Quy định của pháp luật về người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự như sau.
Quy định của pháp luật về người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự như sau:
1 Căn cứ phát sinh:
Người đại diện theo pháp luật được quy định trong BLDS là người đại diện theo pháp luật tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật ( khoản 2 điều 73 BLTTDS).
Những người đại diện theo pháp luật của đương sự gồm: cha, mẹ của con chưa thành niên; người giám hộ của người được giám hộ; người đứng đầu cơ quan, tổ chức; chủ hộ gia đình và cá nhân tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
2 Phạm vi tham gia tố tụng
Đối với trường hợp đại diện theo pháp luật cho đương sự là cá nhân thì đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng khi đương sự là người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Người đại diện theo pháp luật của đương sự sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự mà mình đại diện. Như vậy, phạm vi tham gia tố tụng của đại diện theo pháp luật của đương sự không bị hạn chế trong các loại việc.
3 Quyền và nghiã vụ của người đại diện theo pháp luật
Pháp luật tố tụng dân sự quy định:
“Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự mà mình đại diện ’’ (khoản 1 điều 74 BLTTDS 2004 ).
4 Những trường hợp không được làm người đại diện theo pháp luật
Ngoài những người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự thì còn có một số trường hợp không được làm người đại diện theo pháp luật của đương sự do thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 75 BLTTDS 2004:
“1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ án với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án’’.
Pháp luật quy định những trường hợp loại trừ như trên nhằm mục đích hạn chế việc người đại diện theo pháp luật của đương sự lợi dụng những quyền lợi, nghĩa vụ pháp luật trao cho mình để trục lợi, thực hiện những hành vi có thể đem lại hậu quả bất lợi cho đương sự mà mình đại diện…
5 Chấm dứt đại diện và hậu quả pháp lý
Tùy thuộc vào tính chất của mỗi loại đương sự được đại diện mà căn cứ chấm dứt đại diện lại khác nhau. Theo quy định tại điều 77 BLTTDS 2004 thì:
“Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định tại Bộ luật dân sự ’’
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ nhất, đối với đại diện theo pháp luật của đương sự là cá nhân, quan hệ đại diện sẽ chấm dứt khi:
Người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục. Khi đó, người đại diện đã đầy đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ để tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng và có khả năng tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi của mình. Do đó, quan hệ đại diện không cần thiết tiếp tục tồn tại.
Người được đại diện hoặc người đại diện chết, khi một người chết sẽ làm chấm dứt tư cách chủ thể mọi quan hệ pháp luật của họ, trong đó có quan hệ đại diện
Người đại diện mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này người đại diện không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình nên cũng không thể làm người đại diện theo pháp luật của đương sự
Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Thứ hai, đối với đại diện theo pháp luật của đương sự là pháp nhân, quan hệ đại diện sẽ chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt. Pháp nhân chám dứt khi pháp nhân hợp nhất, sáp nhập, chia, giải thể hoặc tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật phá sản. Khi đó, quan hệ đại diện theo pháp luật của cá nhân đương nhiên sẽ không còn tồn tại.
Việc chấm dứt đại diện theo pháp luật của đương sự sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý như sau:
“ Trong trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật mà người được đại diện đã thành niên hoặc đã khôi phục năng lực hành vi dân sự thì người đó tự mình tham gia tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự theo thủ tục do Bộ luật này quy định” ( khoản 1 điều 78 BLTTDS 2004).