Đăng ký biến động đất đai là một trong những công việc quan trọng mà người dân cần thực hiện khi có sự thay đổi, xê dịch về đất đai. Đây là công việc mang tính chất bắt buộc mà hầu hết người sử dụng đất phải tiến hành thực hiện. Vậy mức xử phạt khi không đăng ký biến động đất đai như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là đăng ký biến động đất đai?
– Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất là việc thực hiện thủ tục để ghi nhận sự thay đổi về một hoặc một số thông tin đã đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật. Đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình quản lý đất đai của cơ quan Nhà nước và sử dụng đất của người dân.
– Biến động đất đai là sự việc thường xuyên xảy ra. Bởi, đất đai là bất động sản, tuy nhiên, nó thường xuyên bị “xê dịch” về việc chuyển đổi các quyền sử dụng liên quan thông qua các giao dịch, các sự kiện pháp lý nhất định. Các giao dịch, sự kiện pháp lý này này thay đổi quyền sử dụng đối với đất đai, mục đích sử dụng đất, diện tích đất,… Trước những sự thay đổi đó, người dân phải tiến hành đăng ký biến động đất đai.
– Đăng ký biến động đất đai có vai trò như sau:
+ Thứ nhất, khi đăng ký biến động đất đai, người sử dụng đất được Nhà nước công nhận sự thay đổi liên quan đến đất đai. Theo đó, với bất kỳ sự thay đổi về diện tích sử dụng đất, mục đích sử dụng đất hay người sử dụng đất, các cá nhân sẽ phải tiến hành đăng ký biến động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Lúc này, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính.
+ Thứ hai, đăng ký biến động đất đai giúp quá trình quản lý Nhà nước về đất đai của cơ quan Nhà nước diễn ra khách quan, cụ thể và đạt hiệu quả cao. Như đã nói ở trên, đăng ký biến động đất đai là sự ghi nhận sự thay đổi về đất của cơ quan chức năng với phần đất của người dân. Nếu không đăng ký biến động, Nhà nước sẽ không biết đất đai của người sử dụng có những sự thay đổi như thế nào, từ đó không thể quản lý hay đưa ra những biện pháp hỗ trợ kịp thời khi xảy ra rủi ro.
Đăng ký biến động đất đai có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhà nước và người dân. Có thể khẳng định, đăng ký biến động đất đai là cách thức tối ưu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất đối với đất đai của mình; giúp quá trình quản lý đất đai của Nhà nước đạt hiệu quả cụ thể và rõ ràng nhất. Đây được xem là khâu kết nối bền chặt giữa hai bên sử dụng và quản lý.
2. Các trường hợp phải đăng ký biến động đất đai theo quy định của pháp luật:
– Theo quy định tại khoản 4, điều 95
+ Trường hợp 1: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
+ Trường hợp 2: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
+ Trường hợp 3: Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
+ Trường hợp 4: Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
+ Trường hợp 5: Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của
+ Trường hợp 6: Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề.
Các trường hợp trên đây đều thể hiện sự thay đổi rõ ràng về những thông tin cụ thể nhất trong quá trình sử dụng đất đai. Do đó, trong các trường hợp này, việc đăng ký biến động đất đai là vô cùng cần thiết. Nếu không đăng ký biến động đất đai, sự thay đổi liên quan đến vấn đề sử dụng đất sẽ không được Nhà nước công nhận. Nếu phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, quyền lợi của người dân cũng không được đảm bảo.
– Khoản 6, Điều 95 Luật đất đai 2013 cũng quy định rõ, đối với các trường hợp cụ thể nêu trên, trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
– Khi người dân đăng ký biến động đất đai, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm cập nhật sự thay đổi của người dân, tiến hành chỉnh lý trên hồ sơ địa chính. Bởi hồ sơ địa chính là tập hợp tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về hiện trạng và tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Với mọi sự thay đổi liên quan đến đất đai, người sử dụng đất phải tiến hành cập nhật. Có như vậy, hồ sơ địa chính mới lưu trữ dữ liệu, công nhận sự thay đổi đó.
3. Mức xử phạt khi không đăng ký biến động đất đai mới nhất:
Đăng ký biến động đất đai là việc làm cần thiết, mang tính chất bắt buộc mà người sử dụng đất phải thực hiện khi có sự thay đổi, chuyển dịch về cơ cấu hay quyền sử dụng đất đai. Hoạt động này có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân khi sự thay đổi về đất được công nhận; nó giúp công tác quản lý đất đai của Nhà nước đạt hiệu quả tối ưu nhất, tránh những trường hợp mâu thuẫn, phát sinh tranh chấp xảy ra. Do đó, với những hành vi không đăng ký biến động đất đai, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về biện pháp xử phạt.
Điều 17 Nghị định 91/2019/ NĐ-CP đã quy định về mức xử phạt đối với việc không đăng ký biến động đất đai như sau:
– Đối với các trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều 95 Luật đất đai 2013 thì mức xử phạt như sau:
+ Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định (không quá 30 ngày kể từ ngày có biến động) mà không thực hiện đăng ký biến động;
+ Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định (không quá 30 ngày kể từ ngày có biến động) mà không thực hiện đăng ký biến động.
Đây là mức phạt đối với hành vi không đăng ký đất đai tại nông thôn. Đối với với việc không đăng ký đất đai tại đô thị, chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt gấp hai lần.
Quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi không đăng ký biến động đất đai mà Nhà nước đưa ra mang tính quản lý cao. Nói vậy bởi lẽ, đây được xem là cách thức quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Thông qua việc đăng ký biến động, Nhà nước sẽ quản lý đất đai một cách khách quan và rõ ràng nhất. Nếu không có biện pháp xử phạt này, người dân sẽ không nhìn nhận được lỗi sai của mình; không hiểu được đăng ký đất đai là quy định mang tính chất bắt buộc mà mọi người dân phải tuân thủ thực hiện. Hơn nữa, các biện pháp xử lý mà Nhà nước đưa ra mang tính răn đe cao đối với các chủ thể có hành vi vi phạm, để họ không tái phạm nữa. Công tác quản lý đất đai sẽ đạt được hiệu quả tối ưu khi việc đăng ký biến động đất đai được chấp hành và thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm ngặt và rõ ràng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013
– Nghị định 91/2019/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai