Một số hạn chế trong quy định về quyền đối với họ, tên và đưa ra phương hướng hoàn thiện.
Một số bất cập:
Thứ nhất, Bộ luật dân sự 2005 và các văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định cụ thể thế nào là hành vi xâm phạm quyền đối với họ, tên
Việc quy định rõ hành vi nào là hành vi xâm phạm quyền đối với họ, tên là cơ sở để đảm bảo quyền này một cách tuyệt đối. Đây chính là thiếu sót của luật này. Muốn điều luật được áp dụng một cách hiệu quả nhất trong thực tế thì nó phải được xây dựng một cách chi tiết nhất có thể, dự liệu được những trường hợp có thể xảy ra. Một khi đã quy định được chi tiết về các hành vi xâm phạm quyền nhân thân thì việc xác định một hành vi có phải là xâm lược quyền nhân thân hay không sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Thứ hai, quy định về trách nhiệm khai sinh không còn phù hợp
Theo điều 14, Nghị định 158/2005/NĐ-CP thì trách nhiệm khai sinh cho trẻ thuộc về cha, mẹ, ông, bà hoặc những người thân thích. Nhưng trong một số trường hợp cá nhân đã thành niên nhưng vẫn chưa được khai sinh. Vậy liệu những cá nhân này có thể tự mình thực hiện quyền khai sinh được không khi pháp luật đã có quy định về những người có thể đi khai sinh như trên? Phải chăng cần có những đổi mới trong quy định của pháp luật để có thể bao quát hết những trường hợp đã từng xảy ra trong thực tế như thế này.
Thứ ba, liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chậm khai sinh.
Trong trường hợp như đã nêu ở trên, tức là việc những người có trách nhiệm khai sinh không thực hiện trách nhiệm của mình thì sẽ phải xử lý ra sao? Bởi khi một cá nhân sống nhiều năm liền mà không được khai sinh sẽ gây rất nhiều bất lợi trong cuộc sống, học tập và những tổn thất về tinh thần là không thể tránh khỏi. Pháp luật ta chưa có chế tại đối với người thực hiện trách nhiệm khai sinh chậm, điều này cũng là một bất cập.
Thứ tư, về việc thay đổi họ, tên của cá nhân quy định tại điểm a, khoản 1 điều 27 Bộ luật dân sự 2005.
Pháp luật công nhận cho cá nhân có quyền thay đổi họ, tên nếu việc sử dụng họ, tên đó có gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người đó. Tuy nhiên việc thực hiện quyền thay đổi họ, tên này lại không được thực hiện bởi những cá nhân chưa đủ tuổi thành niên mặc dù ở thời điểm đó chúng đã có thể nhận thức được tầm quan trọng của cái tên và có mong muốn được thay đổi họ, tên. Có những lý do khiến những người phụ huynh không muốn thay đổi họ, tên cho con mình mặc dù biết điều đó gây ảnh hưởng tới con của họ. Nhưng như vậy liệu đã thật sự công bằng với những đứa trẻ khi chúng là người trực tiếp bị ảnh hưởng mà lại không có quyền được thay đổi họ, tên. Điều này đặt ra nhiệm vụ là sẽ phải có những thay đổi phù hợp để bảo vệ quyền lợi cho những cá nhân.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Phương hướng hoàn thiện pháp luật
– Xây dựng một khái niệm hoàn chỉnh về quyền đối với họ, tên: Muốn áp dụng pháp luật hiệu quả vào trong đời sống trước tiên phải xây dựng được hệ thống pháp luật có thể bao quát được rộng nhất những lĩnh vực trong đời sống. Cũng giống vậy, muốn áp dụng quyền đối với họ, tên thực sự hiệu quả thì phải xây dựng các điều luật về quyền đối với họ, tên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước nhà.
– Bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi người có trách nhiệm khai sinh không đúng thời hạn: Nếu có những chế tài xử phạt thì chắc chắn việc không làm tròn trách nhiệm khai sinh cho trẻ sẽ thuyên giảm đáng kể. Bởi lẽ khi đã được đưa vào trong luật pháp thì mọi người sẽ phải ý thức hơn về hành động của mình để không vi phạm pháp luật.
– Bổ sung thêm quy định cá nhân có quyền tự đi khai sinh: Theo pháp luật hiện hành thì chỉ có cha, mẹ hoặc những người thân thích được làm việc khai sinh này. Phải chăng nếu cá nhân đã thành niên, tức là đã đủ khả năng nhận thức được hành động của mình mà chưa được khai sinh khi còn nhỏ thì nên để cho họ tự mình đi khai sinh? Những quy định của pháp luật nên có tính mềm dẻo hơn để có thể đảm bảo lợi ích của các chủ thể một cách tốt nhất.
– Bổ sung quy định trong điểm a, khoản 1 điều 27 Bộ luật dân sự 2005: Việc thay đổi họ, tên nên được cụ thể hóa chi tiết hơn nữa trong các điều luật, để tránh việc vì những lý do không đáng có mà công dân không được thực hiện quyền thay đổi họ, tên của mình. Việc phân biệt và nhận biết rõ ràng từng trường hợp trong điều luật về quyền thay đổi họ, tên có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của cá nhân muốn thay đổi họ, tên. Các quy định này nên được xây dựng một cách chi tiết và cụ thể hơn để việc áp dụng trên thực tế được hiệu quả.
– Quy định bổ sung khoản 3 điều 26 Bộ luật dân sự 2005 về việc sử dụng bút danh, bí danh: Đối với việc sử dụng, khai thác bút danh, bí danh phải phù hợp và không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Luật cũng cần đưa ra những quy định cụ thể đối với quyền này của cá nhân.