Cùng với sự hình thành và phát triển của phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam, tổ chức công đoàn Việt Nam ra đời liên kết những người lao động lại với nhau.
1. Vị trí của công đoàn: Là địa vị của công đoàn với các tổ chức khác của hệ thống tổ chức xã hội nói chung, tổ chức chính trị – xã hội nói riêng và mối quan hệ của công đoàn với các tổ chức đó. Điều 1 Luật công đoàn 1990 đã khẳng định: “Công đoàn là tổ chức, chính trị xã hội rộng rãi của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam”. Tổ chức công đoàn cũng là một tổ chức xã hội như Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội người mù Việt Nam,… nhưng vì công đoàn còn đồng thời là tổ chức chính trị nên có vị thế đặc biệt hơn so với nhiều tổ chức xã hội khác. Tổ chức công đoàn Việt Nam là một trong những “đoàn thể chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và tầng lớp nhân dân do Đảng lãnh đạo, là người đại diện, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân, tham gia quản lý nhà nước và là trường học chủ nghĩa xã hội của đoàn viên, hội viên và là nòng cốt của phong trào cách mạng quần chúng” (Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VI).
2. Vai trò của công đoàn: Là tác dụng của công đoàn đối với các thành viên của nó, đối với các đối tác khác trong quan hệ như Nhà nước, người sử dụng lao động,… ; thông qua đó phát huy tác dụng đối với toàn xã hội. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, công đoàn có vai trò điều hoà và ổn định quan hệ lao động xã hội, đây được coi là vai trò không một tổ chức nào khác có thể thay thế. Vị trí và hoạt động thực tiễn của công đoàn có ý nghĩa quyết định đến vai trò của công đoàn. Đối với các thành viên của mình, công đoàn là người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Người lao động muốn dùng sức mạnh của tập thể lao động của mình để đối chọi với sức mạnh về kinh tế và quyền điều khiển của chủ sử dụng lao động trong quá trình lao động thì không thể thiếu được vai trò của công đoàn. Đối với các đối tác khác trong quan hệ như người sử dụng lao động, công đoàn phối hợp với họ để tổ chức Đại hội công nhân viên chức trong các công ty nhà nước, hoặc hội nghị người lao động trong các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
3. Chức năng của công đoàn: là những phương diện hoạt động chủ yếu của công đoàn. Theo Điều 2 Luật công đoàn 1990, công đoàn có ba chức năng chính.
• Thứ nhất là chức năng đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động – chức năng cơ bản, trọng tâm hàng đầu của tổ chức công đoàn trong cơ chế thị trường hiện nay. Công đoàn có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Chẳng hạn, công đoàn thương lượng với người sử dụng lao động nhằm tăng lương cho người lao động hay đề nghị một mức tiền thưởng xứng đáng hàng quý đối với những người lao động có thành tích cao. Quan hệ lao động muốn diễn ra hài hòa, chức năng này cần được đặt trong mối quan hệ hợp tác và tôn trọng giữa người lao động với người sử dụng lao động và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
• Thứ hai là chức năng đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế – xã hội, quản lý nhà nước. Thực tế, công đoàn thực hiện chức năng này của mình bằng việc tham gia với Nhà nước xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế – xã hội, cơ chế quản lý, chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động. Chính chức năng này xét theo mục đích hoạt động của công đoàn có thể được coi là điều kiện và phương tiện quan trọng để công đoàn thực hiện chức năng bảo vệ. Bởi lẽ, người lao động sẽ được bảo vệ ngay từ những quy định trong các chủ trương, chính sách. Các quy định được ban hành sẽ phù hợp với nguyện vọng của đa số người lao động hơn, dung hòa được lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động. Trong phạm vi của mình, công đoàn thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.
• Thứ ba là chức năng tổ chức, giáo dục, vận động người lao động. Người lao động thông qua công đoàn có thể nhận thức được đầy đủ trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức phấn đấu, bồi dưỡng kiến thức, năng lực nghề nghiệp, kiến thức pháp luật; từ đó, củng cố kỉ
4. Nhiệm vụ của công đoàn là trách nhiệm, công việc mà công đoàn phải làm. Theo pháp luật hiện hành, Công đoàn Việt Nam có những nhiệm vụ cụ thể sau:
– Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
– Triển khai thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết và chủ trương công tác của liên đoàn lao động; của cấp uỷ Đảng và Nghị quyết Đại hội công đoàn cấp mình. Tham gia với cấp uỷ Đảng, cơ quan Nhà nước về các chủ trương phát triển kinh tế – xã hội và các vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động.
– Tổ chức phong trào thi đua yêu nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
– Vận động người lao động tham gia các hoạt động xã hội, hướng dẫn các hình thức, biện pháp chăm lo đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá, đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
– Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước cấp thành phố, công đoàn ngành địa phương, công đoàn tổng công ty để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động đối với các cơ sở đóng trên địa bàn.
– Thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, công tác tổ chức, cán bộ theo phân cấp của liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.
Tổ chức công đoàn Việt Nam có thể nói đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong quan hệ lao động, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay.