Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin cung cấp cho quý khách hàng quy định của pháp luật về nguyên tắc bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin cung cấp cho quý khách hàng quy định của pháp luật về nguyên tắc bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân
1. Phải bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại vật chất đã xảy ra và bù đắp một phần những tổn thất tinh thần bằng một lượng giá trị vật chất nhất định.
Nguyên tắc bồi thường được quy định tại Điều 605 BLDS và hướng dẫn tại mục 2 phần I và mục 3 phần II Nghị quyết 03:
Đây là nguyên tắc chung bao trùm và là một nguyên tắc công bằng, hợp lý, phù hợp với tập quán của nhân dân ta là gây thiệt hại thì phải BTTH. Bồi thường toàn bộ các thiệt hại vật chất là bồi thường ‘toàn bộ’ các thiệt hại vật chất đã xảy ra bao gồm chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại + thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại. Còn bồi thường ‘kịp thời’ là bồi thường đúng lúc người bị thiệt hại đang cần để dùng vào việc hạn chế khắc phục thiệt hại. Do đó, việc bồi thường đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng là rất quan trọng nhằm phát huy tối đa hiệu quả của việc bồi thường.
Những thiệt hại phải bồi thường toàn bộ khi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân là:
(1) Các thiệt hại vật chất: là những tổn thất vật chất cụ thể, có thể cảm nhận được bằng các giác quan, có thể tính toán được bằng tiền:
(i) Các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại: Chi phí phải bỏ ra do xâm phạm thân thể, sức khỏe khi bị làm nhục, bị hiếp dâm, cưỡng dâm…có thể gồm các khoản dành cho việc chữa trị vết thương, do bị truyền bệnh (các khoản thuốc men, khám chữa, viện phí…), chi phí cho việc bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; Chi phí cho việc giám định (sức khỏe, tài liệu…); Phí tổn tàu xe đi lại của nạn nhân (đi giám định, đi khám chữa bệnh, đi theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, xét xử…); Chi phí thu hồi của một ấn phẩm hay đăng lời cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng để khôi phục lại danh dự, nhân phẩm… .
(ii) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút phải là những khoản thu nhập có thực không được suy đoán. Trước khi có hành vi gây thiệt hại họ vẫn có thu nhập bình thường, ổn định – nhưng từ khi có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của họ thì khoản thu nhập đó không còn, hoặc bị giảm sút so với trước. Vì vậy khoản thu nhập bị mất chính là khoản thu nhập không thu được của người bị hại. Khoản thu nhập bị mất đó có thể là: Thu nhập bị mất trong thời gian nạn nhân nằm viện (ví dụ như để điều trị tâm lý do chịu ảnh hưởng từ việc danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm phạm), hoặc sau khi ra viện nhưng vẫn phải nghỉ lao động nên không có thu nhập; Thu nhập bị mất của người thân phải nghỉ lao động đi chăm sóc hoặc thời gian đi tìm nạn nhân (ở các vụ hiếp dâm, làm nhục, mua bán phụ nữ, trẻ em…); Các khoản thu nhập bị mất do bị mất việc làm.
Như vậy khoản thu nhập bị giảm sút chính là khoản chênh lệch trước khi có hành vi gây thiệt hại và sau khi có hành vi gây thiệt hại.
Những thiệt hại chỉ bồi thường một phần khi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân:
Những tổn thất tinh thần có thể gồm:
Sự đau đớn thể xác hoặc mất tự do: Đau đớn về thể xác có thể xảy ra khi nạn nhân đang bị thủ phạm dùng bạo lực tấn công (hiếp dâm, ngược đãi, làm nhục…); Những cơn đau do bệnh tật tạo ra (thủ phạm hiếp dâm..có thể truyền bệnh cho nạn nhân); Sự đau đớn về tinh thần: cảm giác tủi nhục, uất ức, bực bội…ở trạng thái ức chế cao độ có thể gây nên những bất ổn về tâm thần; Mất tự do: có thể do bị tạm giam, bị tù oan..
