Cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan công an trong việc xác minh thi hành án; phối hợp giải quyết thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù; xử lý các hành vi vi phạm trong thi hành án dân sự,...
Mục lục bài viết
- 1 1. Phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với lực lượng Công an:
- 2 2. Trách nhiệm phối hợp của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện:
- 3 3. Trách nhiệm phối hợp của ủy ban nhân dân cấp xã:
- 4 4. Với Viện kiểm sát nhân dân các cấp:
- 5 5. Với Tòa án nhân dân các cấp:
- 6 6. Quan hệ phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương:
1. Phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với lực lượng Công an:
Cơ quan Công an có vai trò hết sức quan trọng giúp cho công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả. Cơ quan thi hành án dân sự thường phối hợp với các cơ quan công an trong việc xác minh thi hành án; phối hợp giải quyết thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù; xử lý các hành vi vi phạm trong thi hành án dân sự; thực hiện các biện pháp bảo đảm, chuyển giao vật chứng, tài liệu liên quan đến việc thi hành án dân sự; là lực lượng không thể thiếu trong các buổi cưỡng chế, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, đương sự chống đối quyết liệt, việc cưỡng chế thi hành án ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh, chính trị tại địa phương...
Lực lượng Công an là một lực lượng có vũ trang và có nghiệp vụ chuyên trách về việc sử dụng bạo lực chính đáng nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, tổ chức và công dân. Lực lượng Công an luôn luôn nắm chắc tình hình địa phương và địa bàn, sâu sát với dân cư tại địa phương. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với lực lượng Công an giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong THADS, góp phần quan trọng vào việc nâng cao kết quả, hiệu quả thi hành án dân sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, có ý nghĩa răn đe đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối, không tự nguyện thi hành án
Công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với Trại tạm giam trong việc thông báo, đôn đốc thi hành án, trả tiền, tài sản, hướng dẫn người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù nhận, nộp tiền, tài sản tại Trại tạm giam đã có những chuyển biến tích cực. Theo Điều 180 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý người đang chấp hành án hình sự có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự các nội dung sau đây:
+ Giáo dục người đang chấp hành án hình sự thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Toà án;
+ Cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự thông tin liên quan về người phải thi hành nghĩa vụ về dân sự đang chấp hành án hình sự; thực hiện việc thông báo giấy tờ về thi hành án dân sự cho người phải thi hành án đang chấp hành án hình sự;
+ Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thu tiền thi hành án theo quy định của Luật này;
+ Kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự về nơi cư trú của người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù, được đặc xá, được miễn chấp hành hình phạt tù.
2. Trách nhiệm phối hợp của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện:
Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2015 quy định UBND các cấp có trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật”. Đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trách nhiệm quản lý nhà nước được quy định tập trung tại Điều 17 Nghị định số 59/2012/NĐ–CP ngày 13/7/2012 của Chính phủ quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2000/NĐ–CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi bổ, sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ–CP, theo đó UBND các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương.
Theo Điều 173 và Điều 174 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện trong thi hành án dân sự, bao gồm:
– Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn.
– Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.
– Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương.
Ngoài ra, theo Điều 3 Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT–BTP-BCA–BTC TANDTC–VKSNDTC ngày 19/5/2016 giữa Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Tài chính – TAND tối cao – VKSND tối cao quy định hoạt động của ban chỉ đạo thi hành án dân sự, trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng, Chi cục trưởng THADS mà UBND cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là Trưởng ban.
Với những nội dung trên cho thấy, trong quan hệ phối hợp, UBND cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện.
3. Trách nhiệm phối hợp của ủy ban nhân dân cấp xã:
Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, trách nhiệm phối hợp của UBND và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đã được pháp luật quy định.
Theo Điều 175 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với CHV và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt, thỏa thuận thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn. Theo đó:
– Trong công tác đôn đốc, yêu cầu thi hành án: đây là công tác đầu tiên sau khi thụ lý và có vai trò rất quan trọng đối với quá trình thi hành án; công tác này được tiến hành tốt sẽ đem lại hiệu quả thi hành án nhanh chóng, cắt giảm được nhiều thủ tục luật định. Luật không quy định bắt buộc UBND cấp xã phải tham gia vào công tác này, tuy nhiên trên thực tế, vai trò của UBND cấp xã trong công tác này rất quan trọng, khi phối hợp tốt với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt công tác này, công tác thi hành sẽ đạt kết quả cao đối với người phải thi hành án tại địa phương.
– Trong công tác xác minh thi hành án: công tác xác minh đòi hỏi CHV, cán bộ thi hành án phải đến tận cơ sở (là nơi sinh sống, làm việc của người phải thi hành án) tiến hành kiểm tra, xác thực các nguồn thông tin về điều kiện thi hành án. Khoản 4 Điều 44 Luật thi hành án dân sự quy định “Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Uỷ ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh”.
– Trong công tác cưỡng chế thi hành án: sự phối hợp của chính quyền địa phương nơi tiến hành cưỡng chế bảo đảm cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt thủ tục luật định, đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án cũng như an toàn tính mạng, sức khỏe các bên và an ninh, chính trị tại địa phương.
– Trong tuyên truyền, giáo dục và hòa giải giữa các đương sự: UBND cấp xã phối hợp với các cơ quan, ban ngành thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thi hành án dân sự nói riêng, các quy định pháp luật có liên quan tới công dân, các tổ chức trên địa bàn. Bên cạnh đó UBND cùng với cán bộ cơ quan thi hành án đóng vai trò trọng tài giáo dục, hòa giải giữa người được thi hành án với người phải thi hành án cũng như các bên có liên quan, góp phần đem lại hiệu quả công tác cao, giữ gìn truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.
