Mở cửa hàng buôn bán vàng mã là một trong những mô hình kinh doanh truyền thống, hiện nay mô hình này vẫn đang rất phổ biến. Vậy mở cửa hàng bán vàng mã có cần phải đăng ký kinh doanh hay không?
Mục lục bài viết
1. Mở cửa hàng bán vàng mã phải đăng ký kinh doanh không?
Có thể nói, vàng mã là một tên gọi khác của tiền âm phủ, đây là loại vật phẩm mà dân tộc Việt Nam thường quan niệm là sử dụng cũng phải đốt cho cõi âm. Vàng mã được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, được in dưới nhiều hình dạng khác nhau như tiền, quần áo, xe, nhà … Các hình thức này của vàng mã sẽ được sử dụng phục vụ trong các ngày lễ, các dịp cúng, đám, giỗ chạp … Tuy nhiên, kinh doanh vàng mã là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bởi vì vàng mã là một trong những mặt hàng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý vô cùng chặt chẽ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định
– Cá nhân hoạt động thương mại là các cá nhân tự mình thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hoặc các hoạt động khác hợp pháp nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, sinh lợi, tuy nhiên không thuộc đối tượng cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, các chủ thể đó cũng không được gọi là thương nhân theo quy định của pháp luật về thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện một trong những hoạt động sau đây:
+ Buôn bán dạo, tức là các hoạt động mua bán không có địa điểm cố định, nay đây mai đó, hoặc vừa đi vừa bán, không có địa điểm rõ ràng trên thực tế, trong đó bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, các văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán hàng rong;
+ Buôn bán vặt, tức là các hoạt động mua bán những đồ vật nhỏ lẻ, có địa điểm cố định hoặc không có địa điểm cố định;
+ Bán quà vặt, tức là các hoạt động bán các loại đồ ăn, bánh kẹo, nước ngọt, có địa điểm cố định hoặc không có địa điểm cố định;
+ Buôn chuyến, tức là các hoạt động mua bán hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến nhất định để bán lại cho người bán buôn hoặc bán lại cho những người bán lẻ;
+ Thực hiện các dịch vụ như đánh giày, bán vé số, sửa chữa xe, trông giữ xe, sửa chữa khóa, cắt tóc, rửa xe, chụp ảnh, vẽ tranh … hoặc các dịch vụ khác có địa điểm cố định và không có địa điểm cố định;
+ Các hoạt động thương mại thực hiện một cách độc lập và thường xuyên không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
– Kinh doanh lưu động, tức là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 79 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, các trường hợp sau đây không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể, ngoại trừ trường hợp kinh doanh ngành nghề đầu tư có điều kiện. Bao gồm:
– Các cá nhân và hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp;
– Người bán hàng rong, người kinh doanh thời vụ, những người buôn chuyến;
– Người kinh doanh dịch vụ có thu nhập thấp, như những người đánh giày, người bán vé số, người bán nước vỉa hè …
Như vậy có thể nói, các chủ thể kinh doanh và mở cửa hàng bán vàng mã không thuộc một trong những trường hợp được miễn đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo như phân tích nêu trên. Do đó, quá trình buôn bán kinh doanh vàng mã sẽ cần phải có giấy phép kinh doanh được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hay nói cách khác, khi mở cửa hàng bán vàng mã, cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.
2. Thủ tục đăng kí kinh doanh, buôn bán các loại vàng mã được thực hiện như thế nào?
Theo như phân tích nêu trên, quá trình buôn bán và kinh doanh vàng mã sẽ cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền. Để đăng ký kinh doanh vàng mã cần phải thực hiện theo các giai đoạn như sau:
Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để đăng ký kinh doanh buôn bán vàng mã. Thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
– Giấy đăng ký hộ kinh doanh cá thể, đăng ký mở cửa hàng vàng mã;
– Hợp đồng thuê cửa hàng, địa điểm kinh doanh hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đất nếu bạn không thuê cửa hàng;
– Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh;
– Văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh;
– Các tài liệu khác khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ phải nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện. Có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu chính.
Bước 3: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra sao giấy biên nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho người nộp hồ sơ. Sau khoảng thời gian 03 ngày làm việc mà không nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hoặc không nhận được thông báo và yêu cầu sửa đổi và bổ sung hồ sơ, người đăng ký kinh doanh có quyền khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền.
Bước 4: Tạo cửa hàng bán vàng mã trên thực tế.
3. Mở cửa hàng bán vàng mã nhưng không đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt như thế nào?
Kinh doanh, buôn bán vàng mã không thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 62 của Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, có quy định cụ thể về mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Các cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Không được quyền thành lập hộ kinh doanh tuy nhiên vẫn tiến hành thủ tục thành lập hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật;
+ Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp bắt buộc cần phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật;
+ Không đăng ký thay đổi nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong khoảng thời gian 10 ngày được tính kể từ ngày có sự thay đổi trên thực tế.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Kê khai không trung thực, không chính xác các loại giấy tờ, tài liệu, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì sẽ bị xử lý theo quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;
+ Tiếp tục kinh doanh các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm dừng của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Như vậy có thể nói, người nào có hành vi buôn bán, kinh doanh vàng mã, tuy nhiên không thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền thì có thể sẽ bị xử phạt lên mức cao nhất là 10.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
– Nghị định 39/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh;
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.