Hiện nay, đối tượng được đánh số nhà và gắn biển số nhà bao gồm: nhà ở, công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là nhà);.... Khi xin cấp biển số nhà thì người yêu cầu cầu phải làm đơn xin cấp biển số nhà gửi đến cơ quan có thẩm quyền xin cấp biển số nhà.
Mục lục bài viết
1. Mẫu đơn xin cấp biển số nhà là gì?
Mẫu đơn xin cấp biển số nhà là mẫu đơn được lập ra để gửi đến cơ quan có thẩm quyền xin cấp biển số nhà. Mẫu đơn xin cấp biển số nhà nêu rõ thông tin về người làm đơn( họ tên, số chứng minh nhân dân/ căn cước công dân,..) nội dung đơn ( đề nghị xin cấp biển số nhà, địa chỉ của ngôi nhà), ý kiến xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu đơn xin cấp biển số nhà là mẫu đơn do cá nhân lập ra gửi đến cơ quan có thẩm quyền Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn để đề nghị cấp biển số nhà. Mẫu đơn xin cấp biển số nhà là cơ sở để Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xem xét và cấp biển số nhà cho người làm đơn.
2. Mẫu đơn xin cấp biển số nhà:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP SỐ NHÀ
(Trường hợp cấp số nhà mới theo hình thức đơn lẻ)
Kính gửi: – Ủy ban nhân dân (thị xã) ………….
– Ủy ban nhân dân (cấp xã) …..………..
Tên tôi là: ………..(1)
Giấy CMND số: ………., cấp ngày….tháng….năm….(2)
tại: ………
Nay tôi làm đơn đề nghị cấp số nhà cho căn nhà tại Đường …………….(3)
Tổ …….., Khu phố…………… Phường …………..(3)
Nguồn gốc căn nhà: ………..(4 )
Ý kiến xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường
(Nêu rõ nguồn gốc đất, thời điểm xây dựng và không có tranh chấp)…..(5) (5): Điền ý kiến xác nhận của UBND phường
…….., ngày…tháng…năm..
TM. UBND ………
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo:
(1): Điền tên người làm đơn
(2): Điền số chứng minh nhân dân của người làm đơn
(3): Điền địa chỉ nhà xin cấp biển số nhà
(4): Điền nguồn gốc căn nhà
4. Quy định về quy chế đánh số và gắn biển số nhà:
– Cơ sở pháp lý: Quyết định 05/2006/QĐ- BXD
– Thứ nhất về nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và nhà trong ngõ, trong ngách (Điều 4 Quyết định 05/2006/QĐ- BXD)
– Nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và nhà trong ngõ, trong ngách được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3…, n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7…), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8…).
– Nguyên tắc chiều đánh số nhà, theo đó pháp luật quy định : chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc. Nếu trong trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì lấy chiều đánh số nhà là chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ. Đối với trường hợp ngõ đặt tên theo đường, phố và ngõ thông ra đường, phố cả hai phía, thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ bên kia.
– Thứ hai về nguyên tắc đánh số căn hộ của nhà chung cư (Điều 5 Quyết định 05/2006/QĐ- BXD)
– Nguyên tắc đánh số căn nhà của nhà chung cứ được quy định như sau: cũng tương tự như đánh số nhà mặt đường và nhà trong ngõ, trong ngách thì đánh số căn hộ được sử dụng dãy số tự nhiên với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Hai chữ số hàng chục và hàng đơn vị ghi số căn hộ, hai chữ số hàng nghìn và hàng trăm chỉ tầng nhà có căn hộ đó.
– Chiều đánh số căn hộ, pháp luật quy định về chiều đánh số căn hộ đối với từng trường hợp như sau: Đối với trường hợp ngôi nhà chung cư có một cầu thang ở giữa, bố trí hành lang giữa hoặc không có hành lang thì chiều đánh số căn hộ hoặc phòng được thực hiện theo chiều quay kim đồng hồ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên phía bên trái của người bước lên tầng nhà đó. Còn đối với trường hợp ngôi nhà có nhiều cầu thang, bố trí hành lang giữa thì chọn cầu thang có vị trí gần nhất tiếp giáp với lối đi vào thì chiều đánh số thực hiện theo nguyên tắc đã nêu ở trên.
+ Trường hợp ngôi nhà có hành lang bên thì chiều đánh số căn hộ theo chiều từ trái sang phải của người đứng quay mặt vào dãy căn hộ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên, phía bên trái.
– Thứ ba, về nguyên tắc đánh tên nhóm nhà ( Điều 6 Quyết định 05/2006/QĐ- BXD)
Thông thường, trong một khu có nhiều nhà tạo thành các nhóm nhà mà các lối đi giữa các nhóm nhà không được đặt tên (đường, phố, ngõ, ngách) thì cần phải đánh tên nhóm nhà theo quy định của pháp luật như sau: về việc đánh tên nhóm nhà được áp dụng chữ cái in hoa của tiếng Việt (A, B, C…) sắp xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Việt với chiều theo nguyên tắc sắp xếp của các nhóm nhà trong khu vực đó.
Đối với trường hợp khu nhà trong một biển số nhà, có nhiều nhóm nhà thì chiều đánh tên nhóm nhà được bắt đầu từ nhóm nhà nằm gần lối vào khu nhà đi dần vào phía cuối khu nhà, trong trường hợp các nhóm nhà nằm 2 bên trục đường giao thông nội bộ thì chiều đánh tên nhóm nhà cũng xác định theo phương pháp này, các nhóm nhà nằm phía bên trái đường nội bộ đánh tên A,C, Đ, G, I,…, các nhóm nhà phía bên phải đường nội bộ đánh tên B, D, E, H, K….
– Thứ tư về nguyên tắc đánh tên ngôi nhà trong một nhóm nhà ( Điều 7 Quyết định 05/2006/QĐ- BXD)
Nguyên tắc đánh tên ngôi nhà trong một ngôi nhà được áp dụng như sau: tên ngôi nhà trong nhóm nhà được viết bằng tên ghép của tên nhóm nhà và số thứ tự của ngôi nhà trong nhóm nhà đó (ví dụ: A10, B15, C4…..). Trong đó, tên nhóm nhà được xác định theo quy định của pháp luật và số thứ tự của ngôi nhà được dùng là các số tự nhiên (1, 2, 3…, n). Đối với chiều đánh số thứ tự của ngôi nhà trong mỗi nhóm nhà được xác định theo nguyên tắc sắp xếp các ngôi nhà trong nhóm nhà đó.
– Thứ năm về nguyên tắc đánh số tầng nhà của nhà chung cư ( Điều 8 Quyết định 05/2006/QĐ- BXD)
– Nguyên tắc đánh số tầng nhà của nhà chung cư được thực hiện theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng dưới lên tầng trên, bắt đầu từ tầng 1 của ngôi nhà (không tính tầng hầm). Trong đó có dùng các số tự nhiên (1, 2, 3,…, n, với n là tổng số tầng của ngôi nhà) để đánh số tầng và được lấy từ số nhỏ đến số lớn. Ngoài ra, nguyên tắc đánh số nhà của nhà chung cư có thể đặt tên tầng trệt thay cho tầng 1, khi đó các tầng tiếp theo từ dưới lên được đánh số là tầng 1, tầng 2,… tầng n-1.
– Nếu trong trường hợp nhà có tầng ngầm thì đánh số tầng ngầm thì nguyên tắc đánh số nhà được thực hiện theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng ngầm ở trên cùng xuống ngầm phía dưới, bắt đầu từ tầng ngầm gần nhất với tầng 1 hoặc tầng trệt của ngôi nhà. Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3,…, n với n là tổng số tầng ngầm của ngôi nhà) để đánh số tầng ngầm, lấy từ số nhỏ đến số lớn. Để giúp cho việc phân biệt với tầng nhà thì viết thêm ký hiệu N vào trước số tầng ngầm (ví dụ: N1, N2, N3,…).
– Thứ sáu về nguyên tắc gắn biển số nhà tại đường, phố, ngõ, ngách
– Đối với mỗi nhà mặt đường, nhà trong ngõ, trong ngách được gắn 1 biển số nhà để phân biệt giữa nhà này với nhà khác. Trong trường hợp một nhà có nhiều cửa ra vào từ nhiều đường, phố, ngõ, ngách khác nhau thì biển số nhà được gắn ở cửa chính, nếu nhà có cửa chính ở tại góc hai đường, phố, ngõ, ngách thì nhà đó được đánh số và gắn biển theo đường, phố, ngõ, ngách lớn hơn.
Các loại biển được sử dụng gồm 7 loại sau đây:
– Biển số nhà mặt đường, phố;
– Biển số nhà trong ngõ, nhà trong ngách;
– Biển số căn hộ của nhà chung cư;
– Biển tên nhóm nhà;
– Biển tên ngôi nhà;
– Biển số tầng nhà;
– Biển số cầu thang.
Cấu tạo các loại biển:
– Màu sắc và chất liệu của biển
+ Các loại biển nêu tại khoản 1, 2, 3, 6 và 7 Điều 13 của Quy chế này có nền màu xanh lam sẫm, chữ và số màu trắng, đường chỉ viền màu trắng; được làm bằng sắt tráng men hoặc nhôm lá dập, dày 1 mm;
+ Mầu sắc và chất liệu các loại biển nêu tại khoản 4 và 5 Điều 13 của Quy chế này do Sở Xây dựng quy định.
– Kích thước của từng loại biển:
+ Biển số nhà mặt đường:
Biển có 1 hoặc 2 chữ số (chiều rộng x chiều cao): 200 mm x 150 mm;
Biển có 3 chữ số: 230 mm x 150 mm;
Biển có 4 chữ số: 260 mm x 150 mm;
+ Biển số nhà trong ngõ ngách, nhà trong ngách: kích thước do Sở Xây dựng quy định;
+ Biển số căn hộ (hoặc phòng):
Biển có 3 chữ số (chiều rộng x chiều cao): 170 mm x 100 mm;
Biển có 4 chữ số: 190 mm x 100 mm;
+ Biển tên nhóm nhà: kích thước do Sở Xây dựng quy định;
+ Biển tên ngôi nhà (chiều rộng x chiều cao): 850 mm x 650 mm;
+ Biển số tầng (chiều rộng x chiều cao): 300 mm x 300 mm;
+ Biển số cầu thang (chiều rộng x chiều cao): 300 mm x 300 mm.
– Cách ghi trên biển số:
+ Đối với các loại biển quy định tại điểm a, c, đ, e, g khoản 2 điều này thì ghi theo quy định tại Phụ lục 2 của Quy chế này;
+ Đối với các loại biển quy định tại điểm b, d khoản 2 điều này thì Sở Xây dựng quy định cách ghi bảo đảm nguyên tắc đơn giản, dễ tìm địa chỉ của nhà.
Như vậy, pháp luật đã quy định những vấn đề về cấp biển số nhà, cấu tạo của các loại biển số nhà, các nguyên tắc đánh số nhà tại đường, phố, ngõ, ngách, gắn biển số nhà đối với nhà chung cư, … để từ đó, khi nhìn vào biển số nhà có thể nhận biết được về loại hình nhà ở, các nguyên tắc đánh số, gắn biển giúp cho việc quản lý của cơ quan có thẩm quyền được thuận tiện hơn, dễ dàng hơn.