Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng là gì? Mức xử phạt đối với hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng?
Hiện nay, các trường hợp bị lừa đảo thông qua mạng xã hội chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo thông qua số tài khoản đang xảy ra rất là nhiều. Lợi dụng tình hình dịch bệnh các đối tượng đã cấu kết thực hiện các hành vi tàng trữ, thu thập, trao đổi số tài khoản ngân hàng, từ đó lấy số tài khoản này đi thực hiện các chiêu thức lừa đảo vay tiền qua mạng, hay thực hiện nhiệm vụ, trò chơi… rồi yêu cầu người dân chuyển tiền vào số tài khoản đã mua từ đối tượng khác để lừa đảo tiền. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm trật tự an ninh mạng cũng như các quan hệ xã hội. Vậy hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng sẽ bị áp dụng chế tài xử lý ra sao?
Căn cứ pháp lý:
–
– Nghị định 88/2019/NĐ-CP
Mục lục bài viết
1. Tài khoản ngân hàng là gì? Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng?
Hiện nay chưa một văn bản pháp luật nào định nghĩa rõ thế nào là tài khoản ngân hàng. Theo Khoản 22 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng quy định “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng”. Thực tế, có thể thấy tài khoản ngân hàng là một dạng tài sản do ngân hàng cung cấp cho khách hàng để thực hiện các giao dịch liên quan như: chuyển tiền, nhận tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán,… Với mỗi tài khoản, ngân hàng cung cấp cho khách hàng một dãy số, gọi là số tài khoản ngân hàng. Số tài khoản thường bao gồm 08 chữ số đến 15 chữ số, tùy thuộc vào mỗi ngân hàng.
Trong xã hội ngày càng hiện đại như này, hiện tượng mua bán trái phép tài khoản xuất hiện ngày một gia tăng theo chiều hướng tiêu cực. Bởi lẽ xuất phát từ thực tế nhu cầu của người dân sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp một tăng lên. Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng được hiểu là các bên (bên mua và bên bán) có sự bàn bạc, trao đổi với nhau, theo đó bên bán cung cấp thông tin số tài khoản mà mình có được thu được từ nhiều nguồn cho bên mua và được thanh toán bằng tiền hay hiện vật khác theo sự thỏa thuận của hai bên nhằm thu lợi bất chính hoặc các mục đích khác trái pháp luật.
Lợi dụng lòng tin của các cá nhân, đối tượng mua bán trái phép số tài khoản sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo và chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản giao dịch mua bán.
Hành vi mua bán trái phép tài khoản là hành vi vi phạm pháp luật, mục đích để trục lợi bất chính. Hành vi này đã và đang bị xã hội lên án rất gay gắt.
2. Mức xử phạt hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng:
Hiện tại, tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm và thiệt hại, hậu quả gây ra mức độ nghiêm trọng ra sao để từ đó có chế tài xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
2.1. Xử lý vi phạm hành chính:
Căn cứ tại Khoản 5, khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định rõ mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cho thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm cho thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Ngoài ra, sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
2.2. Xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng với số lượng 20 tài khoản trở lên hoặc có thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ căn cứ dấu hiệu tội phạm.
Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng như sau:
“1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Dấu hiệu pháp lý của tội phạm như sau:
* Khách thể của tội phạm:
Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng xâm phạm nghiêm trọng đến những quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc công dân; quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số của người khác
* Mặt khách quan của tội phạm:
– Hành vi khách quan của tội phạm: gồm 05 hành vi cụ thể
+ Hành vi thu thập trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác: là hành vi tìm kiếm các thông tin tài khoản ngân hàng của người khác mà không có sự đồng ý hay cho phép của ngân hàng cũng như của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
+ Hành vi tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác: Tàng trữ là hành vi cất giấu, lưu trữ các thông tin về tài khoản ngân hàng mà không được sự cho phép của ngân hàng hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các thông tin này người thực hiện hành vi thường sẽ cất giữ trong dữ liệu điện tử như điện thoại, máy tính hoặc các phương thức cất giấu khác.
+ Hành vi trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác: Trao đổi là sự thỏa thuận của cả hai bên bên chuyển qua thông tin về số tài khoản cho nhau mà không có sự cho phép của ngân hàng cũng như của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác: mua bán trái phép là hành vi một bên dùng tiền hay hiện vật khác do các bên thỏa thuận để mua lại thông tin tài khoản từ một bên nhằm mục đích bất chính.
+ Hành vi công khai hóa trái phép về tài khoản ngân hàng của người khác: công khai hóa được hiểu là hành vi lan truyền thông tin về tài khoản của người khác một cách rộng rãi ai cũng có thể biết mà không được sự cho phép của ngân hàng hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Về hậu quả: đây là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, đó là thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác bị thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép với số lượng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng trở lên.
* Chủ thể của tội phạm:
– Chủ thể của tội phạm không phải là chủ thể đặc biệt, bất kì ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này. Theo quy định thì chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
– Yếu tố lỗi: người thực hiện hành vi với lỗi cố ý, nghĩa là người thực hiện hành vi biết rõ thực hiện hành vi là sai nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, người thực hiện hành vi tùy thuộc tính chất, mức độ gây ra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời thông qua đây cũng là lời cảnh tỉnh cho mọi người để tránh cung cấp thông tin tài khoản cho các đối tượng lạ cũng như không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ tài khoản cho người khác.