Thiệt hại do mất khả năng vui chơi, giải trí. Từ các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm gây nên những tổn thương các bộ phận cơ thể làm mất khả năng thực hiện các chức năng bình thường của con nguời, gây nên bệnh tật làm cho họ lo lắng, buồn phiền, suy giảm niềm vui, niềm lạc quan trong cuộc sống. Nếu hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm kéo dài có thể tạo ra sự khủng hoảng, suy sụp về tinh thần có thể đưa đến các trạng thái bệnh lý tâm thần.
Nguyên tắc bồi thường ‘toàn bộ’ và ‘kịp thời’ không làm triệt tiêu nguyên tắc tự định đoạt, tự do thỏa thuận của BLDS. Vì vậy, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường thấp hơn so với thực tế hay lựa chọn các phương thức bồi thường (bằng tiền mặt, thực hiện một công việc…) cho phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của các bên. Tuy nhiên, sự thỏa thuận này phải trên cơ sở tự nguyện, không trái với pháp luật và đạo đức xã hội thì mới có giá trị pháp lý.
Trong trường hợp nhiều người cùng có hành vi gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho một hoặc một số người thì họ cũng chịu trách nhiệm liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người gây thiệt hại được xác định trên cơ sở lỗi của họ. Trong trường hợp không xác định được lỗi của mỗi người thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường bằng nhau cho toàn bộ thiệt hại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2 Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường hoặc không phải bồi thường trong các trường hợp đặc biệt
2.1 Giảm mức bồi thường
Theo quy định tại khoản 2 Điều 605 BLDS và điểm c tiểu mục 2.2 mục 2 phần I của Nghị quyết 03 thì:
“Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình”.
Dưới góc độ lý thuyết thì các hành vi vi phạm pháp luật do lỗi cố ý là thể hiện sự chống đối xã hội cao hơn các hành vi do lỗi vô ý. Do đó nguyên tắc này không đặt vấn đề giảm bồi thường do lỗi cố ý, mà chỉ xem xét giảm bồi thường trong trường hợp người gây thiệt hại do lỗi vô ý. Đây là nguyên tắc cụ thể bổ sung cho nguyên tắc trên nhằm vừa đảm bảo tính khả thi của các quyết định buộc bồi thường, vừa căn cứ và mức độ lỗi để đảm bảo tính hợp lý khi buộc bồi thường.
Khi xem xét thiệt hại có quá lớn so với khả năng kinh tế hay không thì không thể chỉ nhìn vào hoàn cảnh kinh tế, thu nhập hiện tại của đương sự mà phải tính đến khả năng thu nhập về sau này của đương sự. Có những trường hợp ban đầu kẻ vi phạm chỉ có ý định xâm phạm danh dự, nhân phẩm nhưng quá trình diễn biến, kẻ vi phạm đã gây thiệt hại về cả sức khỏe, quyền tự do…thì thiệt hại gây ra càng lớn và mỗi vụ án đều có tình tiết thiệt hại, điều kiện hoàn cảnh của các bên rất khác nhau. Do đó, không thể quy định một mức bồi thường chung cho tất cả các vụ án, mà trách nhiệm của Thẩm phán phải xem xét kỹ từng trường hợp cụ thể.
Người gây thiệt hại và người bị thiệt hại thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thấp hơn thiệt hại, thì ngay cả trong trường hợp lỗi cố ý nhưng có sự thỏa thuận với người bị thiệt hại về mức bồi thường thấp hơn thiệt hại, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội, được
2.2 Không phải bồi thường
Theo quy định tại Điều 617 BLDS thì:
“Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường”.
Những trường hợp đó xác định như sau:
– Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại cho dù lỗi đó là vô ý hay cố ý, mà người gây thiệt hại hoàn toàn không có lỗi thì người gây thiệt hại không phải bồi thường – Việc gây thiệt hại trong tình huống bất ngờ.
– Người gây thiệt hại có lỗi vô ý và người bị thiệt hại cũng có lỗi cố ý trong việc gây ra thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường. Có nghĩa là trong trường hợp, người bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cố ý gây ra thiệt hại này, còn người gây thiệt hại vì lý do nào đó (có thể là do chính người bị thiệt hại lợi dụng để thực hiện mục đích) mà vô ý gây ra thiệt hại.