Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THÚ Y
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
2. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định tại Nghị định này bao gồm:
a) Vi phạm quy định về phòng bệnh, chống dịch bệnh cho động vật;
b) Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;
c) Vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y;
d) Vi phạm quy định về quản lý thuốc thú y;
đ) Vi phạm quy định về hành nghề thú y.
3. Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực thú y không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực thú y trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
Điều 3. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn gồm: Chứng chỉ hành nghề thú y; Giấy chứng nhận vệ sinh thú y hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận vệ sinh thú y); Giấy phép nhập khẩu thuốc thú y; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y hoặc Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y GMP (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận GMP); Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y; Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
3. Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
a) Buộc phải lấy mẫu, xét nghiệm bệnh động vật;
b) Buộc thực hiện việc kiểm dịch lại động vật, sản phẩm động vật;
c) Buộc thực hiện việc nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật đúng cửa khẩu;
d) Buộc tạm dừng giết mổ động vật;
đ) Buộc giết mổ bắt buộc động vật; buộc xử lý nhiệt sản phẩm động vật; buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật;
e) Buộc xử lý sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật;
g) Buộc tái xuất động vật, sản phẩm động vật;
h) Buộc xử lý vệ sinh thú y sản phẩm động vật;
i) Buộc thu hồi, tái chế thuốc thú y không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
k) Buộc thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y nguyên liệu làm thuốc thú y, nguyên liệu thuốc y tế, thuốc y tế;
l) Buộc dán nhãn thuốc thú y theo đúng quy định.
Điều 4. Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền
1. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ trường hợp quy định tại các Điều 22, khoản 2 và khoản 3 Điều 24, khoản 1 Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32 và Điều 33 của Nghị định này. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568