Con dấu là một trong những biểu tượng đặc biệt mà công ty sử dụng để chứng thực các loại giấy tờ, văn bản của mình, vì một số hợp đồng chỉ có hiệu lực khi được đóng dấu. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về mức xử phạt vi phạm đối với vấn đề quản lý và sử dụng con dấu?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt vi phạm về quản lý và sử dụng con dấu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về vấn đề quản lý và sử dụng con dấu. Theo đó, có các mức xử phạt như sau:
(1) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Không thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận trong trường hợp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị mất;
-
Không thực hiện thủ tục đổi lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nộp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan có thẩm quyền đăng ký mẫu con dấu trong trường hợp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đó bị hỏng;
-
Không thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết trước khi sử dụng trên thực tế;
-
Không ban hành quy định nội bộ về vấn đề quản lý con dấu, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình.
(2) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Có hành vi tự tiện mang con dấu ra khỏi trụ sở của cơ quan, tổ chức trong trường hợp không được sự đồng ý, cho phép của chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, người đứng đầu tổ chức đó;
-
Không thực hiện thủ tục đăng ký lại mẫu con dấu theo quy định của pháp luật;
-
Không chấp hành đầy đủ quy định về vấn đề kiểm tra con dấu, không xuất trình con dấu trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, không xuất trình giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
-
Mất con dấu tuy nhiên qua thời gian 02 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày phát hiện bị mất, cơ quan nhà nước, tổ chức nhà nước, chức danh nhà nước không thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu trước đó và thông báo cho cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn nơi bị mất con dấu.
(3) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Không giao nộp con dấu theo yêu cầu, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
-
Đóng dấu vào văn bản, các loại giấy tờ khi chưa có chữ ký của người có thẩm quyền; hoặc có chữ ký tuy nhiên đó là chữ ký của người không có thẩm quyền;
-
Cho mượn, cho thuê, mượn, thuê, thế chấp, cầm cố, mua bán con dấu trái phép, tiêu hủy trái phép con dấu; sử dụng con dấu của các cơ quan khác, tổ chức khác trong quá trình hoạt động;
-
Sử dụng con dấu đã hết giá trị sử dụng; có hành vi cố tình làm biến dạng, sửa chữa các nội dung con dấu đã đăng ký trước đó tại cơ quan có thẩm quyền;
-
Không nộp lại con dấu, không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vấn đề chia tách, sáp nhập, hợp nhất; hoặc trong trường hợp bị thu hồi đối với giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, giấy phép hoạt động; hoặc trong trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động, đình chỉ hoạt động; hoặc trong trường hợp có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vấn đề giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật;
-
Có hành vi tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.
(4) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Có hành vi làm giả giấy tờ, hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan nhà nước, tổ chức nhà nước, chức danh nhà nước;
-
Làm giả con dấu, hoặc có hành vi sử dụng con dấu giả;
-
Chiếm đoạt con dấu, mua bán trái phép con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu.
Như vậy, theo điều luật nêu trên thì tùy từng hành vi khác nhau sẽ có mức xử phạt vi phạm khác nhau về vấn đề quản lý và sử dụng con dấu. Mức xử phạt vi phạm về quản lý và sử dụng con dấu dao động từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vi phạm hành chính hoặc trục xuất trong trường hợp người vi phạm là người nước ngoài.
Lưu ý thêm, mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền sẽ được xác định gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm về quản lý và sử dụng con dấu:
căn cứ theo quy định tại Điều 68 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Theo đó:
-
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 3.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, phạt tiền lên đến 4.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phạt tiền lên đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội; tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá hai lần mức phạt tiền nêu trên; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
-
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 15.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình; phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội; phạt tiền lên đến 25.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, lĩnh vực cứu nạn cứu hộ; phạt tiền lên đến 37.500.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội; tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
-
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình; phạt tiền lên đến 40.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội; phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; phạt tiền lên đến 75.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội; tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Như vậy, hầu hết các hành vi vi phạm về vấn đề quản lý và sử dụng con dấu đều thuộc thẩm quyền xử phạt của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Hành vi sử dụng con dấu giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 341 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo đó, người nào có hành vi làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu khác của cơ quan, tổ chức; hoặc có hành vi sử dụng con dấu, sử dụng tài liệu, giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, Điều luật này còn quy định về khung hình phạt tăng nặng là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm trong trường hợp: phạm tội có tổ chức, phạm tội từ hai lần trở lên, làm giả từ hai đến năm con dấu, giấy tờ, tài liệu khác; có hành vi sử dụng con dấu, sử dụng tài liệu, giấy tờ khác để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc loại tội phạm nghiêm trọng (theo Điều 9 của Bộ luật Hình sự); thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, hoặc tái phạm nguy hiểm.
Hình phạt bổ sung có thể được áp dụng là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, người nào có hành vi sử dụng con dấu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các khung hình phạt khác nhau căn cứ theo quy định tại Điều 341 nêu trên.