Pháp luật thuế GTGT vẫn còn tồn tại những hạn chế, chưa phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, vì vậy cần phải tiếp tục sửa đổi để hoàn thiện hơn.
Mặc dù việc ban hành Luật thuế GTGT sửa đổi đã phần nào đáp ứng được những yêu cầu đã đặt ra trên thực tiễn và có những đóng góp quan trọng vào nguồn tài chính của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật thuế GTGT vẫn còn tồn tại những hạn chế, chưa phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, vì vậy cần phải tiếp tục sửa đổi để hoàn thiện hơn.
Thứ nhất, về đối tượng nộp thuế cần được thu hẹp bằng cách quy định ngưỡng chịu thuế GTGT đối với các hộ kinh doanh cá thể (mức doanh số của đối tượng này). Những đối tượng nào không đạt đến mức doanh số theo quy định sẽ áp dụng thuế khoán ấn định trên doanh thu, còn những hộ kinh doanh cá thể còn lại phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán chứng từ hóa đơn để tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Thứ hai, về đối tượng chịu thuế cần được mở rộng như đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và cho các doanh nghiệp chế xuất nên đưa vào đối tượng chịu thuế (với thuế suất 0%) để tiến hành khấu trừ thuế đầu vào cho các hoạt động này nhằm khuyến khích các hoạt động này phát triển.
Thứ ba, về thuế suất, cụ thể là với mức thuế suất 0% cần có quy định chặt chẽ về đối tượng được hưởng thuế suất này vì áp dụng thuế suất này đồng nghĩa với việc phải hoạt thuế từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên vẫn cần đảm bảo các điều kiện đó phù hợp với chính sách khuyến khích các đối tượng này phát triển.
Thứ tư, về phương pháp tính thuế, cần điều chỉnh phương pháp tính thuế trừ trực tiếp để đảm bảo sự thống nhất và công bằng cho các cách tính thuế và các chủ thể phải nộp thuế, tiến tới việc áp dụng thống nhất phương pháp khấu trừ thuế. Bởi thực tế cho thấy chi phí để quản lý việc nộp thuế của các đối tượng nộp thuế theo phương pháp trực tiếp rất tốn kém và phức tạp, trong khi thuế GTGT thu được từ các đối tượng này không đáng kể.
Thứ năm, về qui định hoàn thuế: các tổ chức sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hóa dịch vụ tại Việt Nam nên đưa ra khỏi diện được hoàn thuế bởi chế định hoàn thuế trong thuế GTGT không kiêm nhiệm chức năng thực hiện chính sách xã hội, chức năng này được thực hiện thông qua các quy định về thuế suất và các hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ sáu, các quy định về hóa đơn, chứng từ: Hóa đơn GTGT là căn cứ pháp lý để xác định phạm vi, nghĩa vụ thuế GTGT như xác định số thuế đầu vào được khấu trừ, số thuế GTGT phải nộp vào ngân sách nhà nước,…và là văn bản quản lý của Nhà nước. Với ý nghĩa quan trọng như vậy của hóa đơn, chứng từ thì các quy định cần được tập hợp thống nhất trong một văn bản để thuận tiện trong việc tra cứu và áp dụng. Ngoài ra, do hiện nay hầu hết các quy định quản lý hóa đơn chứng từ và xử lý vi phạm được ban hành dưới hình thức văn bản có hiệu lực pháp luật thấp như công văn của Tổng cục thuế nên cần phải sửa đổi các quy định về quản lý hóa đơn, chứng từ và xử lý các hành vi vi phạm dưới hình thức văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để tăng hiệu quả trong việc áp dụng và phổ biến với mọi đối tượng.