Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm 5 chế độ: chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Quỹ BHXHBB chia thành 3 quỹ: quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và quỹ hưu trí - tử tuất
Mục lục bài viết
1. Quy định về nguồn hình thành quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam gồm 5 chế độ là chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Để việc quản lý được hiệu quả, quỹ BHXHBB được chia thành 3 quỹ thành phần là quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp và quỹ hưu trí – tử tuất. Theo quy định của pháp luật, quỹ BHXHBB là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của NLĐ, NSDLĐ và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo quy định tại Điều 82 Luật BHXH 2014 các nguồn hình thành quỹ BHXHBB gồm: (i) Người sử dụng lao động đóng; (ii) Người lao động đóng; (ii) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ; (iv) Hỗ trợ của Nhà nước; (v) Các nguồn thu hợp pháp khác. Trách nhiệm đóng góp hình thành quỹ BHXHBB được pháp luật quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành.
1.1. Người sử dụng lao động đóng góp quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Pháp luật tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có quy định mọi NSDLĐ phải có trách nhiệm đóng góp hình thành quỹ BHXHBB, để bảo đảm đời sống cho NLĐ và gia đình họ khi NLĐ được hưởng quyền lợi về BHXHBB do pháp luật quy định. | NSDLĐ là chủ thể hưởng lợi trực tiếp từ quá trình lao động của NLĐ. Sức lao động của NLĐ kết tinh trong mỗi sản phẩm, dịch vụ được tạo ra và mang đến lợi nhuận cho NSDLĐ. Do vậy, NSDLĐ có một phần trách nhiệm trong việc bảo vệ sức lao động đó. Ngoài ra, việc đóng góp một phần quỹ BHXHBB cho NLĐ cũng giúp cho NSDLĐ tránh những thiệt hại lớn khi có những sự cố xảy ra như đình trị sản xuất, đào tạo lại lao động hay khi có rủi ro xảy ra với NLĐ. Ở quy mô rộng lớn hơn, việc tham gia BHXHBB từ phía NSDLĐ góp phần giảm bớt sự căng thẳng trong mối quan hệ vốn chứa đựng đầy những mâu thuẫn, tranh chấp giữa họ và NLĐ.
NSDLĐ tham gia BHXHBB bao gồm cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động [31, Điều 2]. Quy định này cho thấy chế độ BHXHBB được áp dụng cho tất cả các chủ thể tham gia vào quan hệ lao động với tư cách là NSDLĐ, không có sự phân biệt giữa cá nhân và tổ chức, giữa khu vực kinh tế tư nhân hay nhà nước và giữa các tổ chức Việt Nam và nước ngoài. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho mọi NLĐ, bất kể giao kết hợp đồng lao động với NSDLĐ nào, cũng có quyền được NSDLĐ đóng BHXHBB. Các quy định này đặt ra nghĩa vụ đóng góp của đông đảo số lượng NSDLĐ, là cơ sở hình thành nguồn quỹ BHXHBB ổn định nhằm đáp ứng các mục tiêu an sinh xã hội ngắn và dài hạn.
Nghĩa vụ tham gia BHXHBB của NSDLĐ cũng được quy định chi tiết cụ thể. NSDLĐ có trách nhiệm đóng BHXHBB khi sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXHBB từ quỹ tiền lương đóng BHXH bằng 17,5% tiền lương của NLĐ. Trong số đó, 3% được đóng góp vào quỹ ốm đau và thai sản, 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất và 0,5% vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh các quy định về mức đóng BHXHBB áp dụng chung cho mọi đối tượng NSDLĐ, pháp luật BHXH còn đề cập đến một số trường hợp NSDLĐ trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được đóng với mức 0.3% trên mức lương cơ sở (thấp hơn so với quy định nói trên). Để hưởng chế độ ưu đãi trên, Nghị định 58/2020/NĐ–CP đã quy định những điều kiện cụ thể mà doanh nghiệp cần thỏa mãn như sau: (i) Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội; (ii) Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất; (iii) Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất”. Các quy định trên nhằm khuyến khích NSDLĐ tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, từ đó góp phần giảm thiểu rủi ro cho NLĐ khi làm việc.
Mức đóng góp của NSDLĐ trong một số trường hợp đặc biệt cũng được pháp luật BHXH đề cập đến nhằm khuyến khích mọi đối tượng tham gia và được hưởng lợi từ hệ thống BHXHBB. Theo đó, đối với NLĐ là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, NSDLĐ hàng tháng phải đóng mức BHXHBB như sau: 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXHBB khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với NSDLĐ tại Việt Nam cũng là đối tượng tham gia BHXHBB tại Việt Nam (6 chế độ: ốm đau, thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất). Theo đó, đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, NSDLĐ phải đóng: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 08/NQ–CP quy định về các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID–19. Ngày 24/9/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 116/NQ–CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid–19 từ quỹ BHTN. Theo đó, việc đóng | bảo hiểm vào quỹ TNLĐ – BNN, quỹ hưu trí – tử tuất, quỹ BHTN sẽ được giảm hoặc tạm dừng đóng trong khoảng thời gian từ 01/07/2021 đến 30/06/2022.
Các quy định về đối tượng tham gia BHXHBB đã bao gồm gần như toàn bộ NLĐ có quan hệ lao động theo pháp luật hiện hành. Các mức đóng BHXHBB được xác định một cách linh hoạt, vừa góp phần tạo cơ chế bảo đảm các quyền an sinh xã hội cho NLĐ, vừa tạo động lực khuyến khích NSDLĐ tuân thủ quy định pháp luật để thụ hưởng các chế độ ưu đãi. Ngoài ra, trong các giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, các quy định pháp luật cũng đã góp phần giảm bớt chi phí cho NSDLĐ. Trong thời điểm xã hội có nhiều biến động dịch Covid) thì Nhà nước cũng đã có những thay đổi, điều chỉnh hợp lý thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này
1.2. Người lao động đóng góp vào quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Đây là nguồn tài chính quan trọng để hình thành quỹ BHXHBB, hầu như các nước trên thế giới đều quy định mọi NLĐ khi tham gia BHXHBBđều phải có trách nhiệm đóng góp một phần thu nhập của mình vào quỹ BHXHBB, đây chính là sự “tiết kiệm bắt buộc” của mọi NLĐ khi họ còn có khả năng lao động, còn có thu nhập để bù đắp cho chính mình khi gặp phải rủi ro làm giảm hoặc mất khả năng lao động, mất việc làm tạm thời hoặc chết. Có thể nói rằng, NLĐ đóng góp một phần vào quỹ BHXHBB là để đảm bảo cho chính mình trong trường hợp gặp phải rủi ro ngoài ý muốn và đảm bảo cho cuộc sống của mình khi về già, bên cạnh đó còn có ý nghĩa ràng buộc nghĩa vụ và quyền lợi của họ một cách chặt chẽ.
Đối tượng tham gia BHXHBB:
Đối tượng tham gia BHXHBB được quy định rất cụ thể tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật BHXH 2014. Theo đó NLĐ tham gia vào quan hệ lao động, được hưởng tiền lương trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc NLĐ Việt Nam đi lao động tại nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt nam đều phải tham gia BHXHBB. Cụ thể như sau: “Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: (1) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; (2) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; (3) Cán bộ, công chức, viên chức; (4) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; (5) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; (6) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viện quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; (7) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: (8) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; (9) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.”.
Mức đóng và phương thức đóng BHXHBB được quy định tại Điều 85 Luật BHXH năm 2014 và tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 595/QĐBHXH. Mức đóng của từng nhóm đối tượng NLĐ cũng có sự khác biệt nhất định.
– Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động, Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018), Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức, Công nhận quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu đối với trường hợp BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân bàn giao cho BHXH tỉnh, Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn hàng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
– NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề, người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo hợp đồng cá nhân hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với NLĐ đã có quá trình tham gia BHXHBB đóng hàng tháng bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với NLĐchưa tham gia BHXHBB hoặc đã tham gia BHXHBB nhưng đã hưởng BHXH một lần.
– Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ trước đó đối với NLĐ đã có quá trình tham gia BHXHBB; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ chưa tham gia BHXHBB hoặc đã tham gia BHXHBB nhưng đã hưởng BHXH một lần.
– NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXHBB khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với NSDLĐ tại Việt Nam. Trường hợp NLĐ di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ–CP ngày 03/02/2016 và khoản 1 Điều 187 BLLĐ thì không thuộc đối tượng tham gia BHXHBB. | Tương tự như đối với NSDLĐ, đối với trường hợp NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng phải đóng BHXHBB tương đương 8% mức tiền lương. | Trong thời gian đại dịch Covid, Nhà nước cũng đã có những điều chỉnh kịp thời, giảm mức đóng cho NLĐ, hỗ trợ NLĐ vượt qua thời điểm khó khăn của đại dịch.
1.3. Tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội:
Quỹ BHXHBB là một nguồn quỹ tài chính lớn và thường có kết dư lớn, do vậy, nhằm mục đích gia tăng quỹ một cách an toàn, quy định pháp luật cho phép sử dụng số dư tạm thời nhàn rỗi của quỹ BHXHBB để đầu tư. Đầu tư là một hoạt động hợp pháp của quỹ BHXHBB được pháp luật điều chỉnh. Nội dung này sẽ được phân tích cụ thể và chi tiết ở các mục dưới đây. Các nguồn lợi phát sinh từ hoạt động này được coi là tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư của quỹ BHXHBB và góp phần làm gia tăng quỹ.
1.4. Nguồn hỗ trợ của Nhà nước:
Nguồn hỗ trợ của Nhà nước được coi là một trong các nguồn bảo đảm cho quỹ BHXHBB. Đây là một nguồn quan trọng thể hiện sự khác biệt của quỹ BHXHBB với các quỹ bảo hiểm thương mại khác, ở đó, Nhà nước vẫn đóng vai trò là một chủ thể tham gia hình thành quỹ. Hiện nay, các quy định pháp luật chưa đề cập rõ mức hỗ trợ cũng như phương thức hỗ trợ của Nhà nước vào quỹ BHXHBB.
Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước trong việc hình thành nguồn quỹ BHXHBB thể hiện ở các khoản kinh phí từ ngân sách chuyển vào quỹ BHXHBB nhằm thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT cho các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trước ngày 1/1/1995 bao gồm: “a) Lương hưu; b) Trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; c) Trợ cấp công nhân cao su; trợ cấp hằng tháng đối với người hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động; d) Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; đ) Cấp tiền để mua phương tiện trợ giúp, dụng
cụ chỉnh hình; e) Trợ cấp tuất; g) Trợ cấp mai táng; h) Đóng bảo hiểm y tế theo chế độ; i) Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động; k) Phụ cấp khu vực; 1) Chi phí chi trả”[8, Điều 27]. Như vậy, với hình thức đóng BHXHBB cho một số đối tượng chính sách, Nhà nước cũng góp một phần vào quá trình hình thành nguồn quỹ BHXHBB.
1.5. Các nguồn thu hợp pháp khác:
Bên cạnh những nguồn đóng góp định kỳ thường xuyên trên, quỹ BHXHBB còn gia tăng nhờ các nguồn thu hợp pháp khác như các khoản nộp phạt của tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BHXH, nguồn thu từ các nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế, trong nước, giá trị tài sản của quỹ được định giá lại theo quy định của pháp luật. Từ sự tìm hiểu các nguồn hình thành quỹ BHXH, nếu xét trên góc độ phân phối các nguồn lực tài chính của toàn bộ nền kinh tế thì thấy rằng quỹ BHXHBB được hình thành từ kết quả của cả hai quá trình phân phối lần đầu và phân phối lại thu nhập quốc dân. Đây là một đặc điểm đặc thù của quỹ BHXHBB so với những quỹ tiền tệ khác trong hệ thống tài chính quốc gia. Các nguồn thu này tuy không thường xuyên nhưng cũng góp phần vào sự gia tăng và phát triển của quỹ.
Về cơ bản, 5 nguồn thu nói trên đã bao quát toàn bộ các nguồn thu cho quỹ BHXHBB. Trong đó, theo đánh giá chủ quan của tác giả thì nguồn quan trọng nhất là sự đóng góp của NLĐ và NSDLĐ bởi lẽ cộng tác đầu tư của quỹ BHXHBB còn thận trọng, hiệu quả chưa cao trong khi đó nguồn hỗ trợ, viện trợ của Nhà nước và các cá nhân, tổ chức khác còn hạn chế.
