Đối với các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu ở Việt Nam, đây là cơ sở buộc phải sở hữu những cá nhân có khả năng, kỹ năng lành nghề trong quá trình thực hiện hoạt động đóng tàu, cải hoán tàu. Ở nước ta, các cơ sở này phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Vậy, Mẫu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá có nội dung như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá là gì?
Theo tìm hiểu của tác giả về khái niệm đóng mới và cải hoán tàu cá, thì pháp luật chung không đưa ra bất kỳ giải thích nào, tuy nhiên, trong phần lớn các quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển, đều thống nhất định nghĩa về đóng mới và cải hoán tàu cá như sau:
– Đóng mới tàu cá: Là quá trình thực hiện thi công đóng tàu cá từ lúc dựng sống chính (ky) hoặc bước thi công tương tự đến khi bàn giao đưa tàu cá vào khai thác.
– Cải hoán tàu cá: Là việc sửa chữa làm ảnh hưởng đến tính năng kỹ thuật của tàu cá (thay đổi kích thước cơ bản của vỏ, thay đổi máy chính, thay đổi công dụng, thay đổi vùng hoạt động của tàu cá).
Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá là tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện luật định thực hiện hoạt động đóng mới, cải hoán tàu cá, cụ thể:
– Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu cá được đóng mới, cải hoán;
– Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
– Có nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh;
– Có hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu.
Đây cũng là các điều kiện để cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá. Bên cạnh đó, căn cứ vào vỏ tàu cụ thể (vỏ thép, vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới), thì cơ sở thực hiện đóng mới, cải hoán phải đáp ứng được các điều kiện về có nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu; Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật tối thiểu; Có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương (đối với cơ sở loại I, loại II); có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá (đối với cơ sở loại III).
Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp cho cơ sở đáp ứng đủ điều kiện luật định và có đề nghị cấp giấy chứng nhận tới cơ quan có thẩm quyền.
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thứ nhất, giấy chứng nhận là căn cứ để cơ sở được hoạt động một cách hợp pháp, là hình thức biểu hiện sự đồng ý, chấp thuận của nhà nước đối với hoạt động của cơ sở. Thứ hai, giấy chứng nhận là cách thức để nhà nước quản lý, nắm bắt được được số lượng cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước. Thứ ba, giấy chứng nhận cũng là căn cứ để cơ sở thực hiện các quyền hạn nhất định xoay quanh hoạt động của mình. Từ đây, có thể xác định trách nhiệm của cơ sở nếu gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người khác, cộng đồng, lợi ích của nhà nước.
Quá trình đề nghị và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Trình tự, thủ tục: Cơ sở nộp hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có địa điểm đóng mới, cải hoán tàu cá của cơ sở. Hồ sơ bao gồm: (1) Đơn đề nghị; (2) Bản thuyết minh điều kiện cơ sở.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện cơ sở; trường hợp kiểm tra, đánh giá tại cơ sở không đáp ứng điều kiện, cơ sở thực hiện khắc phục; sau khi khắc phục cơ sở có văn bản
Trường hợp hồ sơ và điều kiện cơ sở đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đánh giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều quan trọng nhất trong quá trình cấp Giấy chứng nhận là việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện cơ sở, đây là thủ tục quyết định cơ sở có được cấp Giấy hay không, là thủ tục bắt buộc Sở phải thực hiện để kiểm tra điều kiện về cơ sở (một trong các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận được nêu ở Mục 1).
Như đã nói ở trên, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của cơ sở kể từ thời điểm được cấp, đó là các quyền và nghĩa vụ được ghi nhận tại Điều 65, Luật Thuỷ sản, trong đó:
Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có quyền sau đây: Đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định; Thu chi phí đóng mới, cải hoán tàu cá theo thỏa thuận; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có nghĩa vụ sau đây: Chỉ được đóng mới, cải hoán tàu cá thuộc diện phải có Giấy phép khai thác thủy sản khi tổ chức, cá nhân đề nghị đóng mới, cải hoán tàu cá có văn bản chấp thuận do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp; Chịu sự giám sát kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm; Đóng mới, cải hoán tàu cá theo đúng thiết kế được tổ chức đăng kiểm thẩm định, phê duyệt; Chịu trách nhiệm về chất lượng tàu cá đóng mới, cải hoán; Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về đóng mới, cải hoán tàu cá theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với việc quy định quyền và nghĩa vụ cho cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá buộc cơ sở phải có trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ để bảo vệ quyền của chính mình, chính thức công nhận cơ sở là một chủ thể được tham gia vào các quan hệ pháp luật, xác lập các quan hệ mang lại lợi ích cho mình, từ đây, cơ sở đóng mới, cải hoán tàu phải thực hiện các hoạt động gắn liền với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nói cách khác mọi hoạt động phát sinh phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhằm tránh tình trạng hoạt động bừa bãi và thiếu tính chuyên nghiệp.
2. Mẫu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá (04.TC):
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
GIẤY CHỨNG NHẬN
CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU CÁ
GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN …(1)…
CHỨNG NHẬN:
Tên cơ sở: ……(2)……
Địa chỉ: …..(3)………
Điện thoại: …..(4)……
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đầu tư: …..
Đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ ……(5)… có chiều dài lớn nhất từ…(6)… theo quy định.
NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN
(Ký tên, đóng dấu)
Số: /GCN
(Đã cấp lần 1 ngày: …
Cấp lần 2 ngày: ….)
3. Hướng dẫn mẫu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá:
(1) Ghi tên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ví dụ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình.
(2) Ghi tên cơ sở đóng mới, cải hoán tàu. Ví dụ: Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.
(3) Ghi địa chỉ trụ sở chính (ghi rõ số nhà, tên đường, phường, quận, thành phố (tỉnh).
(4) Ghi số điện thoại của cơ sở (thường xuyên liên lạc, có thể là hotline).
(5) Vỏ thép, vỏ gỗ hoặc vật liệu mới.
(6) Tuỳ theo cơ sở loại I, II, III để xác định. Cụ thể:
– Cơ sở loại I: đóng mới, cải hoán tất cả các loại tàu cá theo vật liệu vỏ.
– Cơ sở loại II: đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét theo vật liệu vỏ.
– Cơ sở loại III: đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét theo vật liệu vỏ.
Cơ sở pháp lý:
Luật Thuỷ sản năm 2017.
Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản.