Mối quan hệ giữa doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân là hết sức chặt chẽ.
Điều 141 Luật doanh nghiệp năm 2005 chỉ rõ: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”.
Như vậy, trong doanh nghiệp tư nhân không xuất hiện sự góp vốn giống như các công ty nhiều chủ sở hữu, nguồn vốn của công ty cũng chủ yếu xuất phát từ tài sản của một cá nhân duy nhất đó là chủ doanh nghiệp. Chính vì thế, mối quan hệ giữa doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân là hết sức chặt chẽ. Điều này được biểu hiện rất rõ qua một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, là qua mối quan hệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp.
Nguồn vốn ban đầu của một doanh nghiệp tư nhân xuất phát chủ yếu từ tài sản của một cá nhân, phần vốn này sẽ do chủ doanh nghiệp tự khai báo với cơ quan đăng ký kinh doanh (gọi là vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân) và được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán của doanh nghiệp. Điều này được quy định trong Điều 142 Luật doanh nghiệp năm 2005:
“1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyền đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
2. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.”
Chính điều này có thể kết luận rằng hầu như không có giới hạn nào giữa phần vốn và tài sản đưa vào kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân và phần tài sản còn lại thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp. Trong mọi thời điểm, sự thay đổi về mức vốn kinh doanh đều có thể diễn ra, vì thế ranh giới giữa phần tài sản và vốn đưa vào kinh doanh và phần tài sản còn lại của chủ doanh nghiệp chỉ tồn tại một cách tạm thời. Hay nói cách khác, không có sự phân biệt rõ ràng giữa hai phần tài sản này. Điều này có ý nghĩa trong việc nhìn nhận về khối tài sản của doanh nghiệp tư nhân, khẳng định vấn đề không thể tách bạch tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chính doanh nghiệp tư nhân đó.
Thứ hai, là qua quan hệ quản lý doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ đầu tư duy nhất, vì vậy cá nhân có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân. Một trong những ưu điểm của việc lựa chọn mô hình doanh nghiệp tư nhân để kinh doanh đó là chủ doanh nghiệp tư nhân không phải chia sẻ quyền quản lý doanh nghiệp với bất cứ đối tượng nào khác. Chủ doanh nghiệp có quyền định đoạt đối với tài sản doanh nghiệp cũng như có toàn quyền quyết định việc tổ chức quản lý doanh nghiệp để doanh nghiệp hoạt động có hiệu qủa nhất. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể tự mình quản lý doanh nghiệp hoặc thuê người khác quản lý doanh nghiệp. Trong trường hợp thuê người quản lý, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước mọi hoạt động của doanh nghiệp dưới sự quản lý, điều hành của người được thuê. Giới hạn trách nhiệm được phân chia giữa chủ doanh nghiệp và người được thuê quản lý thông qua một hợp đồng. Nhưng về cơ bản, người chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và các bên thứ ba đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn là chủ doanh nghiệp tư nhân. Khoản 3 Điều 143 Luật doanh nghiệp năm 2005 còn quy định:
“3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba, là qua việc phân phối lợi nhuận.
Vấn đề phân chia lợi nhuận không đặt ra đối với doanh nghiệp tư nhân, bởi lẽ doanh nghiệp này chỉ có một chủ sở hữu và toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thuộc về một mình chủ doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước và các bên thứ ba. Đây cũng là một ưu điểm khi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp một chủ. Người được thuê điều hành doanh nghiệp tư nhân cũng không có quyền đòi hỏi số % nhất định trong số lợi nhuận thu được nếu điều này không được đặt ra trong hợp đồng thuê người quản lý đã ký giữa chủ doanh nghiệp và người được thuê. Tuy nhiên, việc một cá nhân duy nhất có quyền hưởng lợi nhuận cũng có nghĩa là cá nhân duy nhất đó (cụ thể là chủ doanh nghiệp) sẽ có nghĩa vụ chịu mọi rủi ro trong kinh doanh mà không thể yêu cầu người khác gánh đỡ những rủi ro này. Đây cũng là một điểm hạn chế lớn, là nguyên nhân khiến cho không ít nhà đầu tư không muốn kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân.
Quyền lợi của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp của mình là rất lớn và gần như tuyệt đối. Nhưng cũng chính vì lý do này mà chủ doanh nghiệp tư nhân có trách nhiêm chính trong vấn đề quản lý và điều hành doanh nghiệp. Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp. Sự phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc và tiềm năng kinh tế, năng lực kinh doanh và khả năng điều hành của chủ doanh nghiệp đó. Qua tất cả các biểu hiện trên, ta thấy rằng, doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân có mối liên hệ thực sự mật thiết.