Nghị định 52/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
______
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008.
2. Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan Việt Nam tại nước ngoài và quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Điều 2. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp
1. Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức) thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước quy định tại Chương III Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Chương II Nghị định này. Riêng việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản nhà nước của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp thực hiện bằng nguồn kinh phí của các tổ chức này.
2. Đối với tài sản nhà nước đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và tài sản quy định tại khoản 2 Điều 36 và khoản 3 Điều 37 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì thuộc quyền sở hữu của tổ chức đó; việc quản lý, sử dụng tài sản này thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của tổ chức.
Chương II
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Mục 1
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, MUA SẮM TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
Điều 3. Thẩm quyền giao trách nhiệm quản lý đầu tư xây dựng trụ sở làm việc
1. Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và khả năng quản lý, thực hiện dự án, cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng trụ sở làm việc quyết định một trong hai phương thức đầu tư xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mới hoặc giao cho tổ chức hiện có làm chủ đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý theo phương thức đầu tư xây dựng trụ sở làm việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quyết định thành lập mới hoặc giao cho tổ chức hiện có làm chủ đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý theo phương thức đầu tư xây dựng trụ sở làm việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được giao quản lý đầu tư xây dựng trụ sở làm việc
1. Được Nhà nước giao vốn đầu tư để xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan nhà nước theo phạm vi nhiệm vụ được giao.
2. Thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
3. Bàn giao trụ sở làm việc cho cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng theo chế độ quy định, sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng.
Điều 5. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước
Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại các cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 6. Phương thức mua sắm tài sản nhà nước
1. Việc mua sắm tài sản nhà nước được thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:
a) Mua sắm tập trung;
b) Cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện mua sắm.
2. Phương thức mua sắm tập trung được áp dụng đối với các loại tài sản có số lượng mua sắm nhiều, tổng giá trị mua sắm lớn và có yêu cầu được trang bị đồng bộ, hiện đại. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi chung là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục tài sản mua sắm theo phương thức tập trung, thuộc phạm vi quản lý.
3. Đơn vị được giao thực hiện việc mua sắm tài sản theo phương thức tập trung có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Được Nhà nước giao kinh phí để mua sắm tài sản cho các cơ quan nhà nước theo phạm vi nhiệm vụ được giao.
b) Thực hiện việc mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước;
c) Bàn giao tài sản cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng theo chế độ quy định, sau khi hoàn thành việc mua sắm.
4. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
5. Đối với các tài sản mua sắm theo phương thức quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, thủ trưởng cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện mua sắm theo chế độ quy định.
MỤC 2. THUÊ TÀI SẢN PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Điều 7. Thuê trụ sở làm việc
1. Cơ quan nhà nước được thuê trụ sở làm việc để phục vụ hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Chưa có trụ sở làm việc hoặc thiếu diện tích trụ sở làm việc so với tiêu chuẩn, định mức mà làm ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ được giao;
b) Trụ sở làm việc hiện có đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn khi sử dụng;
c) Việc thuê trụ sở làm việc có hiệu quả hơn việc đầu tư xây dựng, mua sắm;
d) Chỉ có nhu cầu sử dụng trụ sở làm việc trong thời gian ngắn.
2. Thẩm quyền quyết định việc thuê trụ sở làm việc thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
3. Diện tích trụ sở làm việc được thuê không vượt quá tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước.
4. Lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê trụ sở làm việc.
a) Cơ quan nhà nước có nhu cầu thuê trụ sở làm việc có trách nhiệm
b) Việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê trụ sở làm việc thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
c) Trường hợp hết thời hạn đăng ký cho thuê trụ sở làm việc mà chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ cho thuê trụ sở làm việc đáp ứng yêu cầu của cơ quan đi thuê thì áp dụng hình thức chỉ định.
5. Giá thuê trụ sở làm việc được xác định như sau:
a) Trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu, chào hàng cạnh tranh mua sắm trực tiếp: giá thuê trụ sở làm việc được xác định theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định: giá thuê do cơ quan thuê và nhà cung cấp thỏa thuận; trường hợp tiền thuê từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì cơ quan nhà nước đi thuê trụ sở làm việc phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá thuê để làm cơ sở thỏa thuận với nhà cung cấp;
c) Giá thuê trụ sở quy định tại điểm a, điểm b khoản này phải phù hợp với giá thuê trụ sở làm việc tại thị trường địa phương.
6. Kinh phí thuê trụ sở làm việc được bố trí trong dự toán ngân sách giao cho cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 8. Thuê tài sản không phải là trụ sở làm việc
1. Cơ quan nhà nước được thuê tài sản là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải và các tài sản khác không phải là trụ sở làm việc để phục vụ hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Chưa có tài sản hoặc thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức mà làm ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ được giao;
b) Tài sản hiện có đã hư hỏng không còn sử dụng được hoặc không đảm bảo an toàn khi sử dụng;
c) Chỉ có nhu cầu sử dụng tài sản trong thời gian ngắn hoặc không thường xuyên.
2. Thẩm quyền quyết định việc thuê tài sản thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
3. Số lượng, chủng loại tài sản được thuê phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng của tài sản đó và khả năng của ngân sách nhà nước.
4. Lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản không phải là trụ sở làm việc:
a) Việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản không phải là trụ sở làm việc thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Trường hợp chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản đáp ứng yêu cầu của cơ quan đi thuê thì áp dụng phương thức chỉ định.
5. Việc xác định giá thuê tài sản được thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định này.
Giá thuê tài sản là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải và các tài sản khác không phải là trụ sở làm việc phải phù hợp với giá thuê của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất xứ tại thị trường địa phương.
6. Kinh phí thuê tài sản được bố trí trong dự toán ngân sách giao cho cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
MỤC 3. BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA, LẬP VÀ QUẢN LÝ HỒ SƠ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
Điều 9. Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản nhà nước
1. Tài sản nhà nước phải được bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền tại khoản 3 Điều này quy định. Thủ trưởng cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quyết định việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản.
2. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Thẩm quyền quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản nhà nước:
a) Bộ quản lý chuyên ngành quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
b) Đối với tài sản nhà nước chưa có chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa của Bộ quản lý chuyên ngành thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hoặc phân cấp cho thủ trưởng cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quy định chế độ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản thuộc phạm vi quản lý.