Nghị quyết 80/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Nghị quyết 80/2023/QH15 được ban hành ngày 09/01/2023 có hiệu lực từ ngày 09/01/2023.
Mục lục bài viết
1. Tóm tắt nội dung Nghị quyết 80/2023/QH15 của Quốc hội:
- Nội dung chính:
+ Tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021.
+ Gia hạn thời hạn sử dụng đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024.
+ Quy định chi tiết về việc rà soát, xử lý số lượng thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế đã mua sắm từ ngân sách Nhà nước.
+ Giao trách nhiệm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
- Điểm mới:
+ Gia hạn thêm thời gian sử dụng thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hạn hiệu lực để đảm bảo an ninh y tế, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
+ Quy định cụ thể về việc rà soát, xử lý số lượng thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế đã mua sắm từ ngân sách Nhà nước.
- Tóm lại: Nghị quyết 80/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 09/01/2023, có ý nghĩa quan trọng trong việc: Duy trì hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19; Đảm bảo an ninh y tế, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Sử dụng hợp lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giá trị.
2. Thuộc tính văn bản Nghị quyết 80/2023/QH15:
Số hiệu: | 80/2023/QH15 |
Nơi ban hành: | Quốc hội |
Ngày ban hành: | 09/01/2023 |
Ngày công báo: | 01/02/2023 |
Người ký: | Vương Đình Huệ |
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Ngày hiệu lực: | 09/01/2023 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Nghị quyết 80/2023/QH15 có còn hiệu lực không?
Nghị quyết 80/2023/QH15 được ban hành ngày 09/01/2023 có hiệu lực từ ngày 09/01/2023. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Nghị quyết 80/2023/QH15:
- Nghị quyết 87/NQ-CP năm 2022 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến xếp loại đối với các doanh nghiệp Nhà nước tham gia đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ ban hành;
- Nghị quyết 46/NQ-CP về chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 đã giao dự toán năm 2021 cho Bộ Y tế chưa sử dụng hết sang năm 2022 sử dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành;
- Nghị quyết 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV;
- Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020;
Luật Dược 2016 ;Luật Tổ chức Quốc hội 2014 ;- Hiến pháp 2013.
5. Toàn văn nội dung Nghị quyết 80/2023/QH15 của Quốc hội:
QUỐC HỘI ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Nghị quyết số: 80/2023/QH15 | Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2023 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ SỬ DỤNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC HẾT THỜI HẠN HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/01/2023 ĐẾN NGÀY 31/12/2024
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 494/TTr-CP và Báo cáo số 495/BC-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ, các Báo cáo thẩm tra số 1356/BC-UBXH15, 1357/BC-UBXH15 ngày 29/12/2022 của Ủy ban Xã hội, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý số 397/BC-UBTVQH15 ngày 09/01/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Kết quả thực hiện các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 trong Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV
1. Nội dung các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 trong Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (sau đây gọi là Nghị quyết số 30/2021/QH15) là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động lập pháp; là quyết định đúng đắn, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân, khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết; đồng thời, bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc tại thời điểm cấp bách khi dịch COVID-19 bùng phát để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như trong tình trạng khẩn cấp; đặc biệt, Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, chủ động, sáng tạo, áp dụng linh hoạt, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch bệnh kịp thời, đúng đắn tại thời điểm quyết định, góp phần kiểm soát dịch bệnh, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. Với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và quốc tế, dịch bệnh đã được kiểm soát, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Thành quả này thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, chủ động, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng toàn thể Nhân dân.
3. Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 495/BC-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Các chính sách, biện pháp, giải pháp được ban hành trên cơ sở Nghị quyết số 30/2021/QH15 cơ bản đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đầy đủ với các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, góp phần kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
4. Quốc hội nhận thấy, việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp, biện pháp theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lúc, có nơi còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn; công tác tuyên truyền, phổ biến có lúc chưa kịp thời; gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chậm dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc; thanh toán, quyết toán chi phí liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 chưa đáp ứng yêu cầu.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ trên thế giới và Việt Nam nên việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thực hiện trong bối cảnh cấp bách, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; một số nơi thực hiện giãn cách xã hội kéo dài ảnh hưởng đến an sinh xã hội; hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch bệnh; sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa một số Bộ, ngành, chính quyền địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời, hiệu quả; một số thủ tục hành chính chưa phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh.
Điều 2. Các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023
1. Các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán theo các quy định tại Điều 2, khoản 1 và khoản 2 Điều 3, khoản 1 và khoản 2 Điều 4, Điều 8 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15) và quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện. Kinh phí thực hiện các khoản chi phí, chế độ, chính sách này được chuyển nguồn sang năm 2023 để thanh toán và hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023.
2. Việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 được tiếp tục thực hiện theo các quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15), Điều 2, khoản 1 và khoản 2 Điều 3, khoản 1 và khoản 2 Điều 4, Điều 8 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 và quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện.
3. Hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan đã được gia hạn thời gian lưu giữ theo quy định tại Nghị quyết số 10/2021/UBTVQH15 ngày 08/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục lưu giữ từ ngày 01/01/2023 đến chậm nhất là hết ngày 31/12/2023.
Hàng hóa gửi kho ngoại quan được gia hạn thời gian lưu giữ theo quy định tại khoản này khi xuất khẩu phải xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Điều 3. Việc sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024
1. Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024 đã được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 mà chưa được gia hạn kịp thời theo quy định của Luật Dược được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024, trừ trường hợp sau đây:
a) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi theo quy định của pháp luật về dược;
b) Thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng mà bị tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản theo quy định của pháp luật về dược;
c) Thuốc có giấy đăng ký lưu hành có thời hạn là 03 năm theo quy định của pháp luật về dược.
2. Bộ Y tế công bố danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua.
2. Các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này hết hiệu lực từ ngày 01/01/2023, trừ các quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15, Điều 2, khoản 1 và khoản 2 Điều 3, khoản 1 và khoản 2 Điều 4, Điều 8 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 và các nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được tiếp tục thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản thuộc thẩm quyền để thực hiện hiệu quả, đúng thời hạn Nghị quyết này và bãi bỏ các văn bản thuộc thẩm quyền đã được ban hành theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, trừ các nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị quyết này.
2. Giao Chính phủ thực hiện các giải pháp sau đây:
a) Rà soát và xử lý việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; việc sử dụng số thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị đã mua từ ngân sách nhà nước cho khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 chuyển sang khám bệnh, chữa bệnh thông thường;
b) Quyết định xử lý các vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19, các chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19; trong mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ;
c) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nguồn lực, khả năng dự báo, thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế trong nước để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
3. Đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát, động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ hai thông qua ngày 09 tháng 01 năm 2023.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI Vương Đình Huệ |
(Phần phụ lục và các biểu mẫu được đính kèm ở file dưới đây)