Khi người sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công; vì mục đích quốc phòng, an ninh thì sẽ được Nhà nước bồi thường. Vậy nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất:
1.1. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất được quy định trong Luật Đất đai 2013:
Điều 74 Luật Đất đai quy định rõ về các nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, cụ thể bao gồm các nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013 thì được bồi thường.
Theo nguyên tắc này, người sử dụng đất đảm bảo các điều kiện về loại đất mà mình đang sử dụng, về chứng nhận quyền đối với đất đó thì sẽ được bồi thường về đất. Nếu không đảm bảo các điều kiện theo pháp luật quy định thì người sử dụng đất sẽ không được bồi thường. Điều kiện để người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường quy định của thể trong Điều 75
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận hoặc hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận mà chưa được cấp, trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật Đất đai 2013;
– Người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thuộc một trong các đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc là đối tượng này có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được Nhà nước cấp;
– Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và phải có Giấy chứng nhận hoặc các đối tượng này có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, có Giấy chứng nhận hoặc đối tượng này có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo các quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, có Giấy chứng nhận hoặc đối tượng này có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo các quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;
– Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà có Giấy chứng nhận hoặc đối tượng này có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo các quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;
– Tổ chức nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp cho cơ quan nhà nước, tiền nhận chuyển nhượng đã trả mà không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;
– Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và phải có Giấy chứng nhận hoặc có đủ các điều kiện để cấp Giấy chứng nhận theo các quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp;
– Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất với mục đích để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê; cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, phải có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà chưa được cấp.
Nguyên tắc 2: Việc bồi thường đất khi nhà nước thu hồi đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất Nhà nước thu hồi, nếu không có đất để bồi thường cho người bị thu hồi đất thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất Nhà nước thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Nguyên tắc 3: Việc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và buộc phải đúng quy định của pháp luật.
1.2. Nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất được quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi Luật Đất đai 2013):
Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi Luật Đất đai 2013 có các quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, các nguyên tắc này được quy định qua Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bao gồm:
Nguyên tắc 1: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này thì sẽ được bồi thường.
Nguyên tắc 2: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm được người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Nguyên tắc 3: Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất đã thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất đã thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định ngay tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Nguyên tắc 4: Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất đã bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc là nhà ở nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở.
Nguyên tắc 5: Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.
Nguyên tắc 6: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và phải đúng với các quy định của pháp luật.
Có thể thấy, nguyên tắc trong việc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất được quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn, sẽ giúp cho người dân an tâm ổn định cuộc sống khi nhà nước thu hồi đất.
2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất:
Điều 88 Luật Đất đai 2013 quy định rõ các nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất, cụ thể như sau:
Nguyên tắc 1: Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.
Nguyên tắc 2: Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.
Việc pháp luật quy định như vậy là vô cùng chặt chẽ bởi lẽ, khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất của chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền trên đất, tổ chức hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh chính là các chủ thể phải chịu thiệt hại trực tiếp liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do đó, pháp luật quy định như vậy nhằm tăng thêm sự chặt chẽ, tránh tình trạng có những đối tượng lợi dụng, dù không bị thiệt hại nhưng vẫn đòi bồi thường.
3. Nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất:
Điều 82 Luật Đất đai 2013 quy định rõ về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, cụ thể bao gồm những nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo những quy định của Luật Đất đai 2013 (những bồi thường đã nêu trên) còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ, bao gồm các khoản hỗ trợ sau:
– Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;
– Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của các hộ gia đình, của những cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà họ phải di chuyển chỗ ở;
– Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, của người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.
Nguyên tắc 2: Việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai 2013;
– Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi Luật Đất đai 2013).