Theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự, đương sự có quyền đề nghị xác nhận kết quả thi hành án để đáp ứng nhu cầu sử dụng của mình hay đơn giản nhằm bảo đảm tính pháp lý an toàn. Vậy, Mẫu đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án (26/PTHA) có nội dung như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án là gì?
Theo Đại từ điển tiếng Việt, thì thi hành được hiểu là: “Thực hiện điều chính thức đã quyết định” . Theo Từ điển Luật học thì thi hành án là “là giai đoạn kết thúc trình tự tố tụng, là khâu cuối cùng kết thúc một vụ án được xét xử nhằm làm cho phán quyết của tòa án nhất định có hiệu lực pháp luật”
Thi hành án ở Việt Nam hiện nay gồm có: Thi hành án hình sự và thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Thi hành án dân sự là việc thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của trọng tài thương mại.
Thi hành án dân sự là quá trình thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên đã được bản án, quyết định của Tòa án ghi nhận. Trong thi hành án dân sự, các bên đương sự có quyền tự định đoạt, thỏa thuận với nhau nhằm thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án.
Trong các văn bản về thi hành án dân sự thì chưa có văn bản nào đưa ra khái niệm cụ thể về thi hành án dân sự. Khái niệm này được xây dựng dựa trên lý luận khoa học về thi hành án dân sự, theo đó, Thi hành án dân sự là hoạt động hành chính-tư pháp của Nhà nước, do các cơ quan thi hành án có thẩm quyền tiến hành theo một trình tự, thủ tục luật định, nhằm đảm bảo thi hành án các bản án hoặc các quyết định về dân sự của Tòa án hoặc quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền.
Kết quả thi hành án dân sự được hiểu là nội dung mà quá trình thi hành án đạt được, tức là cái đạt được thông qua việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự theo quyết định thi hành án. kết quả thi hành án có thể được ghi nhận thông qua quá trình giải quyết của cơ quan thi hành án hoặc theo thỏa thuận của các bên- Theo Điều 6 Luật Thi hành án dân sự
Đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án dân sự là văn bản do đương sự hoặc thân nhân của họ gửi tới cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền nhằm yêu cầu cơ quan này xác nhận kết quả thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự theo quyết định thi hành án. Nhìn chung, đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án dân sự đang có hai mẫu được Bộ tư pháp và Bộ quốc phòng ban hành, nếu như việc thi hành án được thực hiện trong quân đội thì mẫu do Bộ quốc phòng ban hành sẽ được sử dụng (mẫu số 26/PTHA), còn những trường hợp khác sẽ sử dụng mẫu do Bộ tư pháp ban hành (D10-THADS).
Quyền yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án của đương sự và thân nhân của họ được ghi nhận cụ thể tại Điều 53, Luật Thi hành án dân sự, cụ thể: “Đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án.”
Hay tại Khoản 1, Điều 37
Thông thường người phải thi hành án là người đề nghị xác nhận kết quả thi hành án.
Trên cơ sở đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án dân sự, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án dân sự theo mẫu số D12-THADS, Thông tư số 01/2016/TT-BTP
Đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án dân sự là văn bản bày tỏ nguyện vọng của đương sự, là căn cứ phát sinh trách nhiệm phải xác nhận kết quả của thủ trưởng cơ quan thi hành án. Trên cơ sở ý nghĩa của việc xác nhận kết quả thi hành án, đơn đề nghị còn là căn cứ chứng minh đương sự đã thực hiện như thế nào về quyền và nghĩa vụ theo quyết định thi hành án, là sự xác nhận cuối cùng cho việc kết thúc quá trình thi hành án toàn bộ hay định kỳ. Và việc viết đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án là cách thức để đương sự bảo vệ chính mình khi có những tranh chấp phát sinh.
Nghĩa vụ xác nhận kết quả thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự được ghi nhận tại Điều 53 Luật thi hành dân sự như sau: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án.”
Có thể thấy, thời hạn 05 ngày là thời hạn phù hợp, thủ trưởng cơ quan thi hành án có thể cấp giấy xác nhận sớm hơn so với với thời hạn, việc quy định như vậy là tạo thời gian nhằm xem xét, xác minh lại về kết quả thi hành án và thực hiện các thủ tục nhất định mới đưa ra được quyết định cấp giấy xác nhận.
Nhằm cụ thể hơn, về quy định tại Điều 53, Điều 37, Nghị định 62/2015/NĐ-CP thể hiện rằng: “
Nội dung của văn bản xác nhận phải thể hiện rõ khoản nghĩa vụ theo bản án, quyết định, nghĩa vụ phải thi hành theo quyết định thi hành án và kết quả thi hành án cho đến thời điểm xác nhận.
Kết quả thi hành án được xác nhận thể hiện việc đương sự đã thực hiện xong toàn bộ hoặc một phần quyền, nghĩa vụ của mình theo quyết định thi hành án hoặc thi hành xong nghĩa vụ thi hành án của từng định kỳ trong trường hợp việc thi hành án được tiến hành theo định kỳ.”
Như vậy, có thể thấy rằng, thời điểm xin xác nhận kết quả thi hành án khá linh hoạt, đương sự có thể xin xác nhận khi đã hoàn thành xong một phần nghĩa vụ mà không cần phải hoàn thành xong toàn bộ nghĩa vụ của mình.
2. Mẫu Đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
(Về việc xác nhận kết quả thi hành án)
Kính gửi: Phòng Thi hành án ……
Theo Bản án, Quyết định số …… ngày…… tháng ……. năm …….. của Tòa án ..…… …… và Quyết định thi hành án số ………. ngày ….. tháng……. năm ……. của Trưởng phòng Thi hành án …. thì ông (bà) ……… địa chỉ:
Các khoản phải thi hành:
……
Đề nghị:
……
Các tài liệu kèm theo:
…….
…….., ngày…. tháng …. năm …
NGƯỜI LÀM ĐƠN ĐỀ NGHỊ
(Ký, ghi rõ họ, tên hoặc điểm chỉ)
3. Hướng dẫn mẫu đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án chi tiết nhất:
Nhìn chung, mẫu đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án có nội dung khá đơn giản, người làm đơn chủ yếu căn cứ vào các tài liệu như bản án, quyết định của Tòa án, quyết đinh thi hành án của cơ quan thi hành án để điền nội dung thông tin về số, ngày tháng năm ra bản án, quyết định.
Phòng thi hành án có thẩm quyền là phòng thi hành án đã tiếp nhận yêu cầu thi hành án của đương sự hoặc tự mình thi hành án theo quy định của pháp luật.
Ở mục đề nghị: đó là việc đề nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án xác nhận kết quả thi hành án theo điều khoản thi hành nào hay toàn bộ điều khoản (người làm đơn phải ghi rõ các nội dung)
Các tài liệu kèm theo có thể là quyết định thi hành án dân sự,..
Cuối đơn, người làm đơn ghi địa danh, ngày tháng năm làm đơn, ký và ghi rõ họ tên hoặc có thể điểm chỉ.
Người làm đơn chú ý phải trình bày rõ ràng, kết cấu bố cục chặt chẽ, không tẩy xóa, dùng một phông chữ và một màu chữ, đảm bảo được một văn bản quy chuẩn gửi tới cơ quan có thẩm quyền.
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự
Thông tư 96/2016/TT-BQP quy định công tác kiểm tra, biểu mẫu nghiệp vụ về thi hành án dân sự trong Quân đội