Phong tỏa tài khoản, tài sản là biện pháp bảo đảm thi hành án được áp dụng phố biến trong quá trình thi hành án hình sự do chủ thể có thẩm quyền thực hiện. Hiện nay, mẫu quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản, tài sản (33/QĐ-PTHA) là văn bản mà nhiều quý bạn đọc quan tâm đến.
Mục lục bài viết
1. Quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản, tài sản là gì?
Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là biện pháp pháp lý được Chấp hành viên áp dụng theo một trình tự, thủ tục luật định trong quá trình tổ chức thực hiện việc thi hành án, đặt tài sản của người phải thi hành án trong tình trạng bị hạn chế hoặc tạm thời bị cấm sử dụng, định đoạt, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng nhằm bảo toàn điều kiện thi hành án, ngăn chặn người phải thi hành án thực hiện tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng về tài sản trốn tránh việc thi hành án, làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án.
Ta có thể thấy phong tỏa tài khoản tại ngân hàng có thể áp dụng trong các vụ án kinh doanh, thương mại, tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, về lao động và chỉ áp dụng đối với người có nghĩa vụ có tài khoản trong ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng nhà nước Việt nam được xác định cụ thể.
Như vậy, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước được hiểu là biện pháp nghiệp vụ làm cho mọi hoạt động tiền ra của cá nhân, tổ chức có mở tài khoản trong ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng khi có nghĩa vụ, có điều kiện thực hiện nghĩa vụ mà không tự nguyện thực hiện và có hành vi tẩu tán rút tiền ra khỏi tài khoản, cố tình không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bị buộc thực hiện bằng biện pháp phong tỏa tài khoản; không cho chuyển dịch tiền trong tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng nhà nước Việt nam và chủ tài khoản không được phép thực hiện giao dịch với số tiền bị phong tỏa, các giao dịch đó bị vô hiệu.
Trên cơ sở vụ việc và điều kiện thi hành án cụ thể về tài khoản người phải thi hành án, Chấp hành viên là người duy nhất có quyền hạn Quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án (tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, Kho bạc nhà nước…) để sau đó cưỡng chế thi hành án dân sự, nhưng cần phải hội tụ đủ căn cứ sau đây: Sự phân công vụ việc cho Chấp hành viên tổ chức thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; kết quả xác minh hoặc thông tin về điều kiện, về tài khoản của người phải thi hành án từ người được thi hành án hoặc từ người có quyền lợi liên quan, nhờ đó có căn cứ xác đáng tránh được khiếu kiện sau này về việc phong tỏa tài khoản, khi áp dụng thì buộc mọi người tuyệt đối tuân thủ và chấp hành một cách nghiêm túc.
Chấm dứt phong tỏa tài khoản, tài sản là việc tổ chức tín dụng mở lại các quyền năng cho chủ tài khoản, tức là chủ tài khoản có quyền thực hiện các giao dịch chuyển tiền vào và rút tiền ra với tư cách là chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt.
Quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản, tài sản là văn bản do Chấp hành viên đã ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ban hành khi thỏa mãn các điều kiện được quy định trong Luật Thi hành án dân sự, nhằm cho phép người phải thi hành án được thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu tài khoản.
Quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản, tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người phải thi hành án, đây là căn cứ để họ thực hiện quyền của mình đối với số tiền có trong tài khoản, tài sản, cũng là căn cứ để chứng minh tính tuân thủ pháp luật của họ trong quá trình thi hành án. Văn bản này là cơ sở để hợp pháp hóa hoạt động của chấp hành viên, người phải thi hành án, các tổ chức tín dụng nơi người phải thi hành án mở tài khoản. Quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản phải được ban hành ngay sau khi có các căn cứ luật định. Các căn cứ này được ghi nhận tại Điều 77, cụ thể:
– Người phải thi hành án đã thi hành xong nghĩa vụ thi hành án. Điều này tức là người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ được ghi nhận trong bản án, quyết định của
– Cơ quan, tổ chức đã thực hiện xong yêu cầu của Chấp hành viên về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Đây là căn cứ được hiểu là các tổ chức tín dụng đã thực hiện xong việc khấu trừ (hàng tháng) tiền trong tài khoản để đảm bảo cho hoạt động thi hành án
– Có quyết định đình chỉ thi hành án, khi thuộc một trong các căn cứ như: Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế; Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;….
