Để người khuyết tật có cơ hội và điều kiện làm việc bình đẳng như những người lao động khác thì pháp luật Việt Nam đã quy định các nguyên tắc cơ bản nào?
Người khuyết tật (NKT) là một lực lượng lao động không nhỏ trong xã hội và họ đòi hỏi phải được bảo vệ bằng luật pháp để đảm bảo quyền bình đẳng tham gia vào các hoạt động của xã hội, trong đó có quyền bình đẳng về việc làm bền vững. Vậy, để NKT có cơ hội và điều kiện làm việc bình đẳng như những người lao động khác thì pháp luật Việt Nam có quy định các nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với NKT trong lĩnh vực việc làm:
Nguyên tắc này xuất phát từ vấn đề quyền con người. NKT cũng là con người nên họ có quyền được đối xử bình đẳng và công bằng như những người khác ở trong mọi lĩnh vực và trong đó có lĩnh vực việc làm. NKT bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận nên có được việc làm đối với họ rất khó khăn. Thực tế hiện nay những người sử dụng lao động không muốn nhận những NKT mặc dù trong luật có quy định bởi vì năng suất lao động của NKT thấp hơn so với người không khuyết tật, hơn nữa trong một số trường hợp sử dụng lao động khuyết tật thì người sử dụng lao động còn phải đầu tư cơ sở vật chất để tạo môi trường làm việc thuận lợi cho NKT. Chính điều này tạo nên sự phân biệt đối xử việc làm giữa NKT và người không khuyết tật. Phân biệt đối xử bao gồm phân biệt đối xử trực tiếp (là sự đối xử không công bằng giữa người lao động khuyết tật và người lao động không khuyết tật được quy định trong luật pháp hoặc các thông lệ thực tiễn gây nên sự khác biệt rõ ràng giữa những người lao động này) và phân biệt đối xử gián tiếp (Là những quy định pháp luật hoặc các thông lệ thực tiễn gián tiếp làm triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng cơ may hoặc đối xử giữa nhưng NKT và người không khuyết tật trên thực tế). Nguyên tắc này đã được tổ chức lao động quốc tết ILO quy định trong Công ước số 111 – Công ước về phân biệt đối xử trong việc làm nghề nghiệp. Nguyên tắc không phân biệt đối xử với người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm thể hiện ở việc người khuyết tật và người không khuyết tật đều được đối xử bình đẳng về việc làm, cơ hộ tìm kiếm việc làm cũng như quá trình duy trì và đảm bảo việc đó.
Thứ hai, nguyên tắc hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý đối với NKT trong lĩnh vực việc làm.
NKT là một trong những đối tượng lao động đặc thù. Do những đặc điểm về thể chất nên họ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm cũng như duy trì việc làm, hơn thế họ cần được làm việc trong một môi trường đặc thù, riêng biệt phù hợp với sức khỏe. Chính vì vậy cần phải có sự hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý cho người khuyết tật có việc làm và có việc làm bền vững, tức là thực hiện quyền việc làm của mình. Để NKT bình đẳng như người khác về cơ hội việc làm cũng như duy trì nó thì cần phải có sự hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý cho NKT để họ có thể tìm kiếm được việc làm và có được việc làm bền vững, được thực hiện quyền việc làm của mình. Đặc biệt là đối với nữ lao động khuyết tật, những người thường phải đối mặt với những bất lợi, khó khăn hơn lao động nam khuyết tật bởi họ còn bị phân biệt đối xử về giới. Những hỗ trợ đặc biệt nhằm tạo cơ hội bình đẳng và đối xử bình đẳng giữa lao động khuyết tật với lao động không khuyết tật không bị coi là phân biệt đối xử mà chỉ là việc làm nhằm tạo điều kiện để NKT được bình đẳng ngang bằng với những người lao động khác, giúp họ tái hòa nhập với cộng đồng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Để việc hỗ trợ, điều chỉnh này được đảm bảo thực thi trên thực tế thì Nhà nước với tư cách là chủ thể quyền lực phải chịu trách nhiệm chình trong việc hỗ trợ, điều chỉnh này. Bản thân NKT cũng phải có những cố gắng nhất định và người sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ một phần. Tuy nhiên sự hỗ trợ điều chỉnh này không có nghĩa tao gánh nặng cho các đơn vị sử dụng lao động có sử dụng lao động là người khuyết tật, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc hộ trợ điều chỉnh nói trên và bản thân người khuyết tật cũng phải có cố gắng nhất định.