Người chuyển giới có được làm lại giấy khai sinh, giấy tờ không? Người chuyển giới có được đăng kí kết hôn hay không?
Người chuyển giới có được làm lại giấy khai sinh, giấy tờ không? Trình tự thử tục làm lại giấy khai sinh, giấy tờ như thế nào? Người chuyển giới có được kết hôn đồng giới hay không? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được công ty Luật Dương gia giải đáp trong bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự 2015
– Luật hộ tịch 2014
Mục lục bài viết
1. Người chuyển giới có được làm lại giấy khai sinh, giấy tờ không?
– Người chuyển giới là thuật ngữ miêu tả người có suy nghĩ, cảm nhận về giới của bản thân không trùng với cơ thể sinh học của họ khi sinh ra. Ví dụ: một người chuyển giới được nhận diện là nữ trong khi bẩm sinh có cơ quan sinh dục nam trải qua quá tình phẫu thuật đã có bộ phận sinh dục nữ.
– Người chuyển giới có quyền xác định lại giới tính của mình căn cứ theo Điều 36 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật
3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”
– Sau khi đã được chuyển đổi giới tính, công dân có quyền và nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, đổi lại chứng minh nhân dân (căn cước công dân) để phù hợp với giới tính đã được đổi (theo Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015)
– Ngoài ra công dân cũng có quyền thay đổi tên căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
[…] e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính; […]”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì sau khi đã thực hiện chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ thay đổi làm lại giấy khai sinh, giấy tờ. Đăng ký lại giới tính thật của mình, thay đổi tên cho phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi và họ sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại.
2. Thủ tục cải chính Hộ tịch đối với người chuyển giới:
Căn cứ theo Điều 26, Điều 27,Điều 28 Luật hộ tịch 2014 quy định về phạm vi thay đổi hộ tịch, thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch và nội dung này được hướng dẫn bởi Mục 4 CHương II Thông tư 04/2020/TT-BTP
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm có:
– Tờ khai đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch (theo mẫu)
– Giấy tờ làm căn cứ thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch
– Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch (bản chính)
– Trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch thì cần phải có văn bản ủy quyền
Bước 2: Nộp hồ sơ
– Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây; nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi; cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
– Sau khi tiếp nhận hồ sơ người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận và phải ghi rõ ngày, giờ trả kết quả. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người nộp bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Bước 3: Trả kết quả
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
– Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
– Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc
3. Người chuyển giới có được đổi thẻ Căn cước công dân khi chuyển đổi giới tính hay không?
Điều 23 Luật căn cước công dân 2014 quy định về các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
“1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
e) Khi công dân có yêu cầu.
2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;
b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.”
Theo đó, trong trường hợp chuyển giới thì người chuyển giới có thể làm thủ tục xin cấp lại căn cước công dân.
– Thủ tục cấp lại thẻ căn cước công dân được thực hiện như sau:
+ Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;
+ Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Căn cước công dân 2014 kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.
+ Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;
+ Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;
+ Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật Căn cước công dân 2014 ; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
+ Trường hợp đổi thẻ căn cước công dân do thay đổi thông tin về giới tính mà chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân nộp bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin này.
4. Người chuyển giới có được đăng kí kết hôn hay không?
– Theo Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về điều kiện để đăng ký kết hôn thì:
“Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
– Theo đó việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ không được công nhận ở Việt Nam. Tuy nhiên căn cứ tại Điều 37 Bộ Luật dân sự 2015 quy định đối với người chuyển giới đã thực hiện chuyển giới theo đúng quy định của pháp luật sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Trong đó có quyền được kết hôn theo đúng quy định của pháp luật.
– Như vậy người chuyển giới có thể đăng ký kết hôn khi đã chuyển đổi giới tính đã đăng ký thay đổi hộ tịch theo đúng quy định của pháp luật về hộ tịch. Và họ phải đáp ứng các điều kiện để đăng ký kết hôn được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
– Thủ tục đăng ký kết hôn được quy định như sau:
Căn cứ Điều 18 Luật hộ tịch 2014 thì thủ tục đăng ký kết hôn như sau:
+ Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
+ Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của
+ Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.