Người bào chữa còn phải tuân thủ những quy định về nghĩa vụ do pháp luật quy định tại Khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa có mối quan hệ mật thiết, gắn kết với nhau tạo nên tổng thể địa vị pháp lý của người bào chữa.
Ngoài các quyền mà pháp luật đã quy định, trong khi thực hiện việc bào chữa của mình, NBC còn phải tuân thủ những quy định về nghĩa vụ do pháp luật quy định. Nghĩa vụ của NBC trong TTHS được qui định tại Khoản 2 Điều 73 BLTTHS năm 2015, theo đó, NBC có các nghĩa vụ sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo:
- 2 2. Giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ:
- 3 3. Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan:
- 4 4. Tôn trọng sự thật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật:
- 5 5. Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này thì phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát:
- 6 6. Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa
- 7 7. Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa:
- 8 8. Mối liên hệ giữa quyền và nghĩa vụ của người bào chữa và trong bối cảnh hiện nay:
1. Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo:
Với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, việc sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo vừa là quyền, cũng là nghĩa vụ của NBC khi tham gia TTHS. Sử dụng mọi biện pháp ở đây phải là những biện pháp do pháp luật qui định như gặp, hỏi người bị buộc tội; thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa…Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, người bào chữa có trách nhiệm giao cho CQĐT, Viện kiểm sát,
NBC không được buộc tội hoặc làm tăng nặng TNHS đối với người được mình bào chữa. Trong trường hợp hành vi phạm tội của bị can, bị cáo đã rõ ràng thì NBC cần khuyên bị can, bị cáo của mình thành khẩn khai báo để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Trong trường hợp nếu NBC không đồng ý với thái độ bất hợp tác của bị can, bị cáo mình bào chữa, NBC có quyền từ chối việc tiếp tục bào chữa, tuy nhiên NBC không được phép buộc tội thân chủ của mình trước CQTHTT. Việc này là trái với chức năng cũng như đạo đức nghề nghiệp của NBC. Qui định như trên nhằm hạn chế tình trạng NBC không có trách nhiệm với công việc của mình, bào chữa qua loa, không đem lại sự trợ giúp đáng kể nào cho người được bào chữa, đặc biệt trong trường hợp chỉ định NBC theo qui định tại Điều 76 BLTTHS năm 2015, đồng thời xóa bỏ tâm lý của NBC nhận định việc tham gia TTHS của họ chỉ là hình thức nên không tích cực, chủ động thực hiện mọi biện pháp Luật định để bào chữa cho thân chủ của mình.
2. Giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ:
Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành quả quan trọng cả về kinh tế, chính trị lẫn xã hội. Tuy nhiên, nước ta vốn là nước nông nghiệp, trình độ dân trí chưa cao, lại có sự chênh lệch tương đối lớn giữa thành thị và nông thôn. Theo thống kê sơ bộ đến cuối năm 2018 của Tổng cục thống kê, dân số ở nông thôn nước ta là 60.836.000 người, trong khi dân số ở thành thị là 33.830.000 người [47] tỉ lệ dân số ở nông thôn vẫn gần gấp đôi dân số ở thành thị. Do vậy trình độ nhận thức pháp luật và kiến thức pháp lý của người dân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, khi trở thành người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, tâm lý của họ thường không được ổn định. Vì thế cần thiết phải có một chủ thể trợ giúp họ về mặt pháp lý, đó chính là NBC.
NBC có thể giải thích cho người bị buộc tội về quyền và nghĩa vụ theo qui định pháp luật của họ, của người THTT cũng như người tham gia tố tụng khác. Mặc dù khi bị bắt, tạm giữ hay khi khởi tố bị can, người bị buộc tội cũng được CQTHTT giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ, tuy nhiên do tồn tại tâm lý “sợ hãi” hoặc tâm lý “không tin tưởng” đối với CQTHTT nên việc giải thích của CQTHTT không đạt được hiệu quả. NBC có thể tư vấn cho người bị buộc tội về việc thành khẩn khai báo để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật hoặc động viên họ tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả để được hưởng những tình tiết giảm nhẹ TNHS…Việc qui định như trên vừa giúp người bị buộc tội được bảo vệ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bên cạnh đó cũng hạn chế tình trạng NBC không có trách nhiệm, không tích cực với công việc của mình, chỉ tham gia cho đủ thủ tục mà thôi.
3. Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan:
NBC là chỗ dựa pháp lý quan trọng cho người được bào chữa, nếu NBC từ chối bào chữa cho người bị buộc tội sẽ gây tâm lý hoang mang cho họ. Nếu NBC từ chối việc bào chữa mà không có lý do chính đáng thì không chỉ vi phạm nguyên tắc của pháp luật TTHS mà còn vi phạm nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp của NBC, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, làm kéo dài thời gian vụ án, gây ảnh hưởng đến quá trình tố tụng. Vì vậy, Luật qui định nghĩa vụ của NBC là không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan. Quy định này thể hiện sự ràng buộc trách nhiệm của người bào chữa đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của họ.
Kể cả trong những trường hợp người bị buộc tội phạm tội có nhân chứng và vật chứng đầy đủ, chứng minh rằng người đó đã thực hiện hành vi phạm tội thì NBC cũng không được từ chối bào chữa cho họ. Bởi một trong những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS năm 2015 là nguyên tắc suy đoán vô tội đã qui định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Trong trường hợp này, NBC tham gia bào chữa để tìm kiếm những chứng cứ, những tình tiết giảm nhẹ TNHS cho bị cáo.
4. Tôn trọng sự thật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật:
Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về nghĩa vụ của NBC. Có quan điểm cho rằng NBC phải đặt lợi ích của bị can, bị cáo mà mình bảo vệ lên trên hết vì NBC tham gia tố tụng là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Lại có quan điểm cho rằng người bào chữa phải đặt lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội lên trước, sau đó mới đến lợi ích của người mà họ bào chữa, bởi ngoài nghĩa vụ của NBC, họ còn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của một công dân, trong đó có trách nhiệm đấu tranh với tội phạm để bảo vệ pháp chế.
Thực tế khi tham gia vào TTHS, NBC cần thực hiện song hành hai nhiệm vụ là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội và bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý. Quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội muốn được đảm bảo thì NBC cần tôn trọng sự thật và tôn trọng pháp luật, và ngược lại, muốn pháp luật được thực thi thì NBC phải thực hiện tốt nhiệm vụ | bào chữa cho thân chủ của mình. Hai nhiệm vụ này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và đều có mục tiêu là đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử được tiến hành khách quan, đúng pháp luật. Nếu NBC chỉ chú ý tới việc bào chữa cho thân chủ của mình thì dễ dẫn đến có những tư tưởng và hành vi sai lầm, bóp méo sự thật, còn nếu chỉ chú ý đến bảo vệ pháp luật thì NBC có thể từ chối việc bào chữa hoặc buộc tội thân chủ của mình.
5. Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này thì phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát:
Nếu như BLTTHS năm 2003 chỉ qui định việc NBC phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án thì BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm qui định đối với trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này thì phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Qui định trên nhằm ràng buộc sự tham gia của NBC trong các hoạt động TTHS để họ thực hiện nhiệm vụ của mình và đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội mà họ bào chữa.
Đối với những trường hợp chỉ định NBC, việc tham gia của NBC vào vụ án là bắt buộc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật TTHS của nước ta. Trong quá trình giải quyết vụ án, khi tiến hành một số hoạt động điều tra, CQĐT phải
Điều 291 BLTTHS năm 2015 về sự có mặt của NBC tại phiên tòa qui định: “Người bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa”. Đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của NBC. Sự tham gia của NBC ở những giai đoạn tố tụng trước đó đều nhằm bào chữa cho bị cáo trước phiên tòa. Nếu NBC không có mặt tại phiên tòa thì ý nghĩa của việc bào chữa không còn, bởi việc xác định một người là có tội hay không có tội, tội danh và mức hình phạt áp dụng đối với họ chỉ được căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác [30, Điều 326]. Tại phiên tòa, thông qua việc xét hỏi và tranh luận công khai, có thể xuất hiện thêm những tình tiết mới phát sinh có lợi cho bị cáo mà họ bào chữa, nếu NBC không có mặt mà chỉ gửi bản luận cứ bào chữa thì NBC không thể trợ giúp kịp thời cho bị cáo dẫn đến thiệt thòi cho bị cáo mà họ bảo vệ.
6. Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa
Giữ bí mật về điều tra là trách nhiệm của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng và người chứng kiến. Trong trường hợp nhận thấy có những thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật điều tra khác, thì Điều tra viên và Kiểm sát viên phải báo trước cho NBC về những bí mật điều tra đó và thông báo trách nhiệm không được tiết lộ bí mật điều tra. Việc giữ bí mật điều tra phải được thực hiện trước, trong và sau khi tiến hành các hoạt động điều tra. NBC không được phép tiết lộ bí mật điều tra cho bất kì ai, kể cả thân chủ của mình. Việc thông báo đó phải được ghi vào biên bản điều tra. Trong trường hợp đã được CQTHTT thông báo về việc cần giữ bí mật điều tra mà NBC vẫn tiết lộ bí mật điều tra đó thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu TNHS theo qui định của pháp luật.
Bên cạnh việc không được tiết lộ bí mật điều tra, NBC cũng không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bởi mục đích của việc ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án chỉ là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được bào chữa. Nếu NBC không thực hiện thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà có hình thức xử lý theo đúng qui định của pháp luật.
7. Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa:
NBC không những không được tiết lộ bí mật điều tra, mà còn không được phép tiết lộ thông tin về vụ án và về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người đó đồng ý. Việc đồng ý phải được lập thành văn bản và NBC không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc qui định như trên nhằm đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án được tiến hành thuận lợi. Bởi nhiều trường hợp việc tiết lộ thông tin về vụ án sẽ làm cho đối tượng khác tình nghi biết được thông tin và bỏ trốn, người tố giác tội phạm bị tiết lộ thông tin gây nguy hiểm cho họ, những quyết định tố tụng như khám xét, kê biên tài sản nếu bị tiết lộ trước thời điểm thi hành sẽ dẫn đến việc các đối tượng xóa dấu vết, tiêu hủy vật chứng, tẩu tán tài sản…
Bên cạnh đó, Luật cũng đảm bảo quyền giữ bí mật thông tin cho người được bào chữa. Mặc dù NBC là người tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được bào chữa, tuy nhiên việc tiết lộ thông tin về người bị buộc tội có thể làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân hoặc công việc của họ. Vì vậy NBC phải bảo mật thông tin về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
8. Mối liên hệ giữa quyền và nghĩa vụ của người bào chữa và trong bối cảnh hiện nay:
Qua những phân tích đánh giá về quyền và nghĩa vụ của NBC qua các thời kỳ xây dựng hệ thống pháp luật tố tụng hình sự có thể thấy BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm nhiều quyền năng mới cho NBC, qua đó không ngừng nâng cao địa vị pháp lý của NBC trong tố tụng hình sự dần ngang hàng và bình đẳng hơn với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
Song song với việc bổ sung thêm quyền của NBC thì BLHS năm 2015 cũng bổ sung thêm nghĩa vụ của NBC làm tăng tinh thần trách nhiệm của NBC khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của NBBT. Qua đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả công việc.
Quyền và nghĩa vụ của NBC có mối quan hệ mật thiết, gắn kết với nhau tạo nên tổng thể địa vị pháp lý của NBC. Nếu chỉ có quyền năng pháp lý mà không có nghĩa vụ pháp lý thì sẽ dẫn đến việc NBC lạm dụng các quyền năng của mình đưa ra các yêu cầu, đề nghị không có căn cứ, thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc, dễ dẫn tới sự cẩu thả trong công việc và không
đảm bảo cho việc thực hiện thượng tôn pháp luật nhưng nếu NBC chỉ có nghĩa vụ pháp lý mà không có quyền năng pháp lý sẽ dẫn đến việc NBC mất đi vị thế của NBC, yếu thế trước các CQTHTT, việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NBBT cũng sẽ không được đảm bảo. Hay như việc hạn chế quyền và nghĩa vụ của NBC cũng gây ra những khó khăn nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NBBT, ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền con người như tinh thần
Quyền con người của NBBT bao gồm các quyền như: Quyền sống, Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm; Quyền được bảo vệ để khỏi bị bắt, giam giữ tùy tiện; Quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục….những quyền này được thể chế hóa bằng các quy định của BLTTHS năm 2015 và những quy định về địa vị pháp lý của NBC đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo quyền con người của NBBT.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khoảng cách giữa không gian vật lý và không gian kỹ thuật số đang dần được thu hẹp lại xuất hiện nhiều thay đổi to lớn cùng với đó thể chế và khung pháp luật cần được thay đổi để bắt kịp với xu hướng mới. Trong quá trình giải quyết vụ án, các CQTHTT phải tôn trọng và đảm bảo các quyền con người đặc biệt là các quyền cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp. Pháp luật TTHS về người bào chữa cũng đã có nhiều thay đổi bổ sung thêm các quyền và nghĩa vụ của NBC nhằm phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi mà quyền con người ngày càng được đề cao, đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động TTHS, quá đó hạn chế việc các cơ quan THTT ép cung, mớm cung, nhục hình đối với NBBT, không đảm quyền con người cho NBBT.