Cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược, khám bệnh là hành vi bị nghiêm cấm? Xử phạt hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược? Xử phạt hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược?
Chứng chỉ hành nghề bác sĩ được cấp cho các cá nhân trên cơ sở đánh giá năng lực, chuyên môn và điều kiện hành nghề của họ. Do đó chỉ người có tên trên chứng chỉ hành nghề mới đủ điều kiện thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Việc cho thuê chứng chỉ, thuê bằng bác sĩ là vi phạm quy định pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng ngành y tế nói chung. Do đó, luật pháp có quy định về mức xử phạt đối với cả người cho thuê và cá nhân, tổ chức đi thuê chứng chỉ.
Cùng tìm hiểu rõ hơn các hình thức thực hiện, vi phạm và quy định mức xử phạt được nêu trong bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.
– Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Mục lục bài viết
1. Cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược, khám bệnh là hành vi bị nghiêm cấm:
Chứng chỉ hành nghề của người tham gia hoạt động nghề nghiệp là điều kiện cần. Qua đó đánh giá được năng lực, trình độ cũng như chất lượng thực hiện nghề nghiệp. Hiện nay, một số phòng khám tư thục hoặc cửa hàng bán thuốc tây nhỏ lẻ có hành vi thuê, sử dụng chứng chỉ hành nghề của người khác. Do đó ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế cung cấp, qua mắt cơ quan quản lý nhà nước.
Nghề y, điều dưỡng, nghề dược là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy mà các cá nhân làm việc ở cơ sở y tế phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo tiêu chuẩn và quy định pháp luật. Các vi phạm trong việc đi thuê, cho thuê chứng chỉ hành nghề phải được xử lý. Vậy chủ nhân của các chứng chỉ hành nghề đó bị xử phạt như thế nào? Cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết.
– Hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược:
Nghề dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ở đó, các trình dược viên phải đảm bảo chuyên môn, kinh nghiệm khi làm việc cả trong cơ sở y tế nhà nước hay tư nhân. Việc thuê, mượn, cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược để hành nghề hoặc kinh doanh dược là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 9 Điều 6 Luật Dược 2016. Bởi nó không đảm bảo người làm việc có đủ tiêu chuẩn, năng lực theo yêu cầu.
Người trực tiếp làm việc lại không được cấp chứng chỉ hành nghề. Do đó, cơ quan nhà nước khó kiểm soát chất lượng, hiệu quả làm việc của họ và cơ sở nơi họ làm việc. Cũng như có thể để lại các tác động, hệ quả trực tiếp lên người thăm khám, sử dụng thuốc.
– Hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh:
Người khám chữa bệnh phải đảm bảo yêu cầu chuyên môn, đối với ngành nghề có điều kiện. Việc thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động trong trường hợp này là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 4 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Ở đó, việc hành nghề khám bệnh không được đảm bảo.
Người hành nghề khám bệnh không có chứng chỉ được coi là vi phạm. Các cơ sở làm việc cũng không đảm bảo chất lượng lực lượng lao động, chức năng và chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh.
Như vậy,
Đối với đặc thù nghề dược hay nghề khám chữa bệnh mà tính chất vi phạm của hành vi cũng được đánh giá khác nhau. Mức phạt cũng từ đó được quy định trong những điều khoản cụ thể.
2. Xử phạt hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược:
Hành vi cho thuê, mượng chứng chỉ hành nghề dược là vi phạm các quy định về hành nghề dược. Ở đó không đảm bảo chất lượng đánh giá tình trạng sức khỏe, kê thuốc. Trong Nghị định 117/2020/NĐ-CP nêu rõ vi phạm và mức phạt chi tiết cho vi phạm này như sau:
Quy định pháp luật:
“Điều 52. Vi phạm các quy định về hành nghề dược
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược.
[…..]
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược.”
Phân tích quy định pháp luật:
Đối tượng cho thuê, cho mượn bị xử lý khác; và đối tượng đi thuê, đi mượn bị xử lý khác. Xét trên mức độ nghiêm trọng của hành vi thực hiện, bên đi thuê, đi mượn chứng chỉ hành nghề có thể tạo ra các vi phạm nghiêm trọng hơn trên thực tế. Trong mục đích hành nghề dược, họ có nhiều khách hàng, thu về nhiều lợi nhuận trong khi không đảm bảo về chất lượng của đội ngũ hành nghề tại cơ sở của mình.
Người cho thuê, cho mượn thông thường vì mục đích lợi ích, động cơ cá nhân. Do đó mức tiền phạt được xác định chỉ bằng một nửa so với hành vi đi thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề.
Mục đích cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn phải là để hành nghề thì mới được tính là vi phạm để bị xử lý theo quy định.
Hình phạt bổ sung được áp dụng kèm với hình phạt chính. Theo đó, hình phạt được áp dụng cho người cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề cũng khác với bên đi thuê, mượn chứng chỉ hành nghề.
Người làm việc, cơ sở dược chỉ được hoạt động nghề nghiệp có điều kiện sau khi được trả, được cấp các chứng chỉ, chứng nhận theo quy định pháp luật.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
Các biện pháp này được thực hiện khi có hậu quả xảy ra do hành vi vi phạm. Đó là các lợi ích không chính đáng nhận được từ hoạt động nghề nghiệp. Cũng có thể là các hậu quả gây ra trực tiếp do không đảm bảo chuyên môn, năng lực hoạt động nghề nghiệp theo quy định. Do đó, có thể xác định hai biện pháp được áp dụng phổ biến là:
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có).
+ Buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề dược.
Nội dung này được quy định tại điểm g khoản 2, khoản 3, điểm a và điểm b khoản 5 Điều 52 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
3. Xử phạt hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh:
Khám, chữa bệnh trong lĩnh vực y tế là hoạt động nghề nghiệp có điều kiện. Việc cho thuê chứng chỉ hành nghề không được pháp luật cho phép. Bởi chứng chỉ hành nghề được đào tạo, đánh giá tương ứng với chuyên môn, năng lực và trình độ của từng cá nhân. Theo đó, hình thức xử lý hành vi cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để hành nghề khám, chữa bệnh là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Pháp luật đặt ra hình phạt chính, hình thức xử lý bổ sung cho vi phạm này như sau:
Quy định pháp luật:
“Điều 38. Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
…7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
b) Khám bệnh, chữa bệnh khi đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc bị đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
c) Khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu và trường hợp thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định của pháp luật;
d) Thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để hành nghề;
đ) Cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
e) Không kịp thời sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người bệnh;
g) Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.”
– Phân tích quy định pháp luật:
Tại điểm d đưa ra căn cứ đối với trường hợp thuê, mượn chứng chỉ hành nghề. Do vậy đây được xem là căn cứ để áp dụng mức xử phạt tại khoản 7 Điều 38. Chủ thể vi phạm có thể bị phạt tiền với số tiền trong khoảng từ 30 đến 40 triệu đồng.
Ngoài ra, còn nhiều căn cứ khác để xác định đối với hành vi vi phạm trong thực hiện hoạt động nghề nghiệp khám chữa bệnh.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
Các vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh được xem là nghiêm trọng hơn. Trên thực tế cũng có thể để lại các hậu quả nhiều hơn so với nghề dược. Do đó mà việc xử lý vi phạm cũng chặt chẽ và có chế tài nặng hơn. Hai hình thức xử phạt bổ sung được quy định trong luật bao gồm:
+ Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm.
+ Ngoài ra, nếu người nước ngoài tái phạm hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
Biện pháp được lựa chọn trong trường hợp đã có hậu quả trên thực tế. Bao gồm:
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có).
+ Buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Nội dung này được quy định tại điểm d, đ khoản 7; điểm d, đ khoản 8; điểm b, c khoản 9 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Kết luận:
Như vậy, khi hành nghề khám chữa bệnh hoặc nghề dược cần có chứng chỉ hành nghề theo quy định pháp luật. Ngoài ra các cá nhân hay cơ sở hành nghề phải tuân thủ và đảm bảo thực hiện theo đúng pháp luật, tránh các sai phạm đáng tiếc có thể xảy ra. Như không được cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn các chứng chỉ hành nghề.