Nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh em khi không có khả năng lao động. Quy định pháp luật về từ chối nhận di sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế.
Nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh em khi không có khả năng lao động. Quy định pháp luật về từ chối nhận di sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, Cháu có câu hỏi liên quan đến vấn đề " nghĩa vụ cấp dưỡng" và "Từ chối nhận di sản" như sau: Bác cháu năm nay 60 tuổi, cha mẹ đều đã mất. Gia đình bác có tất cả 7 người anh em. Hiện nay, người con Út – 45 tuổi, độc thân, đang mắc chứng trầm cảm nặng và được điều trị tại nhà (Đã từng uống thuốc độc tự sát nhưng không thành). Vì người con Út sống độc thân và đang có bệnh, không thể tự chăm sóc bản thân nên các thành viên trong gia đình đã họp mặt và bàn bạc về vấn đề "chăm sóc, nuôi dưỡng" chú Út. Các thành viên trong gia đình thống nhất giao chú Út cho Bác của cháu nghĩa vụ là người trực tiếp chăm lo sức khỏe và nuôi dưỡng chú; các thành viên còn lại sẽ góp tiền hàng tháng để đóng góp kinh tế, hỗ trợ Bác cháu thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, có 1 người không đồng ý và nói rằng: "Tôi sẽ không đóng góp bất kì khoản nào vào việc nuôi chú Út và cũng sẽ không hỗ trợ chăm sóc chú. Sau này nếu chú Út có bạo bệnh và qua đời, thì phần tài sản của chú tôi sẽ không hưởng bất cứ khoản nào". Và mọi người đã thống nhất như vậy. Cháu xin hỏi Luật sư rằng:
1. Với hiện trạng bệnh của chú Út bây giờ thì có được xem là người có đủ năng lực hành vi dân sự để viết di chúc hay không?
2. Đối với trường hợp người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có vi phạm nghĩa vụ "cấp dưỡng" hay không ?
3. Người từ chối cấp dưỡng này hứa sẽ không nhận di sản (nếu có), vậy thì phải viết đơn gì để làm căn cứ về sau; có cần phải công chứng hay không?
4. Về phần Bác cháu, người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng chú Út thì nếu như sau này chú Út không để lại di chúc thì Bác cháu có được hưởng di sản nhiều hơn so với các thành viên khác hay không?
Mong luật sư giải đáp giúp cháu thắc mắc trên. Cháu xin cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
+ Luật hôn nhân và gia đình 2014
2. Giải quyết vấn đề
Hiệu lực của di chúc
Căn cứ Điều 625 và điểm a, khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 người lập di chúc là người có tài sản muốn định đoạt tài sản của mình cho người khác hưởng sau khi chết. Người lập di chúc tại thời điểm lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Người lập di chúc phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, bởi vì di chúc là giao dịch một bên (hành vi pháp lí đơn phương), cho nên năng lực chủ thể của người lập di chúc phải phù hợp với năng lực của người tham gia giao dịch. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Căn cứ theo Điều 22, Bộ luật dân sự 2015 quy định:
"Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện."
Chú Út của bạn mắc chứng bệnh trầm cảm nặng và đang điều trị tại nhà nếu chưa được xác nhận là người mất năng lực hành vi dân sự (bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự) sẽ vẫn đủ điều kiện lập di chúc. Tại thời điểm lập di chúc, chú Út hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt thì di chúc này có hiệu lực.
Nghĩa vụ cấp dưỡng
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.
Anh chị em có nghĩa vụ cấp dưỡng khi không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác (Quy định tại Điều 112 Luật hôn nhân và gia đình 2014)
Chú Út của bạn sống độc thân và đang có bệnh, không thể tự chăm sóc bản thân nên các thành viên trong gia đình đã họp mặt và bàn bạc về vấn đề "chăm sóc, nuôi dưỡng" chú Út. Các thành viên trong gia đình thống nhất giao chú Út cho Bác của bạn nghĩa vụ là người trực tiếp chăm lo sức khỏe và nuôi dưỡng chú; các thành viên còn lại sẽ góp tiền hàng tháng để đóng góp kinh tế, hỗ trợ Bác bạn thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, có 1 người không đồng ý và nói rằng: "Tôi sẽ không đóng góp bất kì khoản nào vào việc nuôi chú Út và cũng sẽ không hỗ trợ chăm sóc chú. Sau này nếu chú Út có bạo bệnh và qua đời, thì phần tài sản của chú tôi sẽ không hưởng bất cứ khoản nào" là vi phạm nghĩa vụ về cấp dưỡng. Trường hợp này nếu không các thành viên hoặc người giám hộ không đồng ý thì có quyền yêu cầu Tòa án buộc người ấy phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, trong trường hợp người đó không có khả năng cấp dưỡng thì vấn đề cấp dưỡng không đặt ra.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em: 1900.6568
Về việc từ chối nhận di sản thừa kế
Căn cứ theo Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 về từ chối nhận di sản thừa kế:
"1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản."
Mọi hành động lấy việc từ chối nhận di sản để trốn nghĩa vụ tài sản của người chết để lại hay nghĩa vụ tài sản của mình đều bị pháp luật nghiêm cấm. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Nếu người thừa kế này đã từ bỏ quyền thừa kế của mình hợp pháp theo quy định của pháp luật, thì phần tài sản bị từ chối đó sẽ được đem chia theo pháp luật cho những đồng thừa kế còn lại. Nếu đã từ chối nhận di sản thì đồng nghĩa với việc người từ chối sẽ không còn được hưởng di sản trong cả 2 hình thức thừa kế là theo di chúc và theo pháp luật.
Việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được lập thành văn bản gửi cho người cùng thừa kế, người tiến hành chia di sản và công chứng tại cơ quan có thẩm quyền trước thời điểm chia di sản.
Phần di sản thừa kế của bác của bạn.
Theo quy định của Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì trong trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, trường hợp chú Út để lại di chúc, thì những người có tên trong di chúc sẽ được chia theo pháp luật, những người thuộc cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau.
Về phần bác bạn, người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng chú Út thì nếu như sau này chú Út không để lại di chúc, những người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau, tức là tất cả 6 anh em đều được hưởng phần bằng nhau vì mặc dù bác bạn là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng những người khác hàng tháng cũng có cấp dưỡng để chăm sóc cho chú Út.