Ngược đãi, bạo hành trẻ em là gì? Hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em đến chết bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
Bạo hành trẻ em là một tội ác đáng lên án trong xã hội hiện đại ngày nay. Đây là vấn đề đang được dư luận xã hội đáng quan tâm. Vậy quy định của pháp luật về các chế tài xử lý hành vi ngược đãi, bạo hành của trẻ em dẫn đến hậu quả chết người như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ làm rõ vấn đề đó như sau:
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Ngược đãi, bạo hành trẻ em là gì?
Trẻ em theo quy định của Luật trẻ em năm 2016 được hiểu là người dưới 16 tuổi.
Hiện nay, trên thực tế xã hội xảy ra rất nhiều các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em bị xã hội lên án. Vậy ngược đãi, bạo hành trẻ em hiểu như thế nào? Căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em năm 2016 thì “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.”
Như vậy, có thể hiểu hành vi bạo lực trẻ em không chỉ dừng lại ở việc hành hạ, xâm phạm đến thân thể của trẻ em mà còn là hành vi xâm phạm đến đời sống tinh thần của trẻ em.
Bạo lực thể chất là hành động cố ý gây thương tích hoặc chấn thương cho trẻ em bằng các hành vi có tiếp xúc cơ thể gây thương tích, chấn thương hoặc đau đớn thể xác. Cụ thể có thể kể đến hành vi trói, đánh đập, tát… đến cơ thể của đứa trẻ.
Bạo lực tinh thần kể đến các kiểu hành hạ như chửi bới, chì chiết, sử dụng những lời nói xúc phạm, thô thiển xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của một đứa trẻ. Đây là loại bạo hành xảy ra ngày càng nhiều và trầm trọng, gây nên những hậu quả rất lớn về đời sống tinh thần của đứa trẻ.
2. Ngược đãi, bạo hành trẻ em đến chết bị xử lý như thế nào?
Trẻ em luôn là một đối tượng được Nhà nước và xã hội bảo vệ. Pháp luật Việt Nam cũng đã và đang dần hoàn thiện thể chế chế tài xử phạt thật nghiêm khắc đối với các hành vi bạo lực, ngược đãi trẻ em và gây ra hậu quả là cái chết. Cụ thể như sau:
2.1. Xử lý vi phạm hành chính:
Điều 52, 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi xâm hại đến sức khỏe thành viên gia đình cũng như hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình chưa gây hậu quả đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt như sau:
Thứ nhất là hành vi xâm hại đến sức khỏe:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
– Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả đặt ra là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân; Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các hành vi thực hiện trái pháp luật nêu trên.
Thứ hai, hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
+ Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
– Biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em khi gây đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là hành hạ dẫn đến cái chết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong số các tội quy định tại
Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017)
– Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên
+ Đối với 02 người trở lên.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017)
– Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
+ Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
+ Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
+ Có tính chất côn đồ;
+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 134;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Làm chết 02 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134
– Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tội vô ý làm chết người (Điều 128
– Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015)
– Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Giết 02 người trở lên;
+ Giết người dưới 16 tuổi;
+ Giết phụ nữ mà biết là có thai;
+ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
+ Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
+ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
+ Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
+ Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
+ Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
+ Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
+ Thuê giết người hoặc giết người thuê;
+ Có tính chất côn đồ;
+ Có tổ chức;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Vì động cơ đê hèn.
– Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
– Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.