên tắc đặc thù. Nhắc đến tính chất đặc trưng đó, phải xét đến nguyên tắc có lỗi trong Luật hình sự, một nguyên tắc chỉ tồn tại ở ngành luật này.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc có lỗi là gì?
Nguyên tắc được hiểu là những tư tưởng, định hướng mang tính chỉ đạo trong toàn bộ quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật do nhà nước xây dựng và ban hành.
Nguyên tắc của ngành luật hình sự là những tư tưởng, định hướng mang tính chủ đạo trong việc xây dựng cũng như áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự nhằm bảo đảm cho ngành luật hình sự thực hiện được chức năng của mình.
* Định nghĩa: Theo Từ điển pháp luật hình sự, nguyên tắc có lỗi là nguyên tắc chỉ cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự một người về hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện khi người đó có lỗi trong việc thực hiện hành vi này.
2. Nội dung của nguyên tắc có lỗi:
– Thứ nhất, một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội do họ thực hiện, gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, khi hành vi đó được thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Lỗi là một trong những cơ sở của trách nhiệm hình sự, không có lỗi thì không có tội.
– Thứ hai, lỗi là dấu hiệu bắt buộc phải có của tất cả các cấu thành tội phạm, là vấn đề phải chứng minh trong tố tụng hình sự, việc xác định lỗi là điều không thể thiếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử từ đó xác định được chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có phải là tội phạm hay không, mức độ nguy hiểm cho xã hội đến đâu để áp dụng trách nhiệm phù hợp với chủ thể.
– Thứ ba, nguyên tắc có lỗi không cho phép quy tội khách quan, có nghĩa là không truy cứu trách nhiệm hình sự một người người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi chưa xác định được lỗi của họ, không được xác định tội danh và xem xét hậu quả để xác định hình phạt khi chưa xác định lỗi của người phạm tội.
– Thứ tư, lỗi phản ánh được tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, lỗi cố ý sẽ nặng hơn so với lỗi vô ý.
Nguyên tắc có lỗi được thừa nhận xuất phát từ chức năng giáo dục của ngành luật hình sự. Chức năng này sẽ không thể thực hiện được khi truy cứu trách nhiệm hình sự một người mà họ không có lỗi khi thực hiện hành vi phạm tội.
Lỗi tiếng Anh là: “error”.
Nguyên tắc có lỗi tiếng anh là: “error principle”.
3. Quy định về nguyên tắc có lỗi trong luật hình sự:
Nguyên tắc có lỗi được thể hiện trong các quy định về:
– Trước hết, nguyên tắc có lỗi được thể hiện trong định nghĩa về tội phạm tại Khoản 1 điều 8: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…” – người phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự không phải chỉ vì người này có hành vi khách quan có tính gây (hoặc đe dọa gây) thiệt hại cho xã hội mà còn vì họ có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi khách quan đó.
– Giải thích lỗi: Lỗi được hiểu là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Lỗi bao gồm:
+ Lỗi cố ý trực tiếp: là lỗi của người khi thực hiện hành vi, người đó nhận thức õ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (Khoản 1, điều 10
+ Lỗi cố ý gián tiếp: là lỗi của người khi thực hiện hành vi nhận thực rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (Khoản 2, điều 10 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
+ Lỗi vô ý vì quá tự tin là lôi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (Khoản 1 Điều 11, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017)
+ Lỗi vô ý do cẩu thả: là lỗi trong trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước hậu quả đó. (Khoản 2, Điều 11 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
-Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự: Xuất phát từ việc người phạm tội không có lỗi: được ghi nhận trong các điều khoản trong Bộ luật Hình sự, sửa đổi bổ sung 2017
“Điều 20. Sự kiện bất ngờ
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1.Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Điều 23. Tình thế cấp thiết
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
Điều 25. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ
Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên
Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.”
– Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự: Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
– Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (Điều 51)
– Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng (Điều 52)
– Quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm:
Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
– Trong toàn bộ các cấu thành tội phạm cụ thể tại phần các tội phạm, ví dụ:
Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1.Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Điều 131. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ;
b) Tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.
2. Phạm tội làm 02 người trở lên tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm,..