Mức trợ cấp khi xảy ra thiên tai. Mức trợ cấp sửa chữa nhà ở khi xảy ra thiên tai theo quy định của Nghị định 136/2013/NĐ-CP.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Gia đình em gái tôi hiện đang sinh sống ở khu vực ven một con suối nhỏ thuộc địa phận tỉnh Điện Biên. Cuối tuần vừa rồi, tôi có về thăm gia đình em tôi và tôi cảm thấy rất lo lắng vì nguy cơ xuất hiện lũ quét hay sạt lở đất rất dễ xảy ra. Tôi đã khuyên nó nên di dời chỗ ở nhưng nó không chịu. Vậy xin Luật sư cho biết, trong trường hợp xảy ra lũ quét hay sạt lở đất thì gia đình em tôi có được Nhà nước trợ cấp hay không? Mong nhận được phản hồi sớm từ Luật sư. Xin cám ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Như chúng ta đã biết, Trái Đất đang phải đối mặt với hiện tượng hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ của Trái Đất đã tăng ít nhất là gần 2 độ C trong hơn 1 thế kỷ qua. Băng của hai cực Bắc Cực và Nam Cực bắt đầu tan chảy nhiều hơn và hiện tượng nước biển dâng đang đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Không chỉ vậy các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, gió giật mạnh kéo theo các trận lũ quét, sạt lở đất ở các vùng núi cao đang xuất hiện ngày một nhiều, khiến cho thiệt hại về người và tài sản sau mỗi trận thiên tai ngày càng tăng và khó kiểm soát, khắc phục.
Quay trở lại với vấn đề của bạn, bạn nói rằng gia đình em gái bạn sinh sống ở lưu vực của một con suối nhỏ. Về mặt địa lí thì lưu vực những con suối nhỏ lại là những nơi rất dễ xảy ra lũ quét. Đặc biệt là tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc Bộ như Điện Biên. Nhằm khắc phục hậu quả thiên tai và giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống sau thiên tại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
>>> Luật sư
Theo đó, trong trường hợp gia đình em bạn thuộc diện gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối đa không quá 20.000.000 đồng/hộ (Khoản 1, Điều 15, Nghị định 136/2013/NĐ-CP) hoặc được hỗ trợ không quá 15.000.000 đồng/hộ nếu có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở (Khoản 3, Điều 15, Nghị định 136/2013/NĐ-CP).
Trong trường hợp gia đình của em bạn phải di dời khẩn cấp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối đa không quá 20.000.000 đồng/hộ (Khoản 2, Điều 15, Nghị định 136/2013/NĐ-CP).
Như vậy, trong trường hợp gia đình của em bạn là hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì mới được nhận trợ cấp khi có thiên tai xảy ra gây thiệt hại đến nhà ở. Còn nếu gia đinhg em bạn không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì gia đình em bạn chỉ được nhận trợ cấp về nhà ở khi có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.