Bên cạnh các chủ thể được ấn định có thẩm quyền ra lệnh khám xét thì trong trong trường hợp khẩn cấp, một số chủ thể đặc biệt có quyền ra lệnh khám xét khẩn cấp và sau đó có nghĩa vụ thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
Mục lục bài viết
1. Thông báo về việc khám xét khẩn cấp là gì?
Khái niệm “khám xét” được ghi nhận trong các tài liệu khoa học về tố tụng hình sự, các tài liệu này đều thể hiện các góc nhìn, cách diễn đạt khác nhau về biện pháp điều tra này. Chẳng hạn, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Anh trong Cuốn Sổ tay pháp luật của Điều tra viên lại định nghĩa: “Khám xét là hoạt động điều tra được quy định trong BLTTHS, do cơ quan điều tra tiến hành bằng cách lục soát người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm để tìm kiếm dấu vết tội phạm, thu thập tài liệu, vật chứng hoặc những đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án” hay Giáo trình Khoa học điều tra hình sự của trường Đại học Luật Hà Nội năm 2014 định nghĩa: Khám xét là biện pháp điều tra được tiến hành bằng cách tìm tòi, lục soát, cưỡng chế người, chỗ ở, địa điểm, thư tín, bưu kiện, bưu phẩm nhằm phát hiện, thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội; đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, đồ vật tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc phát hiện xác chết hay người đang bị truy nã, người bị bắt cóc.
Qua quá trình nghiên cứu các tài liệu khoa học, cùng với việc nắm bắt các quy định của pháp luật, phần lớn các bài viết của Luật Dương Gia đều gần như thống nhất quan điểm rằng: khám xét là là: “một biện pháp điều tra được quy định trong luật tố tụng hình sự, do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành bằng cách tìm tòi, lục soát, cưỡng chế người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm để tìm kiếm, thu thập dấu vết của tội phạm, tài liệu, vật chứng hoặc những đồ vật khác có liên quan đến vụ án theo các căn cứ, trình tự, thủ tục luật định.
Khám xét có các đặc điểm sau:
– Thứ nhất, khám xét là biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự có mục đích là phát hiện, thu thập vật chứng có liên quan trong vụ án hình sự, từ đó làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Đối với biện pháp khám xét, khi thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phát hiện, thu thập được những chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ án. Đó có thể là vũ khí, công cụ, phương tiện phạm tội, những tài sản bị tội phạm chiếm đoạt, những vật mang dấu vết tội phạm, những mẫu vật để nghiên cứu, so sánh hoặc những giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
– Thứ hai, khám xét là biện pháp điều tra mang tính cưỡng chế trong tố tụng hình sự. Có thể thấy khám xét là biện pháp điều tra có tác động mạnh đến những quyền cơ bản của công dân đã được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Đó là các quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được ghi nhận tại Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, những đối tượng bị khám xét có nghĩa vụ phải chấp hành đầy đủ các yêu cầu của lực lượng tiến hành khám xét, nếu các đối tượng bi áp dụng có hành vi cản trở, chống đối hoặc không hợp tác thì tùy theo tính chất của hành vi, họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nhất định.
– Thứ ba, khám xét là biện pháp điều tra có sự đa dạng về đối tượng, địa điểm thực hiện.Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, tội phạm hoặc người bị tình nghi là tội phạm hoặc những người có liên quan khác có thể che giấu những tài liệu, công cụ, phương tiện có liên quan đến vụ án ở nhiều địa điểm, trong nhiều đồ vật khác nhau, đó có thể là trên người, nơi ở, nơi làm việc hoặc trong bưu kiện, bưu phẩm…
Tính khẩn cấp trong khám xét phải xét đến trường hợp không thể trì hoãn được, nếu trì hoãn sẽ ảnh hưởng tới việc điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ, các chứng cứ có thể sẽ biến mất do tác động khách quan hoặc chủ quan, người phạm tội có thể tiến hành tiêu hủy các vật chứng. Do đó, bên cạnh các chủ thể được quyền ban hành lệnh khám xét, Bộ luật tố tụng hình sự lại trao quyền cho các chủ thể khác có quyền ra lệnh khám xét khẩn cấp, xuất phát từ đặc điểm cũng như lĩnh vực, địa bàn hoạt động của cơ quan có chủ thể được trao quyền. (Được nêu rõ ở Mục 4).
Nghĩa vụ thông báo của người ra lệnh khám xét khẩn cấp được ghi nhận tại Khoản 2, Điều 193 Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể: “Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.”
Vậy thông báo về việc khám xét có mục đích, ý nghĩa như thế nào?
Có thể thấy rằng, thông báo về việc khám xét nhằm hợp pháp hóa hoạt động của chủ thể có thẩm quyền ban hành lệnh, là thủ tục bắt buộc mà chủ thể này phải thực hiện, nhằm thông tin tới Viện kiểm sát, để Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc kiểm sát hoạt động tư pháp, xem xét tính đúng pháp luật trong quyết định vi khám xét người của người thi hành lệnh. Thông báo cũng là căn cứ để đánh giá tính tuân thủ pháp luật của chủ thể có thẩm quyền.
2. Mẫu thông báo về việc khám xét khẩn cấp:
Mẫu số: 126 Ban hành theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA, ngày 08/12/2021:
…………….. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc | ||
Số: ……… /TB- ……… | ……., ngày ……….. tháng ……….. năm……… |
THÔNG BÁO
Về việc khám xét khẩn cấp
Kính gửi:……………..
Căn cứ(*)…………
Xét thấy không thể trì hoãn được,
Căn cứ Điều 192 và khoản 2 Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan…………. đã ra Lệnh khám xét khẩn cấp …………….. số:…….. ngày……..tháng …….. năm…………tại……………….. đối với:
Họ tên: ………………. Giới tính: ……………..
Tên gọi khác: ……….
Sinh ngày………….tháng………..năm………………tại:…………
Quốc tịch:…………; Dân tộc:…………; Tôn giáo: ………….
Nghề nghiệp: ………
Số CMND/Thẻ CCCD/Hộ chiếu:……….
cấp ngày ……… tháng ………. năm ………… Nơi cấp: ……..
Nơi thường trú: ……..
Nơi tạm trú: ……………..
Nơi ở hiện tại: …………..
Việc thi hành Lệnh khám xét khẩn cấp kết thúc vào hồi ……. ngày …….tháng ……. năm…….
Cơ quan……..
thông báo cho Viện kiểm sát ……………………… biết.
Nơi nhận: – Như trên; – ……….; -……….; – Hồ sơ 02 bản. | …….. |
(*) Ghi rõ căn cứ để ra Lệnh khám xét người, khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện quy định tại Điều 192 BLTTHS.
3. Thẩm quyền ra lệnh khám xét khẩn cấp:
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 193
Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật tố tụng hình sự bao gồm những người sau đây có quyền ra lệnh khám xét:
– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
– Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc Trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển;
– Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi bến cảng, sân bay.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
Cơ sở pháp lý:
Thông tư 119/2021/TT-BCA quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự.