Người khác sử dụng giấy tờ đã làm mất thực hiện hành vi trái luật xử lý thế nào? Có phải thông báo khi làm mất chứng minh nhân dân và bằng lái xe không?
Người khác sử dụng giấy tờ đã làm mất thực hiện hành vi trái luật xử lý thế nào? Có phải thông báo khi làm mất chứng minh nhân dân và bằng lái xe không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em chào luật sư. Cách đây 1 năm em có làm mất chứng minh nhân dân và bằng lái xe A1 nhưng không báo mất giấy tờ cho cơ quan công an, nếu có ai đó nhặt được và sử dụng giấy tờ trái pháp luật liệu em có bị liên đới không ạ? Vì chữ kí của em chỉ mỗi tên em, không có chữ kí riêng ạ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo bạn trình bày, bạn bị mất chứng minh nhân dân và bằng lái xe A1 cách đây một năm, nhưng bạn không thông báo mất với cơ quan có thẩm quyền. Nếu có người khác sử dụng chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe của bạn thực hiện hành vi trái pháp luật thì căn cứ Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 9. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân;
…
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
b) Tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân;
c) Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật."
Như vậy, nếu có người khác sử dụng chứng minh nhân dân của bạn không được sự đồng ý của bạn thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật thì người đó sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Ngoài ra, nếu việc người kia thực hiện các giao dịch dân sự mà sử dụng chứng minh nhân dân của bạn mà không được sử đồng ý của bạn thì theo Điều 145 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
"Điều 145. Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện
1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời hạn ấn định; nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, nhưng người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện.
2. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch."
Nếu các giao dịch dân sự do người kia xác lập không được sự đồng ý của bạn sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với bạn. Do vậy, trong trường hợp của bạn nếu bạn không đồng ý hoặc không biết việc sử dụng chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe của mình thì bạn sẽ không có trách nhiệm phải liên đới chịu trách nhiệm.
Còn việc bạn bị mất chứng minh nhân dân, bạn cần phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc bị mất chứng minh nhân dân và làm thủ tục xin cấp lại chứng minh nhân dân theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP về cấp, đổi lại chứng minh thư nhân dân.
Về thủ tục xin cấp lại chứng minh thư nhân dân: Trong trường hợp này, bạn làm thủ tục xin cấp lại chứng minh thư nhân dân tại cơ quan công an cấp huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Căn cứ tại Điều 6 Nghị định 05/1999/NĐ-CP về chứng minh thư nhân dân và mục 2 Nghị định 170/2007/NĐ-CP thì bạn cần nộp các giấy tờ sau đây:
– Đơn trình bày nêu rõ lý do xin cấp lại chứng minh nhân dân và đơn này phải có xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi thường trú.
– Xuất trình hộ khẩu thường trú;
– Chụp ảnh;
– In vân tay hai ngón trỏ;
– Khai tờ khai xin cấp Chứng minh nhân dân;
– Nộp lệ phí.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 106/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ quy định như sau:
“Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định tại Điểm a, b trên đây, cơ quan Công an phải làm xong Chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất, thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân tại thành phố, thị xã là không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.”
Trường hợp của bạn để được cấp lại chứng minh nhân dân bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và thực hiện đúng các trình tự nêu trên.