Biện pháp phong tỏa tài khoản trong thi hành án dân sự trực tiếp ngăn chặn hiệu quả số tiền của người phải thi hành án một cách nhanh chóng, hiệu quả. Biện pháp này trên thực tế ngày nay có ý nghĩa to lớn, bảo vệ được niềm tin của người dân nói chung, người được thi hành án nói riêng. Quyền lợi của người được thi hành án được bảo vệ một cách công bằng, hiệu quả nhất.
Biện pháp phong tỏa tài khoản thể hiện được sức mạnh quyền lực của nhà nước đại diện là cơ quan thực thi và áp dụng pháp luật vì tài khoản là bí mật của cá nhân bất khả xâm phạm được nhà nước bảo vệ không được cung cấp thông tin cho bất kỳ ai ngoài chủ tài khoản nhưng khi được sự yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức quản lý tài khoản của cá nhân, tổ chức phải cung cấp đầy đủ thông tin về tài khoản mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nhằm phục vụ cho công việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được thi hành án.
Bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa khác cũng không kém phần quan trọng là: sử dụng quyền lực nhà nước bảo đảm tính hiệu lực bản án, quyết định của Tòa án nhằm ổn định chính trị và trật tự xã hội cũng được đảm bảo, theo quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”, từ việc đảm bảo được lợi ích của người được thi hành án nên củng cố được niềm tin pháp luật của người dân vì nếu trong tất cả các trường hợp không được biết thông tin của khách hàng thì sẽ tạo tâm lý e ngại của mọi người dân vào pháp luật.
2. Mẫu quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản, tài sản:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————————
BTL QK….(BTTM, QCHQ) (1)
PHÒNG THI HÀNH ÁN
——-——-——-
Số: /QĐ-PTHA (2)
…(3)………, ngày ….. tháng ….. năm ……
QUYẾT ĐỊNH
Về việc chấm dứt việc phong tỏa tài khoản, tài sản
CHẤP HÀNH VIÊN
Căn cứ … Điều … Luật Thi hành án dân sự …………;
Căn cứ Bản án, Quyết định số ………….. ngày ….. tháng …… năm……… của Tòa án …………. ………………………. (các bản án, quyết định phải thi hành);
Căn cứ Quyết định thi hành án số …………. ngày….. tháng….. năm ……… của Trưởng phòng Thi hành án ………………;
Căn cứ Quyết định về việc phong tỏa tài khoản (tài sản) số ………………… ngày ….. tháng …… năm …….. của …………..;
Căn cứ kết quả thi hành án của: ………………… địa chỉ …………………… ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chấm dứt phong tỏa tài khoản (tài sản) của ……….(4)…………
địa chỉ ….(5)……
Đối với tài khoản (tài sản) tại: …..(6)……..
Địa chỉ ……
Điều 2. …. người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
– Như Điều 1, 2;
– Cục THA/BQP;
– Viện KSQS……;
– Lưu: VT, HS, THA; ….
CHẤP HÀNH VIÊN (7)
3. Hướng dẫn mẫu quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản, tài sản:
(1) Ghi tên cơ quan chủ quản
(2) Ghi số, ký hiệu văn bản
(3) Ghi địa danh (tỉnh, thành phố), ngày tháng năm ban hành quyết định
(4) Ghi tên người phải thi hành án
(5) Ghi rõ số nhà, tên đường, phường, quận, tỉnh, thành phố
(6) Ghi tên tổ chức tín dụng và địa chỉ của tổ chức tín dụng
(7) Chấp hành viên ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu.
Cơ sở pháp lý:
Thông tư 96/2016/TT-BQP quy định công tác kiểm tra, biểu mẫu nghiệp vụ về thi hành án dân sự trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành.