Khi tiến hành xây dựng hay di dời công trình, có những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng. Vậy mẫu giấy phép di dời công trình là gì? Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép di dời công trình như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Giấy phép di dời công trình là gì?
Mẫu giấy phép di dời công trình là mẫu giấy phép nhằm đề nghị cơ quan cấp giấy phép xây dựng cấp cho các nhà chủ đầu tư về việc di dời công trình sang một địa điểm mới do những lý do khách quan, và chủ quan, mẫu đơn nêu rõ thông tin của nhà chủ đầu tư xây dựng công trình, thông tin về công trình di dời và địa điểm di dời… Mẫu đơn được ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, mục đích của mẫu đơn là nhằm đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có công trình xem xét và quyết định cấp giấy phép di dời công trình.
2. Mục đích của cấp giấy phép di dời công trình:
Khi di dời công trình xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình bắt buộc phải xin cấp giấy phép di dời công trình xây dựng. Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình xây dựng được chủ đầu tư gửi cho Ủy ban nhân dân quận, huyện với lý do khách quan và chủ quan mà công trình cần di dời, mẫu đơn này nhằm mục đích đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có công trình xem xét và quyết định cấp giấy phép di dời công trình.
Việc di dời công trình xây dựng từ vị trí này đến vị trí khác phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận và bảo đảm giữ nguyên kiến trúc đối với công trình có yêu cầu cần phải bảo tồn.
Nhà thầu thực hiện di dời công trình xây dựng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo đảm an toàn đối với công trình được di dời và các công trình lân cận, thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Mẫu giấy phép di dời công trình:
CƠ QUAN CẤP GIẤY PHÉP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| , ngày…..tháng…. năm… |
GIẤY PHÉP DI DỜI CÔNG TRÌNH
Số: /GPDDCT
1. Cấp cho: …
– Địa chỉ:…
Số nhà: …đường (phố): …
phường (xã):… quận (huyện)…
tỉnh/thành phố: …
2. Được phép di dời công trình:
– Tên công trình:…
– Từ địa điểm: (ghi rõ lô đất, địa chỉ)
– Quy mô công trình: (diện tích mặt bằng, chiều cao công trình)
– Tới địa điểm: … (ghi rõ lô đất, địa chỉ)
– Lô đất di dời đến: (diện tích, ranh giới)
– Cốt nền công trình di dời đến: …
– Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng: …
3. Thời gian di dời: Từ …đến …
4. Nếu quá thời hạn quy định tại giấy phép này phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng.
Nơi nhận: | THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN |
(Trang 2)
CHỦ ĐẦU TƯ PHẢI THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG SAU ĐÂY:
1. Phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xâm phạm các quyền hợp pháp của các chủ sở hữu liền kề.
2. Phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, về đầu tư xây dựng và Giấy phép xây dựng này.
3. Thực hiện thông báo khởi công xây dựng công trình theo quy định.
4. Xuất trình Giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật và treo biển báo tại địa điểm xây dựng theo quy định.
5. Khi điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 98 Luật Xây dựng năm 2014 thì phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng và chờ quyết định của cơ quan cấp giấy phép.
ĐIỀU CHỈNH/GIA HẠN GIẤY PHÉP
1. Nội dung điều chỉnh/gia hạn: …
2. Thời gian có hiệu lực của giấy phép: …
| …, ngày… tháng …năm … |
……, ngày …… tháng …… năm …… | |
Thủ trưởng cơ quan cấp giấy phép xây dựng (Ký tên, đóng dấu) |
4. Hồ sơ cấp giấy phép di dời công trình:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp di dời công trình bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình, đơn này được ban hành theo mẫu quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP (mẫu đơn ở phần 3 nêu trên).
– Bản sao giấy tờ hợp pháp về sở hữu công trình, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất nơi công trình sẽ di dời đến theo quy định của pháp luật.
– Bản vẽ hoàn công công trình (nếu có) hoặc bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng công trình được di dời, gồm mặt bằng, mặt cắt móng và bản vẽ kết cấu chịu lực chính; bản vẽ tổng mặt bằng địa điểm công trình sẽ được di dời tới; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng tại địa điểm công trình sẽ di dời đến.
– Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện.
– Phương án di dời do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện gồm:
+ Phần thuyết minh về hiện trạng công trình và khu vực công trình sẽ được di dời đến; giải pháp di dời, phương án bố trí sử dụng phương tiện, thiết bị, nhân lực; giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình, người, máy móc, thiết bị và công trình lân cận; bảo đảm vệ sinh môi trường; tiến độ di dời; tổ chức, cá nhân thực hiện di dời công trình;
+ Phần bản vẽ biện pháp thi công di dời công trình.
5. Thủ tục cấp giấy phép di dời công trình:
– Bước 1: Chủ đầu tư chuẩn bị 02 bộ hồ sơ theo quy định và nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân quận, huyện, từ thứ hai đến thứ sáu (buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 12 giờ 00 phút, buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút) và buổi sáng thứ bảy từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút.
– Bước 2: Ủy ban nhân dân quận, huyện tiếp nhận kiểm tra hồ sơ
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cấp biên nhận hồ sơ có ngày hẹn trả kết quả trao cho người nộp.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì hướng dẫn để người nộp hoàn thiện hồ sơ.
– Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ bổ sung, Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo.
+ Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo: trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ bổ sung, Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;
– Bước 4:
+ Căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời, Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;
+ Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan quản lý nhà nước được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan này không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ các quy định hiện hành để quyết định việc cấp giấy phép di dời;
– Bước 5: Trong thời gian 30 ngày đối với công trình và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép di dời. Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì Ủy ban nhân dân quận, huyện phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện để cấp giấy phép di dời trong thời hạn quy định, Ủy ban nhân dân quận, huyện thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ đầu tư biết.
Bước 6: Chủ đầu tư nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Ủy ban nhân dân quận, huyện theo thời hạn ghi trong giấy biên nhận.
Những căn cứ pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật xây dựng năm 2014.
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.