Ngoài ra, để giúp cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tùy từng trường hợp cụ thể mà UBND cấp xã còn có thể có các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm khác được quy định ở các điều khác trong Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan, như: giúp cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thông báo, niêm yết công khai các văn bản, giấy tờ về thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi, bố trí địa điểm, chỗ làm việc để cơ quan thi hành án triệu tập đương sự đến làm việc và những công việc khác theo quy định của pháp luật ...
4. Với Viện kiểm sát nhân dân các cấp:
Cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với Viện kiểm sát các cấp trong việc thi hành án, nhưng thực chất VKSND các cấp kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong thi hành án để hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đúng quy định pháp luật trong quá trình tổ chức THADS như việc: thụ lý; xác minh, phân loại hồ sơ; xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; xử lý tiêu huỷ vật chứng; giải quyết khiếu nại – tố cáo; cưỡng chế thi hành án và các thủ tục khác.
Theo quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính thì Viện Kiểm sát có thẩm quyền rất lớn, phạm vi kiểm sát là rất rộng, tất cả các hoạt động của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, CHV và các hành vi liên quan đến công tác thi hành án dân sự đều được kiểm sát, từ khâu “cấp, chuyển giao, giải thích, đính chính bản án, quyết định của Tòa án, ra quyết định thi hành án...” đến tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả thi hành án. Trong quá trình thi hành án, nếu có những nội dung hoặc hành vi của CHV không đúng pháp luật thì VKSND có quyền kháng nghị; “yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật”. Qua đó, giúp các cơ quan thi hành án dân sự và CHV kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự. Đặc biệt, trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án, định giá tài sản, tiêu huỷ tang vật cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát, phối hợp tốt với cơ quan thi hành án trong công tác đề nghị xét miễn, giảm tiền phạt, án phí theo quy định của pháp luật.
Công tác kiểm sát thi hành án dân sự gồm rất nhiều khâu nghiệp vụ kiểm sát, trong đó có nghiệp vụ kiểm sát trực tiếp thường xuyên đối với hoạt động thi hành án, kiểm sát viên tham gia trực tiếp việc tác nghiệp của CHV trong từng vụ việc. Đây là một trong những nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự có vị trí then chốt để phát hiện các sai phạm một cách toàn diện, kịp thời, có hiệu quả, từ đó kịp thời chấn chỉnh, chấm dứt các vi phạm, hạn chế tới mức thấp nhất các vi phạm của CHV, của cơ quan thi hành án dân sự.
5. Với Tòa án nhân dân các cấp:
Cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với Tòa án nhân dân trong việc tiếp nhận bản án, quyết định; giải thích bản án, quyết định; trả lời kiến nghị khi cơ quan thi hành án có yêu cầu; xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án; giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự về xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự.
Điều 179 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định có trách nhiệm:
+ Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế.
+ Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
+ Trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.
+ Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thuộc thẩm quyền của Toà án phát sinh trong quá trình thi hành án.
6. Quan hệ phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương:
Cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương như: Cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường, cơ quan quản lý xây dựng đô thị, cơ quan tài chính, cơ quan thuế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý doanh nghiệp... trong việc xác minh, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự...
– Với Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng nhà nước: Tại Điều 176 Luật THADS năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định rõ trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác trong công tác THADS, cụ thể như sau: cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của CHV, cơ quan thi hành án dân sự; thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của CHV về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người phải thi hành án; thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của CHV, cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật THADS.
– Với cơ quan bảo hiểm xã hội: Theo Điều 177 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì cơ quan bảo hiểm xã hội có các nhiệm vụ sau: cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về các khoản thu nhập của người phải thi hành án đang được chi trả qua Bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của CHV, cơ quan thi hành án dân sự; thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của CHV về khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án; thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của CHV, cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật này.
– Với cơ quan tài chính: Điều 124 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tài chính trong việc tiếp nhận tài sản, vật chứng sung công, thanh toán các chi phí trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản sung công và hoàn trả lại tiền khi phát hiện có sai lầm trong việc sung công tài sản, vật chứng.
Điều 32 Nghị định số 62/2015/NĐ–CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự cũng xác định: cơ quan tài chính có trách nhiệm tiếp nhận để xử lý vật chứng, tài sản bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước... còn cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thông báo và ấn định cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận vật chứng, tài sản thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được thông báo để tiếp nhận. Hết thời hạn nêu trên mà không tiếp nhận vật chứng, tài sản thì cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận phải thanh toán các khoản chi phí cho việc bảo quản tài sản và phải chịu mọi rủi ro kể từ thời điểm chậm tiếp nhận.
– Với cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm: theo Điều 178 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về trách nhiệm như sau: tạm dừng hoặc dừng việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến các giao dịch đối với tài sản của người phải thi hành án đăng ký tại cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm ngay sau khi nhận được yêu cầu của CHV, cơ quan thi hành án dân sự; thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người mua được tài sản, người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án; thu hồi, sửa đổi, hủy các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, giấy tờ đăng ký giao dịch bảo đảm đã cấp cho người phải thi hành án; thực hiện việc cấp mới các giấy tờ theo quy định của pháp luật.