Người khó khăn về nhận thức có được lập di chúc. Quy định của pháp luật về điều kiện để lập di chúc, di chúc hợp pháp.
Tóm tắt câu hỏi:
Người mất năng lực hành vi, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi có quyền lập di chúc không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Trong nội dung câu hỏi bạn có đề cập đến một đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do đó chúng tôi hiểu rằng bạn đang đề cập đến các quy định của Bộ luật dân sự 2015 (bắt đầu có hiệu lực 01/01/2017) (“Bộ luật dân sự 2015” chưa có đối tượng này). Các quy định của Bộ luật dân sự 2015 về vấn đề lập di chúc như sau:
“Điều 625. Người lập di chúc
1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
…”
Người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hay người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đều là người thành niên do đó nếu có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự thì đều có quyền lập di chúc. Trong 2 điều kiện đó, chúng ta chỉ xét đến vấn đề mấu chốt là điều kiện chủ quan (người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt) mà không xét đến điều kiện khách quan (không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép). Cụ thể với từng đối tượng, pháp luật quy định như sau:
Thứ nhất, người mất năng lực hành vi dân sự
“Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan,
Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.…”
Người mất năng lực hành vi dân sự là người không thể nhận thức, làm chủ được hành vi nên không thể đáp ứng điều kiện minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc. Do đó, người mất năng lực hành vi dân sự không thể lập di chúc.
Thứ hai, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
“Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”
Như vậy, Bộ luật dân sự 2015 không trực tiếp ghi nhận như thế nào là chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự song cũng trong bộ luật này, có quy định như sau:
“Điều 46. Giám hộ
…
2. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.”
Theo tinh thần của điều này, ta có thể hiểu rằng, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là đối tượng “lúc tỉnh, lúc mê”. Do đó, nếu người đó đáp ứng được yêu cầu minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc thì họ vẫn có quyền lập di chúc.
>>> Luật sư
Thứ ba, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
“Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự
1.Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
…”
Theo đó, có thể hiểu rằng việc tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là nhằm ngăn chặn việc người này phá tán tài sản gia đình, không liên quan đến vấn đề khả năng nhận thức của người đó. Do đó, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đáp ứng được yêu cầu minh mẫn sáng suốt trong quá trình lập di chúc cũng có quyền lập di chúc.