2. Quy định về quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Quỹ BHXHBB được quản lý thống nhất, dân chủ và công khai theo chế độ tài chính của Nhà nước, hạch toán độc lập và được Nhà nước bảo hộ. Việc quản lý quỹ BHXHBB gồm hai mặt là quản lý Nhà nước về BHXH và quản lý sự nghiệp BHXH. Hai nội dung này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng lại có các đặc tính khác nhau và do các cơ quan khác nhau đảm nhiệm.
Về quản lý nhà nước đối với hoạt động BHXH: đây là quá trình nhà nước sử dụng quyền lực của mình tác động và điều chỉnh vào các quan hệ hoạt động BHXH nhằm đảm bảo cho hoạt động BHXH diễn ra theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của BHXH.
Việc quản lý Nhà nước về BHXH do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan của Chính phủ đảm nhận và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện quản lý. Theo quy định của pháp luật, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có những nhiệm vụ xây dựng và trình ban hành pháp luật về BHXH; ban hành các văn bản pháp quy về BHXH thuộc thẩm quyền; tuyên truyền, phổ biến, chế độ, chính sách pháp luật về BHXH; tổ chức thực hiện chiến lược, chế độ, chính sách về BHXH đến việc tổ chức bộ máy thực hiện cũng như thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH. Vụ BHXH là vụ chức năng giúp Bộ Lao động – thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về BHXH.
Bên cạnh đó, việc quản lý Nhà nước về BHXH còn được thực hiện bởi bộ, cơ quan ngang bộ khác như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ nội vụ... trong phạm vi, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về BHXH, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về BHXH trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ [31, Điều 8].
Như vậy, việc quản lý nhà nước về BHXH được phân bổ cho các cấp và ngành chức năng quản lý trong phạm vi quyền hạn và địa phương tương ứng. Đây là cơ chế hợp tác giữa các cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo việc quản lý nhà nước được hiệu quả.
Về quản lý sự nghiệp BHXH: BHXH Việt Nam là một tổ chức có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập và được Nhà nước bảo hộ. BHXH Việt Nam đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, sự quản lý Nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, sự giám sát của tổ chức công đoàn. Việc quản lý sự nghiệp BHXH do BHXH Việt Nam, đơn vị sự nghiệp thuộc Chính phủ, quản lý và thực hiện các chế độ BHXH; thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH.
Ở Việt Nam, cơ quan quản lý cao nhất của BHXH là Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam. Hội đồng quản lý BHXH được tổ chức ở cấp quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát hoạt động của cơ quan BHXH và tư vấn chính sách BHXH, BHYT và BHTN. | Hội đồng quản lý BHXH gồm đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tổ chức đại diện NSDLĐ, cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam và tổ chức khác có liên quan. Hội đồng quản lý BHXH có nhiệm vụ chỉ đạo và giám sát, kiểm tra việc thu chi, quản lý quỹ; quyết định các biện pháp để bảo tồn giá trị và tăng trưởng quỹ BHXH; thẩm tra quyết toán và thông qua dự toán hằng năm; kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có liên quan bổ sung, sửa đổi các chính sách, chế độ BHXH; giải quyết các khiếu nại của người tham gia BHXH; đề xuất việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các thành viên Ban lãnh đạo BHXH Việt Nam.
Về hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về quỹ BHXH:
Nghị định 21/2016/NĐ–CP quy định cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng các quỹ BHXHBB là BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung chủ yếu của hoạt động thanh tra, kiểm tra về đóng các quỹ BHXHBB là (i) Đối tượng đóng; (ii) Mức đóng; (iii) Phương thức đóng. Cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về đóng BHXHBB phải chịu hình phạt hành chính chủ yếu là phạt tiền theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ–CP. Bên cạnh đó, cá nhân tổ chức vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như truy nộp số tiền, nộp tiền lãi... Trường hợp cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục tái phạm thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 Bộ luật hình sự 2015.