Theo pháp luật hiện hành, cá nhân tổ chức hoàn toàn có quyền định đoạt quyền sở hữu đất hợp pháp của mình để chuyển nhượng, tặng cho, hoặc thừa kế theo đúng quy định. Vậy, người dân có được hiến đất để xây dựng đình, chùa không? Thực hiện việc hiến đât để xây dựng đình chùa thì phải làm gì?
Mục lục bài viết
1. Người dân có được hiến đất để xây dựng đình, chùa không?
1.1. Đất cơ sở tôn giáo được hiểu như thế nào?
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng chung sống đoàn kết trên toàn bộ lãnh thổ đất nước. Mỗi một dân tộc có tín ngưỡng, tôn giáo riêng nhưng không hề có sự xung đột hoặc kỳ thị nhau. Nhu cầu xây dựng cơ sở tôn giáo của người dân cũng ngày càng phổ biến hơn chính vì vậy Nhà nước luôn tạo điều kiện và tôn trọng nhu cầu chính đáng này. Liên quan đến đất đê xây dựng cơ sở tôn giáo thì đã được giải thích như sau:
– Đất cơ sở tôn giáo bao gồm các loại đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo. Tất cả địa điểm này đều hoạt động một cách hợp pháp, được chính quyền, nhà nước cho phép hoạt động;
– Diện tích đất để được giao cho cơ sở tôn giáo phải được thực hiện đúng thẩm quyền, không phải bất kỳ ai cũng được đưa ra quyết định này. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo. (Căn cứ theo Điều 159, Luật Đất đai 2013).
1.2. Quyền của người dân trong việc hiến đất để xây dựng đình, chùa:
Diện tích đất được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo quy định phải được giao theo đúng hạn mức nhất định. Những loại đất có thể kể đến như đất nông nghiệp; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế. Khi đã được giao đất, đất thuộc sở hữu của người dân thì cá nhân hộ gia đình có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013, sau đây:
– Quyền và nghĩa vụ chung của người sử dụng đất theo quy định;
– Nếu có nhu cầu chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác thì phải được chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Cá nhân, hộ gia đình được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
– Chủ sở hữu hợp pháp đất đai có quyền cho thuê quyền sử dụng đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam;
– Chủ thể hoàn toàn có quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình cho cá nhân, tổ chức khác thông qua bản di chúc hoặc chia theo pháp luật; Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật;
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở mà nhận được di sản thừa kế từ người khac để lại thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; Trong trường hợp không được sở hữu nhà ở thì phần quyền đó được quy đổi thành giá trị để được hưởng phần thừa kế đó;
– Cá nhân, hộ gia đình có thể dùng đất của mình đem tặng cho với bất kỳ đối tượng nào, có thể là cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; tặng cho để xây dựng nhà tình nghĩa gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; tặng cho quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam;
– Hoạt động thế chấp quyền sử dụng đất cũng được Nhà nước cho phép nếu thực hiện việc thế chấp này tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;
– Xét trên thực tế, nhu cầu góp vốn bằng quyền sử dụng đất ngày càng phổ biến hơn, đây cũng là việc làm hợp pháp nên các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể sử dụng biện pháp này để hỗ trợ quá trình sản xuất, kinh doanh;
– Đối với trường hợp đất nằm trong diện thu hồi vì các dự án mà Nhà nước đã lập ra thì chủ sở hữu có quyền tự đầu tư trên đất hoặc thông qua chủ đầu tư dự án để cho thuê quyền sử dụng đất, Ngoài ra, có thể thực hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ.
Với nội dung đã phân tích, người dân có quyền tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Đồng nghĩa với việc, người dân cũng không bị giới hạn quyền của mình khi hiến đất để xây dựng cơ sở tôn giáo là đình, chùa.
2. Điều kiện để hiến đất đất xây dựng đình, chùa:
Như đã biết, Nhà Chùa cũng được coi là cơ sở tôn giáo vào chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai về các quy định liên quan đến nhận quyền sử dụng đất của cơ sở tôn giáo. Theo quy định tại Điều 169 thì quá trình nhận quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định như sau:
– Đối tượng được Nhà nước giao đất có thể kể đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Chủ thể này hoàn toàn có quyền được nhận quyền sử dụng đất để sử dụng hoặc làm những việc mà pháp luật không cấm; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;
– Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng ổn định;
– Với những tranh chấp liên quan đến đất đai đã được hòa giải thành tại cơ quan có thẩm quyền thì cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai. Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ công nhận việc giao đất cho chủ thể này; hoặc đất được giao thông qua quyết định giải quyết tranh chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành;
Đồng thời, Điều 102 – Luật Đất đai 2013 có quy định các điều kiện để cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất như sau:
– Các cơ sở tôn giáo hoạt động trên khi được Nhà nước cho phép hoạt động và nằm trong sự giám sát từ cơ quan quản lý từ địa phương;
– Đất đai được giao cho các chủ thể không có tranh chấp;
– Đất không nằm trong trường hợp là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01 tháng 7 năm 2004.
Như vậy, để được nhận quyền sử dụng đất thì cơ sở tôn giáo phải đảm bảo một số điều kiện nhất định và phải thông qua hình thức nhất định: được nhà nước giao đất, được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai của cơ quan có thẩm quyền.
Cá nhân, hộ gia đình có quyền hiến đất để xây dựng đình chùa nhưng không thể tự ý chuyển nhượng hoặc tặng cho trực tiếp đất cho chùa để xây dựng cơ sở vật chất.
Nếu muốn hiến đất để xây dựng đình, chùa thì người dân làm đơn hiến đất gửi đến UBND để xem xét nguyện vọng hiến đất với mục đích xây dựng cơ sở tôn giáo, sau khi xem xét nguyện vọng và không gây ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất và tình hình thực tế tại địa phương thì Nhà nước sẽ phê duyệt hồ sơ tự nguyện trả đất để hiến tặng cho cơ sở tôn giáo. Việc hiến đất phải được thực hiện theo từng bước nhất định như làm thủ tục thu hồi đất của người hiến tặng và thực hiện giao đất đã thu hồi cho cơ sở tôn giáo sử dụng.
3. Thủ tục việc hiến đất để xây dựng đình chùa:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tự nguyện trả lại đất
Hiện nay, Hộ gia đình và cá nhân muốn làm thủ tục trả đất tự nguyện thì cần chuẩn bị giấy tờ được hướng dẫn tại Điều 65 Luật Đất đai 2013 như sau:
Người sử dụng đất làm văn bản trả lại đất và trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tùy từng đối tượng có nhu cầu làm đơn thu hồi đất thì Uỷ ban nhân dân huyện/tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết.
Bước 2: Xem xét yêu cầu thu hồi
Khi tiếp nhận đơn yêu cầu thu hồi Ủy ban nhân dân tỉnh/ huyện xem xét và căn cứ vào văn bản trả lại đất của người sử dụng đất và các giấy tờ người sử dụng đất nộp kèm theo để xem xét từ đó ra quyết định thu hồi nếu đủ điều kiện.
Bước 3: Làm hồ sơ xin giao đất
Đến bước này, cơ sở tôn giáo trực tiếp làm hồ sơ xin giao đất mà người dân đã hiến tặng. Hồ sơ được nộp tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 4: Cơ sở tôn giáo nhận quyết định giao đất
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Luật Đất đai 2013.