Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu như thế nào? Mức lương hưu hằng tháng.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu như thế nào? Mức lương hưu hằng tháng.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi nhập ngũ 02/1975 đến 04/1988 chuyển ngành sang Doanh nghiệp Nhà Nước, là công nhân lao động trực tiếp của công ty Giống cây trồng Thanh Hóa. Hệ số lương được tính là 3,28. Đến tháng 12/2002, tôi chuyển sang làm việc tại Xí nghiệp Xây dựng và bảo dưỡng Giao thông huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Hệ số lương được tính là 4,40. Và đến tháng 01/2005 tôi đã xin nghỉ hưu trước tuổi với tổng thời gian công tác liên tục là 30 năm tròn. Trong đó, thời gian phục vụ trong quân đội là 13 năm 3 tháng trước khi chuyển ngành sang DN Nhà Nước, khi đó tôi đang mang quân hàm Thượng úy (tiền lương hưởng tại thời điểm là 350 đồng/tháng). 10/06/2006 tôi làm đơn nghỉ chế độ, đến 07/09/2006 đã có quyết định Về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hoá. Mức bình quân tiền lương tháng là 1.174.133 đồng. Tỷ lệ % tính lương hưu hàng tháng: 66%. Tôi xin hỏi, thời gian 13 năm 03 tháng phục vụ trong quân đội – cấp bậc Thượng úy (mức lương 350đ/tháng) – có được tính vào tiền lương bình quân hàng tháng hoặc tính % thâm niên thời gian phục vụ trong quân đội hay không? Nếu có thì cách tính như thế nào? Tôi sẽ phải làm những thủ tục gì và gửi đến đâu để có thể được giải quyết? Mong Luật Sư có thể tư vấn giúp tôi?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Nội dung tư vấn
Tại Điều 52 Luật bảo hiểm xã hội 2006 có quy định như sau:
Điều 52. Mức lương hưu hằng tháng
1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.
3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.
Theo thông tin bạn trình bày:
Tháng 2 năm 1975 đến hết tháng 3/1988 bạn nhập ngũ.
Tháng 4 năm 1988 đến tháng 11 năm 2002 bạn là công nhân lao động trực tiếp của công ty Giống cây trồng Thanh Hóa.
Đến tháng 12/2002, tôi chuyển sang làm việc tại Xí nghiệp Xây dựng và bảo dưỡng Giao thông huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 1 năm 2005 bạn xin nghỉ hưu trước truổi.
Đến 07/09/2006 đã có quyết định Về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hoá.
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có 30 năm tham gia bảo hiểm xã hội và tỷ lệ tính lương hưu hàng tháng là 66%.
Theo quy định của Điều 50 Luật bảo hiểm xã hội 2006 thì ngoài điều kiện về độ tuổi thì điều kiện hưởng lương hưu là phải tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm. Nếu không tính khoảng thời gian bạn nhập ngũ thì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của bạn là hơn 17 năm.
Tại Khoản 4 Điều 139 Luật bảo hiểm xã hội 2006 có quy định như sau:
4. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Căn cứ theo các quy định trên thì khi xem xét về điều kiện về số năm tham gia bảo hiểm thì được hiểu là cơ quan bảo hiểm tỉnh Thanh Hóa đã tính cả khoảng thời gian bạn nhập ngũ ( 13 năm 3 tháng).
>>> Luật sư tư vấn về lương hưu qua tổng đài: 1900.6568
Về cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 58 Luật bảo hiểm xã hội 2006 như sau:
Điều 58. Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của năm năm cuối trước khi nghỉ hưu.
2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian; trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này.